Trước thềm giải báo chí Quốc gia lần thứ IX – 2014: Chiến lược để có những tác phẩm đoạt giải

03/04/2015 08:42

Trước thềm giải báo chí Quốc gia lần thứ IX – 2014: Chiến lược để có những tác phẩm đoạt giải

(NB&CL) - Nếu đặt nặng vấn đề giải thưởng, e rằng sẽ mất đi giá trị thực tiễn của những tác phẩm báo chí. Nhưng cũng không thể phủ nhận việc đặt ra vấn đề xây dựng chiến lược tạo dựng những bài viết xuất sắc, nổi bật nhất để tham dự giải báo chí Quốc gia là điều cần thiết.

Giải Báo chí Quốc gia được trao cho những nỗ lực của người làm báo (Ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại Hoàng Sa).

Sự hời hợt không làm nên tác phẩm báo chí chất lượng 

Hầu hết khi phỏng vấn các nhà báo đoạt Giải Báo chí Quốc gia hàng năm, họ đều nói rằng, khi gửi các tác phẩm gửi dự thi ít ai nghĩ đến việc đoạt giải. Nhưng trên thực tế hầu hết các tác phẩm đoạt giải đều có sự đầu tư công phu của người thực hiện. Có thể nhìn thấy rõ, các tác phẩm đoạt giải cao ở mỗi mùa giải thường là các tác phẩm dài kỳ, có sự tham gia của nhiều tác giả. Họ dành thời gian, tâm sức cho những “đứa con tinh thần” của mình không phải tính bằng ngày, mà tính bằng năm thậm chí nhiều năm liền. Nhà báo, Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng biên tập báo Công an Nhân dân cùng nhóm tác giả đoạt giải A, Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII – năm 2012, với loạt bài “Tập đoàn kinh tế Nhà nước – những lát cắt thời sự”khẳng định: Viết báo không phải là để được giải, nhưng để có tác phẩm tốt, tôi cho rằng, cần hội đủ nhiều yếu tố: phóng viên phải chọn được đề tài phù hợp (hoặc Ban biên tập gợi ý), xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ban, Ban Biên tập Báo, cùng đầu tư tâm sức vào đề tài. Tác phẩm phải giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội, cắt nghĩa được vấn đề và có tính định hướng. Việc chuẩn bị đề cương tốt chiếm 50% của sự thành công, sẽ định hướng cho phóng viên. Quá trình thực hiện, lãnh đạo phải sâu sát, đồng thời, phải trực tiếp làm như một phóng viên, mới có thể vào cuộc, cùng tìm tòi tư liệu, lắng nghe và phân tích tình hình để đưa vào bài. Phóng viên thực hiện cũng phải bám sát đề cương, không tùy tiện xử lý. Dĩ nhiên, đòi hỏi sự đầu tư của người viết mới có cách thể hiện tốt. Còn nếu người chỉ đạo hời hợt, người viết cũng hời hợt, sẽ không thể có được tác phẩm chất lượng.

Quả thực, trước một vấn đề đang được xã hội quan tâm, nếu chỉ có những bài báo đơn lẻ, sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Vì thế, các phóng viên, hội viên, dưới sự chỉ đạo của Ban biên tập đã chủ động xây dựng kế hoạch viết các loạt bài, bám sát sự kiện, phân tích và làm rõ vấn đề... Đó là một sự nỗ lực không hề nhỏ cho mỗi bài viết, mỗi tác phẩm. Mồ hôi, công sức của họ được Hội đồng Ban Giám khảo chấm giải đánh giá cao và giải thưởng là món quà xứng đáng cho những tâm huyết và đam mê.

Sự cộng hưởng của cả tập thể 

Có rất nhiều tác phẩm được đầu tư bài bản từ chủ trương của lãnh đạo toà soạn đến những bước triển khai của phóng viên, nhóm phóng viên. Cũng có những tác phẩm độc lập và táo bạo mà bản thân người làm báo tâm huyết tự xây dựng riêng cho mình bằng trải nghiệm và con mắt, góc nhìn của họ. Nhưng tất cả những tác phẩm ấy phần lớn đều là sự “cộng hưởng” công sức của tập thể. Đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII với loạt bài “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, nhà báo Hồ Quang Phương – Liên Chi hội báo Quân đội Nhân Dân chia sẻ rằng: Có thể nói rằng, loạt bài là công sức của cả tập thể mà quan trọng nhất chính là BBT báo QĐND. Đây là loạt bài do trực tiếp nguyên Tổng biên tập, Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên chỉ đạo nhằm hưởng ứng việc triển khai Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Loạt bài với 5 kỳ, các tác giả là những phóng viên, chuyên gia kinh tế cùng phối hợp thực hiện. Loạt bài này có giá trị ở chỗ, nó phản ánh vấn đề nóng bỏng, thời sự, phân tích khá toàn diện và sâu sắc những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012, từ đó đưa ra được các giải pháp sát thực, khả thi góp phần tháo gỡ các điểm nút.

Nhà báo Mai Linh cùng đồng nghiệp – Liên chi HNB Đài Tiếng nói Việt Nam đoạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia 2013, thể loại phóng sự điều tra với loạt bài “Kẻ phá đường không ai ngờ tới” tâm sự: Chúng tôi bắt tay vào công việc này thực sự giống như người đi mò kim đáy bể vậy. Bởi lẽ, thông tin rất ít, nhiều câu hỏi tưởng như không có câu trả lời... Chúng tôi phải “gỡ” từng vấn đề một bằng cách liên tục đặt ra các câu hỏi và tháo từng lớp sự kiện ấy bằng nhiều cách trong suốt 4 tháng trời. Thật sự may mắn là BBT báo rất ủng hộ và luôn khuyến khích chúng tôi tiếp tục theo đuổi sự kiện đến cùng. Nhóm phóng viên 5 người chúng tôi được chia thành nhiều hướng và đi tìm lời giải cho từng thắc mắc. Điều thành công nhất là nhóm làm việc rất đoàn kết và đều nỗ lực theo đuổi sự kiện đến cùng. Chúng tôi đã dày công sắm nhiều vai đến ở các cửa hàng bán xe tải, đến tận những xưởng chế tạo thùng “khủng”, trò chuyện với nhiều lái xe, chủ doanh nghiệp có xe thùng “khủng”. Một nhóm khác, kiên trì khảo sát hàng loạt tuyến quốc lộ, phát hiện, đeo bám những “kẻ phá đường” hoạt động như thế nào trong sự kiểm soát của lực lượng thanh tra giao thông và CSGT...

Hà Vân 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trước thềm giải báo chí Quốc gia lần thứ IX – 2014: Chiến lược để có những tác phẩm đoạt giải
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO