Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm và làm việc tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
(CLO) Chiều ngày 14/7, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tới thăm và làm việc tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam).
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Bảo tàng đón tiếp đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ, trong bối cảnh sắp xếp tinh gọn theo Nghị quyết 18, Hội Nhà báo Việt Nam với 17 biên chế, đã sắp xếp và ổn định từ 11 đầu mối xuống còn 5 đầu mối. Trong thời gian qua, hướng đến dấu mốc kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã tiến hành, triển khai rất nhiều hoạt động từ rất sớm. Năm 2024, Hội đã thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như Khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng bằng kinh phí xã hội hoá, tổ chức lễ cầu siêu cho các nhà báo liệt sĩ tại Nghệ An… Đặc biệt là vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam vừa qua, Hội đã tổ chức thành công Hội báo toàn quốc 2025, Diễn đàn báo chí toàn quốc 2025, tổ chức cho 100 lãnh đạo báo chí ra Trường Sa, tổ chức đoàn công tác đi đến nơi ra đời của báo Thanh niên tại Quảng Châu – Trung Quốc… Tất cả các hoạt động, từ những hoạt động mang tính nhiệm vụ, tri ân, về nguồn… hướng đến dấu mốc 100 năm, Hội và giới báo chí cả nước luôn tự hào vì đã hoàn thành tốt, đầy đủ các nhiệm vụ mà lãnh đạo giao phó…

“Tiếp tục phía trước còn nhiều công việc, trong đó có hoạt động của Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn gặp không ít khó khăn do kinh phí hạn chế. Trong bối cảnh mới, Bảo tàng đang có ý tưởng và mong muốn thực hiện việc số hoá toàn bộ không gian trưng bày tư liệu hiện vật… Xu hướng bảo tàng số đang trở thành một xu hướng mới giúp công chúng có thể tiếp cận được một cách dễ dàng, kết nối với các câu chuyện lịch sử ở bất cứ đâu… Dự án này chúng tôi ấp ủ và mong muốn được tạo điều kiện thực hiện, mong có các mạnh thường quân đồng hành, hỗ trợ…” - Chủ tịch Lê Quốc Minh chia sẻ.
Chia sẻ về hoạt động của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà Lê Mỹ Ái Linh – Q. Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đang lưu giữ 40 nghìn tư liệu, hiện vật, trong 5 năm qua đã đón hơn 50 nghìn khách đến tham quan và đều có những ấn tượng đẹp về Bảo tàng. Với sự kiên trì, đam mê và mong muốn phát huy hơn nữa giá trị của lịch sử, bà Ái Linh khẳng định sẽ nỗ lực đổi mới, phối hợp tích cực hơn với các địa phương, tiếp tục gìn giữ ngôi nhà di sản, tiếp lửa và truyền lửa cho thế hệ mai sau. Mong muốn của những người làm bảo tàng là có thêm nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ thời gian tới…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên và trong dấu mốc 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2025) này được đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đồng chí cho rằng, trong không gian tuy là khiêm tốn nhưng qua những câu chuyện lịch sử ở đây cho thấy sự phong phú, ý nghĩa về tư liệu, hiện vật báo chí của nước ta.
“Tôi thấy thực sự đây là một địa chỉ đỏ quý giá trong công tác nghiên cứu lịch sử nói chung của dân tộc, của Đảng, cũng như lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam của chúng ta…” - Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng chí cũng chia sẻ rằng, với không gian 2 tầng được trưng bày cẩn thận có thể thấy xuyên suốt một chiều dài, thấy đôi nét về nền báo chí thế giới từ lúc sơ khai, nền báo chí Việt Nam từ khi hình thành cho đến dấu ấn đậm nét là Báo chí Cách mạng Việt Nam các thời kì, từ lúc Đảng ta chưa ra đời, cho đến khi Đảng ta ra đời, gian khổ trong những năm tháng Đảng lãnh đạo giành chính quyền và nhiều giai đoạn khác cho đến khi giành độc lập, rồi 9 năm là một Điện Biên, cuộc trường chinh 21 năm nhiều hy sinh gian khổ, 40 năm vừa xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa làm nghĩa vụ quốc tế cao cả... Báo chí chúng ta đang có những chuyển đổi từ báo chí truyền thống hoà nhập với xu thế hiện đại hiện nay…



.jpg)
.jpg)
“Chủ đề nội dung trưng bày ở dây có giá trị lịch sử lớn đặc biệt là đối với những người yêu nghề báo, học sinh sinh viên quan tâm đến lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn nói chung, báo chí nói riêng… Đặc biệt hơn nữa, đây là những tư liệu quý giá không gì thay thế được… Sự thật lịch sử sống động qua những tư liệu, qua những bài viết, thước phim quý giá, xúc động… mà báo chí đã lưu lại. Đó không chỉ là trí tuệ, tình cảm, ý chí, tài năng mà còn là bản lĩnh, sự dũng cảm, hy sinh vô cùng lớn của đội ngũ báo chí của chúng ta. Càng trân trọng và quý giá hơn nữa bởi có được như thế này chính là từ sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh, những nhân chứng lịch sử, những con người lịch sử chứng kiến sự dũng cảm của chiến sĩ, của nhân dân, đồng bào chúng ta những năm chiến tranh, hay trong bất cứ sự kiện lịch sử của đất nước nào… đều có dấu chân người làm báo” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, ở Việt Nam, Bảo tàng chuyên ngành chưa nhiều, có được bảo tàng như thế này là rất quý, cho nên tinh thần chung là chúng ta phải quyết tâm giữ gìn, tiếp tục sưu tầm, bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị của tư liệu, hiện vật lịch sử.
Đồng chí cũng định hướng rằng, hiện nay chuyển đổi số mạnh mẽ, không gian nên mở hơn nữa để công chúng có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn, tăng tương tác trong trưng bày để khẳng định và nâng tầm giá trị của bảo tàng… Sắp tới, Bảo tàng Báo chí cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách phục vụ, ứng dụng đổi mới sáng tạo trong giới thiệu quảng bá...
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “Chúng ta dứt khoát phải làm được vì Đảng, Nhà nước quan tâm, anh em đều tâm huyết, đều trí tuệ, có nền tảng truyền thống, thiêng liêng, biết bao thế hệ cha ông để lại..”.
Tất nhiên về vấn nguồn lực là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho rằng, phải đa dạng nguồn lực hơn nên bên cạnh nguồn ngân sách cần có nguồn lực xã hội hoá và điều này cần sự năng động từ đơn vị…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng tham quan gian trưng bày ý nghĩa của Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là bảo tàng chuyên ngành trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, là "ngôi nhà di sản" của lực lượng báo chí, nơi lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản báo chí quốc gia… với không gian trưng bày được bố trí ở hai tầng.
Tầng 1 là không gian trưng bày về lịch sử báo chí Việt Nam từ 1865 đến 1975, chia thành 4 giai đoạn: Báo chí giai đoạn khởi thủy: 1865 – 1925; Giai đoạn 2: Báo chí Cách mạng Việt Nam:1925- 1945. Giai đoạn 3: Báo chí Cách mạng Việt Nam 1945 – 1954; Giai đoạn 4: Báo chí Cách mạng Việt Nam 1954 – 1975. Không gian tầng 2 chia theo các vấn đề sự kiện về báo chí Việt Nam từ 1975 đến nay. Các tư liệu hiện vật đều được thể hiện rõ nét lịch sử các loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình và điện tử…

Trong 2 tiếng làm việc, tham quan, nghe chia sẻ về lịch sử báo chí, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bắt tay, động viên từng cán bộ bảo tàng một cách thân tình, gần gũi. Trước khi rời đi, đồng chí đã ghi những dòng cảm tưởng đầy tâm huyết và coi đó là những định hướng, giao nhiệm vụ cho những người làm công tác bảo tàng báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước, tiếp tục làm tròn sứ mệnh của mình: “Đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, chúng ta như được “đánh thức” và thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi coi đây là nền tảng của giá trị tinh thần vô giá để trân trọng tự hào và viết tiếp sứ mệnh cao cả của nền Báo chí Cách mạng nước nhà luôn là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, là “ngọn hải đăng soi đường” phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.