Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thiên Vấn-2, khám phá tiểu hành tinh và sao chổi
(CLO) Vào sáng sớm ngày 29/5, tàu vũ trụ Thiên Vấn-2 của Trung Quốc đã rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, trên tên lửa đẩy Trường Chinh 3B.
Đây là sứ mệnh đầu tiên của Trung Quốc nhằm thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh và nghiên cứu một sao chổi, mở ra cơ hội tìm hiểu sâu hơn về sự hình thành và tiến hóa của Hệ Mặt trời.
Chỉ 18 phút sau khi phóng, tên lửa đã đưa Thiên Vấn-2 vào quỹ đạo chuyển tiếp đến tiểu hành tinh 469219 Kamo’oalewa (2016 HO3). Các tấm pin mặt trời của tàu được triển khai thành công, đánh dấu bước khởi đầu suôn sẻ cho sứ mệnh.

Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), tàu sẽ tiếp cận Kamo’oalewa, một tiểu hành tinh nhỏ gần Trái đất, được cho là mảnh vỡ từ Mặt trăng do va chạm trong quá khứ. Tàu dự kiến thu thập mẫu vật từ bề mặt tiểu hành tinh này và đưa về Trái đất vào cuối năm 2027 thông qua một khoang tái nhập.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Kamo’oalewa, Thiên Vấn-2 sẽ tận dụng lực hấp dẫn của Trái Đất để thực hiện một cú “đẩy trợ lực” (slingshot), bắt đầu hành trình kéo dài 7 năm đến sao chổi 311P/PANSTARRS.
Nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, 311P/PANSTARRS là một vật thể độc đáo, vừa có đặc điểm của tiểu hành tinh, vừa phát ra đuôi bụi giống sao chổi. Tàu sẽ nghiên cứu quỹ đạo, hình dạng, thành phần bề mặt, và hoạt động phát bụi của sao chổi này.
Nếu thành công, Thiên Vấn-2 sẽ đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Nhật Bản và Mỹ, thu hồi được mẫu vật từ tiểu hành tinh. Sứ mệnh này không chỉ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của các vật thể gần Trái đất mà còn hỗ trợ nghiên cứu về phòng thủ hành tinh và khai thác tài nguyên vũ trụ.
Thiên Vấn-2 là bước tiếp nối trong chương trình khám phá không gian đầy tham vọng của Trung Quốc, sau thành công của Thiên Vấn-1 (đưa tàu quỹ đạo và xe tự hành Zhurong lên Sao Hỏa năm 2021) và các sứ mệnh Hằng Nga trên Mặt trăng.