Quyết định “đè” quyết định
Mảnh đất có diện tích 5.440m2 thuộc địa bộ số 379, bản đồ số 43A, 43B, tờ bản đồ số 2, xã Long Trường (Long Thạnh Mỹ cũ), huyện Thủ Đức (nay là quận 9) có nguồn gốc từ ông Nguyễn Văn Vân – bà Trần Thị Nghỉ đứng bộ năm 1935. Từ năm 1949 đến sau ngày giải phóng, ông Trương Văn Chép quản lý sử dụng mảnh đất trên. Trong thời điểm này, ông Nguyễn Văn Bé (cháu ngoại của ông Vân, bà Nghỉ) sống tại quận Bình Thạnh.
Năm 1976, ông Nguyễn Văn Bé quay về phần đất trên; lúc này ông Trương Văn Ngay (con của ông Chép) đang quản lý đất, đã giao lại cho ông Bé 3.360m2, còn lại 2.080m2 giao cho bà Trương Thị Xong (em gái) sử dụng làm nhà và quản lý canh tác.
Đến năm 1992, ông Nguyễn Văn Bé làm đơn xin phần đất 2.080m2 bà Xong đang sinh sống, quản lý sử dụng thì chính quyền huyện Thủ Đức (cũ) và Thanh tra thành phố trả lời đơn là “không có cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết”. Ngày 15/7/1996, ông Lê Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 3331/QĐ-UB-NC với nội dung: bác đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Bé đòi lại phần đất có diện tích 5.440m2; giao Giám đốc Sở địa chính và UBND huyện Thủ Đức lập thủ tục tạm giao phần đất 3.360m2/5440m2 cho ông Nguyễn Văn Bé, 2.080m2/5.440m2 cho bà Trương Thị Xong; Quyết định này là quyết định cuối cùng của UBND thành phố và có hiệu lực từ ngày ký.
Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng số 3331 của UBND TP.HCM đã có hiệu lực hơn 22 năm qua, cuộc sống mỗi người dân liên quan đã ổn định. Trong diện tích 2.080m2 đang sử dụng, bà Trương Thị Xong đã cho con trai Nguyễn Văn Lưu một phần đất (được chính quyền quận 9 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Mặc dù vậy, đến ngày 27/7/2018, ông Huỳnh Cách Mạng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh vẫn ký quyết định số 3112/QĐ-UBND, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3331/QĐ-UB-NC của UBND trước đây để lấy một phần đất trong diện tích 2.080m2 đất bà Xong đang sử dụng giao cho ông Nguyễn Văn Bé.
Những khuất tất cần làm rõ Anh Nguyễn Văn Lưu - con trai của bà Trương Thị Xong trình bày: mảnh đất này do cha tôi là ông Nguyễn Văn Chép mua lại của bà Trần Thị Chánh (mẹ ruột của ông Nguyễn Văn Bé) và canh tác từ năm 1947. Sau ngày giải phóng, gia đình tôi tiếp tục canh tác, kê khai theo chỉ thị 299/TTg và luôn hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế hằng năm. Đến năm 1996, ông Nguyễn Văn Bé tranh chấp và đã được UBND thành phố cùng chính quyền địa phương giải quyết, ban hành quyết định cuối cùng, tiếp tục giao mảnh đất cho gia đình chúng tôi sử dụng. Không hiểu sao, nay UBND thành phố lại ban hành một quyết định trái ngược, giao lại mảnh đất này cho ông Bé, làm cho cuộc sống gia đình chúng tôi đảo lộn?
Tìm hiểu thông tin, PV báo Nhà báo & Công luận ghi nhận: trong phần 2.080m2 đất được thành phố công nhận cho bà Xong theo Quyết định 3331/QĐ-UB-NC, thực tế đo vẽ chỉ có 1.970m2. Tại đây bà Xong đã xây dựng một căn nhà với diện tích 713,70m2 số còn lại là đất vườn cho con trai Nguyễn Văn Lưu và được chuyển đổi lên thổ cư 1.256,30m2, tất cả đã được chính quyền cấp sổ xác nhận quyền sử dụng.
Theo Quyết định số 3112/QĐ-UBND, việc UBND TP sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3331/QĐ-UB-NC trước đây là dựa vào ý kiến của Tổng Thanh tra tại văn bản số
652/TTTC-CIII.
Tuy nhiên, những thông tin này có nhiều vấn đề cần được tiếp tục làm rõ:
Thứ nhất, Quyết định 3112/QĐ-UBND nêu: “phần đất tranh chấp trước năm 1976 là khu vực vành đai an ninh ấp chiến lược nên không thể sử dụng” (Ý nói trước ngày giải phóng, ở đây không có người quản lý, sử dụng để “phản bác” quyết định cũ). Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Nhẫn (cán bộ cách mạng xã Long Trường, từng nằm vùng ở đây trước ngày giải phóng 30/4/1975) nói, “lúc đó ở đây ông Tư (ông Ngay) vẫn làm ruộng bình thường, họ nói là ấp chiến lược nên không thể sử dụng là không đúng thực tế”. Cùng chung quan điểm với ông Nhẫn, bà Nguyễn Thị Nhỏ, bà Nguyễn Thị Bông, ông Nguyễn Văn Liêu, ông Nguyễn Văn Bảy, ông Trần Văn Dũng, hiện đang sinh sống tại đây cho biết sẵn sàng ra tòa làm chứng về vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, Quyết định số 3112/QĐ-UBND của UBND TP. không lấy hết phần đất 2.080m2/5.440m2 mà còn chừa lại căn nhà cho gia đình bà Nguyễn Thị Xong. Theo quyết định này: “Việc ông Nguyễn Văn Bé đòi lại là có cơ sở pháp luật, đúng pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy hiện nay gia đình bà Xong đã xây dựng trên diện tích 713,7m2; qua tham khảo cộng đồng dân cư và sự thống nhất của gia đình ông Bé đề xuất công nhận cho gia đình bà Xong phần đất đã xây nhà và giao trả phần đất trống còn lại cho gia đình ông Bé sử dụng là thấu tình, đạt lý”.
Ông Lưu bức xúc:
“Họ cấu kết với nhau để lấy đất gia đình tôi, lại còn giả nhân giả nghĩa. Nếu họ có cơ sở, đúng pháp luật thì cứ lấy hết, còn đổ lỗi dựa vào cộng đồng dân cư. Dân cư nào ở đây?”. Thứ ba, trong quyết định thu hồi đất không thể hiện việc ông Nguyễn Văn Bé phải có trách nhiệm trả lại tiền thuế đã đóng.
Thứ tư, theo ông Lưu: “Quyết định 3112/QĐ-UBND ban hành ngày 27/7/2018, nhưng đến ngày 04/9/2018 gia đình tôi mới nhận được bản photo từ Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9”.
Đối chiếu mục “nơi nhận” tại Quyết định 3112/QĐ-UBND, thấy bà Trương Thị Xong là người bị lấy đất nhưng không thuộc đối tượng nhận quyết định mà UBND quận 9 được giao hai bản quyết định để cơ quan này tống đạt. Tuy nhiên, UBND quận chậm triển khai đã gây khó cho dân.
Thứ năm, vẫn theo ông Lưu: ngày 17/10/2018, UBND quận 9 tổ chức thực hiện Quyết định 3112/QĐ-UBND, phong tỏa mảnh đất nhưng không theo đúng trình tự (như lập biên bản kiểm kê tài sản,..) mà lại dựng hàng rào rồi giao đất cho những người lạ mặt quản lý.
Được biết, gia đình bà Trương Thị Xong đã nộp đơn đến Tòa án nhân dân TP.HCM để khởi kiện, yêu cầu Tòa hủy Quyết định số 3112/QĐ-UBND.
Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ này.
Thái Sơn