Trung Quốc muốn chấm dứt cuộc đua giảm giá xe, nhưng BYD và Geely không đồng ý

03/03/2025 06:19

(CLO) Bắc Kinh muốn chặn đà giảm giá xe điện để bảo vệ lợi nhuận ngành, nhưng cuộc họp với các "ông lớn" vắng BYD, Geely đặt dấu hỏi về hiệu quả chính sách.

Khi cuộc đua giảm giá đe dọa lợi nhuận và kìm hãm đổi mới, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia của các "ông lớn" trong ngành, liệu chính sách này có thể thành công?

trung quoc muon cham dut cuoc dua giam gia xe nhung byd va geely khong dong y hinh 1

Một số mẫu xe điện của BYD. Ảnh: BYD

Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR) vừa tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao từ nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, ô tô và công nghệ.

Mục đích là tìm giải pháp cho tình trạng "neijuan" - vòng xoáy cạnh tranh tiêu cực, khi các doanh nghiệp không ngừng giảm giá để giành thị phần, dẫn đến lợi nhuận suy giảm và đổi mới công nghệ chững lại.

Theo tờ South China Morning Post, cuộc họp do Thứ trưởng Meng Yang chủ trì, tập trung vào việc kiểm soát cạnh tranh quá mức để đảm bảo sự ổn định lâu dài của ngành công nghiệp. Các doanh nghiệp tham dự gồm BAIC Group, Mercedes-Benz, Alibaba, JD.com, Trina Solar, JA Solar Technology và Longi Green Energy Technology.

Tuy nhiên, đáng chú ý là sự vắng mặt của những tên tuổi dẫn đầu trong cuộc chiến giá xe như BYD, Geely, Tesla và Chery. Việc này làm dấy lên hoài nghi về hiệu quả của chính sách kiềm chế giảm giá mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

"Neijuan" và thách thức dư thừa công suất

Hiện tượng neijuan đang là một bài toán nan giải đối với chính quyền Trung Quốc. Đây là tình trạng các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào sản xuất nhưng không thu lại lợi nhuận tương xứng.

Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và xe điện, điều này khiến giá bán liên tục giảm xuống mức không bền vững. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã xác định đây là ưu tiên cần giải quyết trong năm 2025, kêu gọi "chấn chỉnh toàn diện cạnh tranh quá mức".

Tuy nhiên, dù Bắc Kinh đã nhận thức rõ vấn đề, các biện pháp đưa ra chủ yếu vẫn dừng ở mức độ tuyên bố. Trong cuộc họp Bộ Chính trị hồi tháng 7 năm ngoái, lần đầu tiên thuật ngữ neijuan xuất hiện trong một thông cáo chính thức của chính phủ.

Nhưng đến nay, các chính sách cụ thể vẫn chưa rõ ràng, và giới doanh nghiệp Trung Quốc tỏ ra hoài nghi về khả năng chính quyền sẽ có động thái quyết liệt.

Vì sao BYD và Geely vắng mặt?

Việc BYD và Geely không tham dự cuộc họp của SAMR được cho là tín hiệu đáng chú ý. Đây là hai doanh nghiệp dẫn đầu cuộc chiến giảm giá xe tại Trung Quốc. BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tính theo doanh số, liên tục hạ giá để duy trì vị thế trong thị trường nội địa đầy cạnh tranh. Geely cũng không ngừng điều chỉnh giá bán, gây áp lực lớn lên các hãng xe nhỏ hơn.

Trong khi đó, Mercedes-Benz và BAIC có mặt tại cuộc họp nhưng không phải là những nhân tố chính trong cuộc đua giảm giá tại thị trường nội địa. Sự vắng mặt của BYD và Geely cho thấy hai doanh nghiệp này không tin rằng chính sách của chính phủ sẽ thay đổi được cục diện. Nếu những hãng xe dẫn đầu không tham gia thảo luận, nỗ lực kiểm soát giá của Bắc Kinh có thể sẽ khó đạt được kết quả mong muốn.

Bắc Kinh do dự trong việc can thiệp

Dù nhận thức được tác động tiêu cực của cuộc chiến giá, chính quyền Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng trong việc can thiệp trực tiếp. Theo báo cáo của Think China, từ năm 2022, chính phủ đã nhận diện tình trạng neijuan trong ngành công nghệ sạch, nhưng các biện pháp chủ yếu chỉ dừng ở việc đối thoại thay vì áp đặt quy định cứng rắn.

Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận định ngành năng lượng mặt trời và xe điện đang đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, làm gia tăng áp lực giảm giá. Ông cũng cho rằng trong lĩnh vực nền tảng số, vấn đề không nằm ở dư thừa công suất mà ở việc thị trường bị chi phối bởi một số doanh nghiệp lớn, buộc các nhà bán hàng phải hạ giá để cạnh tranh.

Ngành ô tô Trung Quốc hiện đang rơi vào cuộc chiến giá khốc liệt, tương tự như hiện tượng "race to the bottom" (cuộc đua xuống đáy) trong kinh tế học. Các doanh nghiệp không ngừng giảm giá để giành lợi thế, nhưng điều này cũng làm xói mòn lợi nhuận và kìm hãm đổi mới.

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà còn xuất hiện tại nhiều ngành công nghiệp khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế định hướng bởi nhà nước như Trung Quốc, sự cạnh tranh khốc liệt trở nên đặc biệt nghiêm trọng.

Những tập đoàn lớn như BYD và Geely có đủ tiềm lực để chấp nhận cuộc chiến giá, nhưng các hãng xe nhỏ hơn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến sự độc quyền thay vì một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hơn nữa, việc liên tục hạ giá khiến doanh nghiệp mất động lực đầu tư vào công nghệ mới, làm chậm lại tốc độ đổi mới trong ngành xe điện của Trung Quốc.

Nếu chính phủ can thiệp, họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Việc áp đặt kiểm soát giá hoặc các biện pháp siết chặt quy định có thể làm giảm tính linh hoạt của thị trường. Ngược lại, nếu để tình trạng này tiếp diễn, ngành công nghiệp có nguy cơ rơi vào bất ổn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thách thức lớn nhất với các nhà hoạch định chính sách là tìm ra điểm cân bằng giữa duy trì sự cạnh tranh công bằng mà không làm tổn hại đến sự ổn định của ngành.

Liệu có thay đổi nào sắp diễn ra?

Dù chính quyền Bắc Kinh đã có những động thái kêu gọi kiềm chế cuộc chiến giá, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng thực hiện biện pháp mạnh tay. Cuộc họp với các doanh nghiệp hàng đầu cho thấy chính phủ Trung Quốc đã nhận thức rõ vấn đề, nhưng nếu thiếu sự tham gia của ba cái tên đóng vai trò then chốt BYD, Geely và Tesla trong cuộc chiến giá xe thì khả năng thay đổi ngay lập tức là rất thấp.

Trong thời gian tới, ngành ô tô Trung Quốc vẫn sẽ chìm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, khi các hãng xe tiếp tục ưu tiên chiến lược giá rẻ để duy trì thị phần. Việc chính quyền Bắc Kinh có can thiệp sâu vào thị trường hay không vẫn là một dấu hỏi.

Nhưng trước mắt, các hãng xe Trung Quốc dường như vẫn sẵn sàng bám trụ trong cuộc đua giảm giá, đặt cược vào chiến lược định giá hơn là chờ đợi sự điều chỉnh từ chính sách.

An Nhiên (Theo Firstpost)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc muốn chấm dứt cuộc đua giảm giá xe, nhưng BYD và Geely không đồng ý
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO