Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa: Kết nối doanh nghiệp và người lao động
(CLO) Với vai trò là “cầu nối” giữa các doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã triển khai đa dạng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng cũng như các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm giúp người sử dụng lao động và người lao động có cơ hội gặp gỡ trực tiếp, tiến tới thỏa ước lao động việc làm.
Thanh Hóa được biết đến là tỉnh có dân số đông thứ 3 cả nước với trên 3,6 triệu người, tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm là 0,65%. Dân số trong độ tuổi lao động trên 2,4 triệu người, chiếm 66,7% tổng dân số; lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là hơn 2.28 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 3,3%, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn là 6,3%...

Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên
Trong năm 2024, các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển doanh nghiệp của Thanh Hóa đã phát huy hiệu quả tích cực, nhiều doanh nghiệp lớn được đầu tư thành lập mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất, nên có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng hơn năm 2023. Chính vì vậy, Thanh Hóa đã xác định tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững trong công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã tạo việc làm mới cho khoảng 48.800 lao động, đạt 84,1% kế hoạch năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỉnh đã đưa 9.518 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 58,6% so với kế hoạch và đạt 95% so với cùng kỳ năm trước. Những thị trường trọng điểm xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc đều đạt kết quả cao, với số lao động lần lượt là 3.459, 3.978 và 1.820 người.
Một số địa phương trong tỉnh có phong trào xuất khẩu lao động mạnh mẽ và đã đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài như TP Thanh Hóa, các huyện Yên Định, Nông Cống, Hậu Lộc. Đặc biệt, một số huyện miền núi như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Như Xuân đã thực hiện rất hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, khẳng định tiềm năng lao động của các khu vực này...
Nhằm tăng cường kết nối cung cầu lao động, Thanh Hóa đã tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm. Những sự kiện này tạo cơ hội để người lao động tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp, tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực và mong muốn của mình. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng hệ thống sàn giao dịch việc làm trực tuyến, giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm thông tin mà không cần phải di chuyển nhiều. Không chỉ vậy, Thanh Hóa còn liên kết lao động với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua các hợp đồng hợp tác tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và dịch vụ.

Ảnh minh hoạ
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tiếp nhận, thẩm định và trình Sở Lao động – TBXH Thanh Hóa ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đồng thời, quan tâm tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí cho 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, để giải quyết việc làm và tự tạo việc làm cho người lao động, Thanh Hóa cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giải ngân và cho vay vốn Quốc gia việc làm để tạo việc làm mới cho người lao động.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc Thanh Hoá làm tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm quy mô lớn, thu hút hàng nghìn lượt lao động tham gia tuyển dụng. Bên cạnh đó, chú trọng kết nối việc làm cho những lao động có nhu cầu tìm kiếm công việc trong nước, đi làm việc ở nước ngoài hoặc học nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp của người lao động.
Đặc biệt, tích cực cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các buổi tư vấn việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho người lao động; phối hợp với các doanh nghiệp để tăng cường tuyển dụng lao động, giúp mở rộng cơ hội việc làm cho người dân.
Nguyệt Nga