Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh: Mô hình kết nối mới cho hoạt động báo chí truyền thông  

Thứ hai, 04/05/2020 18:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trung tâm báo chí hoạt động theo mô hình hiện đại đầu tiên của cả nước được Thành phố Hồ Chí Minh thành lập và đưa vào vận hành mà trước đó chưa có mô hình nào làm tiền lệ.

Các lãnh đạo TPHCM trong một dịp đến thăm TTBC

Các lãnh đạo TPHCM trong một dịp đến thăm TTBC

Tòa soạn thứ 2 của các nhà báo

Trong những năm qua, lãnh đạo TP. HCM luôn nhận thức được vai trò, đóng góp của cơ quan báo chí trong quá trình phát triển. TP.HCM cũng luôn coi báo chí là kênh thông tin đáng tin cậy để tham khảo trong quá trình xây dựng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội do đó cần có một Trung tâm báo chí cho nhiệm vụ quan trọng này.

Có thể nói, Trung tâm Báo chí (TTBC) đầu tiên của cả nước này ra đời từ ý tưởng của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhằm phục vụ tốt hơn cho các cơ quan báo chí tác nghiệp.

Tiếp nhận ý tưởng của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM đặt ra yêu cầu phải chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, thường xuyên, kịp thời, chính xác cho báo chí trong nước và quốc tế và từ đó đã quyết tâm xây dựng, sớm đưa TTBC vào hoạt động.

Sau khoảng 1,5 năm phát triển  ý tưởng và chưa đầy 2 tháng thi công, công trình TTBC đầu tiên của cả nước đã chính thức khai trương. Công trình này thể hiện sự quan tâm của TP.HCM luôn mong muốn hỗ trợ toàn diện đến các nhà báo để họ có điều kiện tốt nhất khi tìm hiểu, chia sẻ và nắm bắt thông tin. TTBC là công trình do UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư.

Theo đạo diễn Lê Văn Duy cảm nhận: Sau khi dự một cuộc ra mắt sách của đồng nghiệp, tôi mới biết ở TPHCM có một Trung tâm báo chí hoành tráng và hiện đại, nhân viên rất chuyên nghiệp và lịch sự thế này.

Trên thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính, kinh tế lớn và cũng là nơi có hoạt động báo chí sôi động bậc nhất cả nước. Hiện có 31 cơ quan báo chí của TP, 142 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác; khoảng 1.800 nhà báo TP, 500 nhà báo Trung ương sinh sống trên địa bàn; 12 cơ quan báo chí nước ngoài có văn phòng đại diện.

Nhiều năm qua, lãnh đạo Thành phố (TP) đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện để báo chí hoạt động, phát triển; ngược lại, báo chí đã luôn đồng hành với Đảng bộ, chính quyền TPHCM, cung cấp thông tin phong phú, đa dạng, có tính phản biện cao, cùng chung sức xây dựng TP.

Khi đi vào hoạt động, TTBC TP.HCM đã trở thành mái nhà chung, tòa soạn thứ 2 của các nhà báo

Khi đi vào hoạt động, TTBC TP.HCM đã trở thành mái nhà chung, tòa soạn thứ 2 của các nhà báo

Ông Từ Lương Phó Giám đốc Sở TT- TT, Giám đốc TTBC cho biết: “Thời gian qua việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đến báo chí còn hạn chế. Nhiều cơ quan nhà nước còn ngại tiếp xúc báo chí nên các nhà báo rất khó tiếp cận thông tin chính thống. Với chức năng của trung tâm, chúng tôi có quyền được tổ chức thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin của các cơ quan báo chí, đồng thời thực hiện chức năng đầu mối và cùng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy để đề nghị lãnh đạo TP cung cấp thông tin về các vấn đề dư luận đang quan tâm, để thông tin lại cho các cơ quan báo, đài”.

Khi đi vào hoạt động, TTBC TP.HCM đã trở thành mái nhà chung, tòa soạn thứ 2 của các nhà báo, là cầu nối giữa lãnh đạo các cấp của TP và các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch về các hoạt động của TP trên các lĩnh vực đến các cơ quan báo chí.

Về phương thức hoạt động và tính hiện đại, tiện dụng của Trung tâm báo chí, mỗi nhà báo sẽ được cấp một thẻ tác nghiệp. Dựa trên các thông tin đăng ký, khi đến tác nghiệp, nhà báo chỉ cần quẹt thẻ là có thể sử dụng và khai thác thông tin tại trung tâm. Ngược lại, thông qua thẻ từ, chủ tọa họp báo sẽ biết các thông tin ngay lập tức về nhà báo (tuổi đời, tuổi nghề, tên cơ quan báo chí...) từ đó có ứng xử hay câu trả lời phù hợp. 

Trong tương lai, TTBC sẽ trở thành một Trung tâm Báo chí - Truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp, đủ khả năng phục vụ các sự kiện quan trọng tầm quốc gia và quốc tế.  Tổng chi phí đầu tư TTBC ban đầu ước tính khoảng 34,5 tỷ đồng. Kinh phí hoạt động thường xuyên năm đầu tiên là 2 tỷ đồng.   

Một năm hoạt động theo tinh thần “vừa xếp hàng vừa chạy”

Từ nhận thức về sự quan trọng của một Trung tâm báo chí cho đến sự cần thiết trong thực tế, Trung tâm báo chí TP HCM đã có một năm hoạt động theo tinh thần “vừa xếp hàng vừa chạy” trong những ngày đầu thành lập, nhanh chóng ổn định, phát triển nhanh và mạnh được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dùng hai chữ "thần kỳ" khi nhận xét về tốc độ triển khai trung tâm, thể hiện quyết tâm của các cấp lãnh đạo TP trong việc đem đến cho báo chí những điều kiện phát triển tốt nhất.

Sau một năm đi vào hoạt động, hiện nay TTBC đã hoàn thiện với 2 phòng họp báo (100 chỗ và 50 chỗ), 1 phòng chờ khách VIP, 1 phòng tiếp phóng viên, 1 phòng làm việc của phóng viên, 2 phòng chờ - giao lưu phóng viên, các phòng dịch vụ phục vụ công tác tổ chức: phòng phục vụ teabreak, phòng kho - thiết bị, phòng kỹ thuật…

Các cán bộ nhân viên TTBC tác nghiệp trong mùa chống dịch Covid 19

Các cán bộ nhân viên TTBC tác nghiệp trong mùa chống dịch Covid 19

Bên cạnh đó, các khu làm việc tại đây được trang bị đầy đủ các thiết bị văn phòng, máy tính, có kết nối mạng Internet tốc độ cao, dịch vụ hạ tầng viễn thông cùng nhiều màn hình lớn được lắp đặt truyền tín hiệu trực tiếp từ các sự kiện của TP.HCM.

Ngoài ra, TTBC còn có các khu làm việc riêng cho báo chí với cơ sở vật chất hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho các cơ quan báo chí tác nghiệp. Tất cả các khu vực được thiết kế đẹp mắt, hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

TTBC mở cửa đón tiếp phóng viên, biên tập viên của TPHCM, của Trung ương, địa phương khác đóng trú tại địa bàn và báo chí quốc tế liên tục từ 8h đến 18h các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). Đặc biệt, khi TPHCM diễn ra sự kiện lớn, trung tâm sẽ điều chỉnh thời gian mở cửa phục vụ phù hợp với tình hình thực tế.   

Xác định rõ rằng, muốn quản lý thông tin truyền thông trên báo chí và mạng xã hội không thể duy ý chí mà phải bằng các biện pháp khoa học và được hỗ trợ bằng công nghệ hiện đại, TTBC đã trang bị Phòng kỹ thuật, điều hành ngoài màn hình camera ghi lại hoạt động trong trung tâm còn tích hợp các dữ liệu trực tiếp về giao thông, những vấn đề nóng trên mạng xã hội, lưu trữ báo chí.

Đây là hệ thống có công dụng đọc báo tự động nhằm tham mưu cho các cơ quan chức năng quản lý thông tin trên mạng, là công cụ tìm kiếm và tổng hợp dữ liệu, thông tin, vận hành theo nguyên tắc sử dụng nền tảng tìm kiếm các từ khóa nổi bật của Google...

Trước sự hiện đại của Trung tâm, nhà báo Đình Khiêm - Đài  HTV nhận định: Tôi đã cùng ekip làm phim của Đài truyền hình TPHCM đi tác nghiệp nhiều nơi, tôi rất bất ngờ khi ở TTBC có điều kiện tác nghiệp đầy đủ tiện nghi và hiện đại thế này.

Vừa qua, Trung tâm báo chí TPHCM  được bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Khanh Trưởng phòng báo chí xuất bản của Sở TTTT về làm Phó giám đốc và sắp tới TTBC còn được trang bị thêm nhân sự có trình độ chuyên môn cao và các hệ thống máy móc hiện đại để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trung tâm là nơi tiếp thu góp ý của nhân dân qua phản ánh báo chí thông qua những buổi họp báo định kỳ.  "Trung tâm Báo chí sẽ là nơi chính quyền truyền tải, lan tỏa thông tin kịp thời nhất đến nhân dân. Đây cũng là nơi để chính quyền có cơ hội lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân thông qua báo chí", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Trung tâm Báo chí TP.HCM triển khai 5 phân khu chức năng với tổng diện tích khoảng 1.600 m2. Bên trong có 2 phòng họp báo từ 50-100 chỗ ngồi và phòng họp cho khách V.I.P, phòng làm việc dành cho phóng viên...Các phòng làm việc đều được trang bị đầy đủ các thiết bị văn phòng, máy tính và mạng Internet tốc độ cao.

Có thể nói đây là Trung tâm báo chí theo mô hình hiện đại đầu tiên của cả nước được TPHCM thành lập và đưa vào vận hành mà trước đó chưa có mô hình nào làm tiền lệ. Trung tâm báo chí kết hợp được sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, do một phó giám đốc sở TTTT kiêm nhiệm là giám đốc Trung tâm đứng đầu, đã coi đội ngũ làm báo và bạn đọc là đối tượng hàng đầu để phục vụ.

Nhà báo Trần Xuân Thái -  Thời báo Kinh tế Việt Nam nhận xét: Trung tâm báo chí TPHCM có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, bước đầu đã thu hút được sự quan tâm báo giới. Được như vậy một phần cũng nhờ có một giám đốc Từ Lương trẻ trung và năng động.

Trong khi ở Quảng Ninh có trung tâm truyền thông dựa vào sự hợp nhất 4 đơn vị báo chí trong tỉnh, hay như tỉnh Bình Phước sáp nhập hai đơn vị báo in và Đài PTTH làm một, thì TPHCM lại tổ chức thêm một Trung tâm báo chí ngay trong lúc TP HCM đang tổ chức quy hoạch và tinh gọn bộ máy toàn diện.

Đó là một việc làm quy nạp được nhiều nguồn lực, nhiều mục tiêu phục vụ để lưu trữ, để tham mưu, để góp sức với cơ quan chức năng thực hiện thành công nhiệm vụ quản lý báo chí và kiểm soát được các thông tin trên báo chí và Mạng Xã hội.

Hàng ngày, vào đầu giờ buổi sáng, tại Trung tâm báo chí có một tổ đọc báo ( bộ phận này được chuyển từ Sở TTTT sang) và điểm báo trên mạng và báo in, sau đó tổng hợp thành bảng hệ thống tin bài trong ngày, tóm tắt các vấn đề chính mà dư luận đang quan tâm nhất, các báo đề cập nhiều nhất, gửi lên cho các cơ quan chức năng phân tích đánh giá, phát hiện những sai sót cần chấn chỉnh, góp phần cho các cơ quan chức năng xử lý vấn đề chính xác và kịp thời.

Đồng thời, Trung tâm báo chí cũng đề xuất và được cho phép thành lập một Ban cố vấn gồm các cán bộ đầu ngành, các chuyên gia sâu sát các lĩnh vực cũng như các nhà báo lâu năm nhiều kinh nghiệm, để nâng cao chất lượng hoạt động về bề sâu cũng như diện rộng cho Trung tâm báo chí.

Với sự quan tâm sâu sắc và sự đầu tư giúp đỡ hữu hiệu của Đảng bộ và chính quyền TPHCM, Trung tâm báo chí TPHCM đã được đưa vào sử dụng và bắt đầu cuộc hành trình mới mẻ của mình, trong một năm đầu vận hành đã có nhiều hoạt động đúng trọng tâm, đúng đối tượng phục vụ và mang lại một không khí năng động cũng như thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân và những người làm báo, góp phần tích cực trong việc chủ động tham mưu cho cơ quan chức năng quản lý thông tin trên báo chí và Mạng xã hội.

Có thể nói, sau một năm hoạt động, TTBC TPHCM ngày càng thể hiện được vai trò “mái nhà chung và toà soạn thứ hai” của mình. Trong những thời điểm có nhiều sự kiện thời sự, đây là nơi giao ban họp hành trực tuyến. Các vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm đặc biệt các Sở, Ban ngành cũng tổ chức họp báo tại đây.

Đặc biệt, trong thời gian chống dịch Covid 19 quyết liệt nhất, gần như chiều nào Ban chỉ đạo chống dịch bệnh của Thành phố cũng tổ chức giao ban trực tuyến với các quận huyện tại TTBC, kịp thời đánh giá tình hình và đưa ra các quyết định chỉ đạo kịp thời nhất.Với mô hình thành lập TTBC  kết nối báo chí truyền thông hiện đại này, các hoạt động báo chí của TPHCM một năm qua càng được quản lý, điều hành, phối hợp với nhau chặt chẽ, đa dạng và hiệu quả hơn.

Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Báo chí TP.HCM

1. Là đầu mối đề nghị lãnh đạo TP.HCM và các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc, quan tâm đến các cơ quan báo chí. Thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin từ các cơ quan báo chí.

2. Tổ chức các cuộc họp báo, sự kiện báo chí, truyền thông.

3. Tiếp nhận, xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu để phục vụ việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.

4. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm và các sự kiện. Hợp tác với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.

5. Hợp tác, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và trung hạn nghiệp vụ truyền thông.6. Hướng dẫn, hỗ trợ báo chí trong và ngoài nước tác nghiệp tại TP.HCM theo đúng quy định của pháp luật.

7. Cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng của Trung tâm Báo chí TP.HCM đối với các đơn vị có nhu cầu.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

Tin khác

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo
Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo
65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo