Thế giới 24h

Trung Quốc tăng tốc tự chủ hàng không dù Mỹ đã nới lỏng xuất khẩu động cơ

Hoài Phương (theo SCMP, Reuters) 07/07/2025 17:08

(CLO) Trung Quốc đang tăng cường sản xuất máy bay nội địa và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế dù Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán các bộ phận và công nghệ động cơ phản lực.

Tuần trước, Reuters đưa tin Mỹ đã cho phép nối lại việc bán các linh kiện động cơ cho Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac), sau khi hai bên đạt được thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu. Nhờ đó, Comac – có trụ sở tại Thượng Hải – có thể tiếp tục nhập khẩu linh kiện từ liên doanh giữa General Electric (GE) và Safran Aircraft Engines (Pháp) để sản xuất máy bay C919.

Động thái này đặc biệt quan trọng đối với Comac, vốn đang gấp rút hoàn thành hàng trăm đơn đặt hàng cho dòng máy bay thân hẹp C919. Nếu không có động cơ nhập khẩu, hãng sẽ phải tìm nhà cung cấp khác hoặc đẩy nhanh quá trình phát triển động cơ nội địa – điều mà Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, theo ông Hugh Ritchie, CEO của Aviation Analysts International (Úc).

untitled(4).png
Mẫu C919 năm 2010. Ảnh: CC/Wiki

Tháng 5 vừa qua, Mỹ từng tạm thời đình chỉ một số hoạt động xuất khẩu liên quan đến động cơ phản lực, khiến thị trường lo ngại về chuỗi cung ứng cho Comac. Tuy nhiên, do nhà máy ở Thượng Hải vẫn đang trong giai đoạn đầu sản xuất C919, chưa có gián đoạn đáng kể nào được ghi nhận.

Hiện nay, các động cơ LEAP-1C – sản phẩm của liên doanh GE-Safran – là loại duy nhất được sử dụng cho dòng C919.

Trước đó, Mỹ đã tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc từ tháng 4, kéo theo các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh, bao gồm kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và công nghệ động cơ phản lực.

Dù được cấp lại quyền tiếp cận nguồn linh kiện Mỹ, Comac vẫn không từ bỏ mục tiêu nội địa hóa động cơ. Nhà phân tích hàng không độc lập Li Hanming cho biết việc sử dụng động cơ Mỹ là giải pháp cấp bách trước mắt, nhưng Trung Quốc vẫn đang phát triển động cơ CJ-1000 để thay thế lâu dài.

Động cơ CJ-1000 do Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC) sản xuất hiện đã bước vào giai đoạn thử nghiệm. Dù chưa rõ thời gian hoàn thiện, nhưng đây là mắt xích quan trọng giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ phương Tây trong ngành hàng không.

Được khởi động từ năm 2009, dự án C919 nhắm đến phân khúc máy bay thân hẹp, cạnh tranh trực tiếp với dòng A320 của Airbus và 737 của Boeing. Máy bay có sức chứa tối đa 192 hành khách, và chiếc đầu tiên đã đi vào hoạt động thương mại từ năm 2023. Hiện tại, 18 chiếc C919 đang được khai thác.

Tuy nhiên, để có thể bay ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, C919 vẫn cần được cấp phép từ các cơ quan quản lý hàng không quốc tế. Theo ông Ritchie, việc sử dụng các linh kiện do Mỹ phê duyệt sẽ giúp Comac dễ dàng hơn trong quá trình xin chứng nhận từ Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA).

Dù trước mắt đã có giải pháp duy trì sản xuất, giới quan sát cho rằng nếu Mỹ tái lập kiểm soát xuất khẩu, Trung Quốc sẽ buộc phải đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực tự lực công nghệ để bảo vệ các tham vọng hàng không dài hạn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc tăng tốc tự chủ hàng không dù Mỹ đã nới lỏng xuất khẩu động cơ
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO