Trung tâm giao dịch bất động sản 'công lập' sắp ra đời: Sẽ thay đổi toàn bộ thị trường?
(CLO) Bộ Xây dựng dự kiến sẽ trình đề án thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý lên Chính phủ vào ngày 30/6.
Sau nhiều năm chờ đợi, trung tâm giao dịch bất động sản 'công lập' sẽ vận hành vào đầu năm 2026
Đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 03 về việc chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản. Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Công điện, đó là việc Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì Đề án thí điểm mô hình “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”.
Đây là một mô hình trung tâm do Nhà nước thành lập và quản lý, nơi mọi giao dịch liên quan đến mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản và quyền sử dụng đất có thể được thực hiện một cách minh bạch, công khai và an toàn về pháp lý.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý sẽ nơi công khai, cung cấp thông tin chính xác về giá đất, quy hoạch, tình trạng pháp lý của nhà đất, tránh các trường hợp “giấu giá”, thổi giá đất, ngăn chặn các hành vi giao dịch mập mờ, trái pháp luật, bảo vệ người dân, đặc biệt là những người ít hiểu biết về pháp lý nhà đất.
Đồng thời, trung tâm là nơi người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng, thuê… nhà đất một cách hợp pháp, hỗ trợ đăng ký, công chứng, nộp thuế, sang tên ngay tại chỗ.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến liên quan tới đề án này.
Trên thực tế, việc thành lập một sàn giao dịch bất động sản "công lập" đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc từ tháng 8/2023, tức là gần 2 năm trước.
Vào tháng 10/2023, Bộ Xây dựng cũng từng thông báo đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản thành trung tâm dịch vụ công trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố.
Liên quan tới vấn đề này, tại Ngày hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam 2025, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tiết lộ: Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam để nghiên cứu và xây dựng một số cơ chế hỗ trợ hành nghề, trong đó đáng chú ý là đề án thành lập Trung tâm Giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý.
Bà Tống Thị Hạnh kỳ vọng trung tâm sẽ hỗ trợ kết nối hiệu quả giữa các sàn tư nhân với cơ quan Nhà nước, tạo hiệu ứng tích cực cho toàn bộ hệ sinh thái giao dịch.
Bộ Xây dựng dự kiến sẽ trình đề án này lên Chính phủ vào ngày 30/6, sau đó báo cáo Bộ Chính trị để xin chủ trương trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm. Nếu được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2025, trung tâm này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
"Đây là nỗ lực nhằm tạo dựng một thị trường bất động sản minh bạch, chuyên nghiệp và an toàn hơn, đồng thời bảo đảm cho các nhà môi giới và sàn giao dịch có công cụ pháp lý đầy đủ để yên tâm hành nghề", bà Hạnh khẳng định.
Thành lập trung tâm là cần thiết
Tại ngày hội, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, hiện nay có hai vấn đề cốt lõi đang được đặt ra: Làm thế nào để hoạt động hành nghề môi giới và sàn giao dịch bất động sản phát triển một cách bền vững, an toàn. Và làm thế nào để đảm bảo tính pháp lý minh bạch của sản phẩm bất động sản đưa vào kinh doanh?
Trong tiến trình cải cách thể chế, đặc biệt là với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, môi giới bất động sản chính thức được xác lập là một nghề quan trọng, có vị thế pháp lý rõ ràng trong nền kinh tế.

Nếu trước đây, vai trò của môi giới chủ yếu là kết nối người mua và người bán, thì hiện nay, theo bà Hạnh, đội ngũ này còn đảm nhiệm một sứ mệnh lớn hơn: trở thành cầu nối giữa thị trường và cơ quan quản lý nhà nước, góp phần vào quá trình minh bạch hóa thông tin.
Hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 trao quyền và trách nhiệm rõ ràng cho môi giới và sàn giao dịch, bao gồm việc đảm bảo tính pháp lý của bất động sản được giao dịch, thực hiện nghĩa vụ báo cáo với cơ quan quản lý về tình trạng tuân thủ các yêu cầu liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, điều này cũng đặt lên vai các chủ thể hành nghề một gánh nặng đáng kể.
Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, để xác định được một sản phẩm bất động sản đủ điều kiện kinh doanh, không thể chỉ dựa vào một đạo luật duy nhất mà cần tổng hòa rất nhiều quy định.
"Đặc biệt, đối với bất động sản hình thành trong tương lai, vốn chưa có giấy tờ hoàn thiện, việc kiểm soát điều kiện pháp lý càng trở nên khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo trong việc kết nối, chia sẻ và liên thông dữ liệu", bà Hạnh nói.
Do đó, việc thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý là điều cần thiết nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững.