Thế giới 24h

Trung Quốc lần đầu tăng đầu tư vào châu Âu kể từ 2016

Hoài Phương (theo SCMP, Euronews) 21/05/2025 16:38

(CLO) Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ nguội lạnh, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã bật tăng mạnh trong năm 2024, với Hungary vươn lên dẫn đầu, vượt cả Đức, Pháp và Anh để trở thành điểm đến số một đón vốn Trung Quốc.

Theo báo cáo mới công bố của Viện Mercator (Đức) và Rhodium Group (Mỹ), tổng đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào châu Âu năm 2024 đã tăng 47% so với năm trước, đạt 10 tỷ euro (tương đương 11,23 tỷ USD).

Đây là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2016, thời điểm các nước châu Âu bắt đầu bày tỏ lo ngại trước làn sóng Trung Quốc thâu tóm công nghệ, tiêu biểu là thương vụ tập đoàn Midea mua công ty robot Kuka của Đức.

Trong 9 năm sau đó, đầu tư Trung Quốc vào châu Âu đi vào thời kỳ “ngủ đông”, phần vì Liên minh châu Âu (EU) dựng lên hàng rào sàng lọc đầu tư, phần vì Bắc Kinh chuyển hướng dòng vốn sang các khu vực khác.

Nhưng khi Mỹ ngày càng siết chặt lối vào với doanh nghiệp Trung Quốc, châu Âu bắt đầu trở thành điểm đến khả dĩ hơn. Dù vậy, tổng đầu tư vẫn còn cách xa thời kỳ đỉnh cao trước năm 2017.

untitled(1).png
Ảnh minh họa: VCG

Hungary chiếm tới 31% tổng đầu tư Trung Quốc vào châu Âu trong năm 2024, áp đảo hoàn toàn so với bộ ba "ông lớn" Đức, Pháp và Anh, vốn chỉ nhận tổng cộng 20% dòng vốn, giảm mạnh so với mức trung bình 52% giai đoạn 2019–2022.

Động lực chính đến từ đầu tư vào ngành xe điện và chuỗi cung ứng pin. Báo cáo chỉ ra rằng 7/10 khoản đầu tư lớn nhất của Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái rót vào lĩnh vực pin, trong đó 4 dự án được triển khai tại Hungary.

Đặc biệt, dự án nhà máy pin trị giá 7,5 tỷ euro của CATL ở Hungary được xem là khoản đầu tư lớn nhất năm, chiếm 16% tổng vốn của Trung Quốc rót vào lục địa. CATL cũng đã là nhà đầu tư lớn nhất của Trung Quốc tại châu Âu suốt 5 năm qua.

Không chỉ có CATL, hãng xe điện BYD tuần trước cũng thông báo sẽ mở trụ sở chính và trung tâm R&D tại Hungary, bổ sung vào nhà máy lắp ráp hiện có, củng cố vị trí trung tâm chiến lược của nước này trong ngành xe điện châu Âu.

Ở cấp chính trị, Hungary thể hiện rõ lập trường không quay lưng với Trung Quốc. “Tách khỏi Trung Quốc là lằn ranh đỏ đối với chúng tôi”, Thứ trưởng Ngoại giao và Thương mại Levente Magyar tuyên bố tại Brussels tuần trước.

Khi được hỏi liệu Hungary có sẵn sàng “chia tay” Trung Quốc nếu đó là điều Tổng thống Trump mong muốn, ông Magyar đáp thẳng: “Chắc chắn là không”. Ông nhấn mạnh Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Hungary, và nước này “không có lý do gì” để từ bỏ điều đó.

Thủ tướng Viktor Orban từ lâu đã được xem là nhà lãnh đạo thân Trung Quốc và thân Trump nhất châu Âu. Với việc Mỹ ngày càng thúc ép các đồng minh phải chọn phe, Hungary có thể rơi vào tình thế khó xử, nhưng hiện tại, họ vẫn đang chọn cả hai.

Mặt khác, Brussels vẫn đang loay hoay với bài toán kiểm soát đầu tư. EU có quyền thiết lập chính sách thương mại chung, nhưng quyền phê duyệt các khoản đầu tư lại thuộc về từng quốc gia thành viên, trừ khi áp dụng các công cụ như quy định sàng lọc FDI hoặc luật chống trợ cấp. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý mà các công ty Trung Quốc có thể khai thác.

Một nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cảnh báo nếu không ràng buộc rõ ràng về việc tạo việc làm, chuyển giao công nghệ hay sản xuất tại chỗ, ngành công nghiệp châu Âu có nguy cơ bị “hạ cấp” thành các dây chuyền lắp ráp đơn thuần cho linh kiện Trung Quốc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc lần đầu tăng đầu tư vào châu Âu kể từ 2016
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO