(NB&CL) - Ngày 9/9/2014, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) tổ chức Lễ khai giảng năm học 2014- 2015. Tại buổi lễ này, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐHSPHN đã nhấn mạnh đến sứ mạng, tính tiên phong và trách nhiệm của nhà trường trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và vai trò, trọng trách thời đại của thanh niên, sinh viên ĐHSPHN.
Ông Nguyễn Thiện Nhân về dự và phát biểu tại lễ khai giảng
"Không ai có thể thay thế người thầy trong việc chăm lo, nuôi dưỡng và hình thành các giá trị cơ bản cho các thế hệ tương lai. Nói điều này để chúng ta ý thức về trọng trách và vinh dự của nghề giáo, để các bạn sinh viên nhận thức rằng, chính các bạn là người sáng tạo và gieo mầm cho sáng tạo thông qua công việc cao quý của mình" - Ông Minh nói.
Đến nay, ĐHSPHN đã trải qua 63 năm hình thành và phát triển, sự phát triển của nhà trường luôn đồng hành, gắn bó với lịch sử phát triển của nền giáo dục cách mạng Việt Nam.
Ông Minh cho biết, Trường ĐHSPHN có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội; nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng thuộc các lĩnh vực khoa học Tự nhiên, Xã hội và Nhân văn, Giáo dục đạt trình độ tiên tiến; cung cấp dịch vụ giáo dục và khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trường ĐHSPHN phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành trường đại học có uy tín trong khu vực và thế giới; phát triển theo hướng đại học nghiên cứu với quy mô trên 35.000 sinh viên; là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia; là nơi tập trung các chuyên gia, giảng viên trình độ cao; các chương trình đào tạo liên kết quốc tế có uy tín trên thế giới; cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với các dịch vụ hoàn hảo.
Trong những năm qua, Trường ĐHSPHN là trường trọng điểm, đầu ngành trong hệ thống các trường sư phạm, là trung tâm lớn nhất về đào tạo giáo viên, nghiên cứu khoa học - đặc biệt là khoa học giáo dục - của cả nước. Trường có vai trò nòng cốt cho hệ thống các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển các chương trình đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, cho các bậc học, tư vấn các cấp quản lý xây dựng chính sách giáo dục.
Ở bậc đào tạo đại học, cao đẳng, Trường ĐHSPHN có 42 chương trình đào tạo hệ chính quy, trong đó có 8 chương trình đào tạo chất lượng cao và liên kết nước ngoài; 22 chương trình đào tạo không chính quy. Ở bậc sau đại học có 49 chương trình đào tạo thạc sĩ, 41 chương trình đào tạo tiến sĩ và một số chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết với nước ngoài.
Hiện nay, trường có hơn 1.300 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có hơn 900 giảng viên. Hơn 40% số giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư và học vị Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học, hầu hết số còn lại đều đã có bằng Thạc sĩ chuyên ngành.
Đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 81.000 cử nhân khoa học, hơn 9.000 thạc sỹ và trên 1.000 tiến sỹ. Trường ĐHSPHN còn là một trung tâm nghiên cứu khoa học lớn. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Trường đã có hơn 100 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước; gần 600 đề tài và nhiệm vụ cấp Bộ, trong đó có hơn 50 đề tài trọng điểm, gần 850 đề tài cấp Trường. Nhiều giảng viên đã vinh dự được nhận những giải thưởng khoa học cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng khoa học Nhà nước, Giải thưởng quốc tế Cosmos, Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Việc công bố các kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế ngày càng nhiều. Chỉ riêng năm học 2013- 2014 hơn 60 công trình nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu sinh của Trường được công bố trên các tạp chí uy tín của nước ngoài. Tạp chí khoa học ĐHSP Hà Nội (Journal of Science, HNUE) là một tạp chí khoa học có uy tín, ra 8 số 1 năm, trong đó có 2 số bằng tiếng Anh.
Trường ĐHSPHN hiện có quan hệ hợp tác với hơn 100 trường đại học và các tổ chức giáo dục thuộc 34 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều trường nổi tiếng của Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Đức, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Bỉ… Trường có các chương trình liên kết đào tạo quốc tế từ Cử nhân đến Thạc sỹ, Tiến sỹ và trực tiếp tham gia nhiều dự án giáo dục lớn do quốc tế tài trợ. Trong những năm gần đây, hàng ngàn lượt cán bộ của trường đã đi trao đổi đào tạo, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài và hàng nghìn lượt các nhà khoa học, các chuyên gia, học sinh, sinh viên các nước đến công tác và học tập tại trường. Trường đã tham gia tổ chức tốt nhiều hoạt động quốc tế lớn, như Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39, là đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi dự thi Olympic khu vực và quốc tế; tham gia tổ chức Đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13. Trường ĐHSPHN là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn ngành về hoạt động hợp tác quốc tế và đã được Bộ GD&ĐT nhiều năm liền tặng Bằng khen.
Là một trong những trường đại học có tiềm năng cơ sở vật chất và thiết bị lớn nhất trong hệ thống các trường đại học, đặc biệt là các trường sư phạm cả nước, Trường ĐHSPHN có hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, phòng nghiệp vụ, thư viện, sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường chuyên, trường thực hành, các phương tiện kỹ thuật ngày càng hiện đại. Ký túc xá sinh viên được mở rộng và nâng cấp, cảnh quan và môi trường sư phạm ngày càng đổi mới, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trường sư phạm đầu ngành và trọng điểm.
Đặc biệt, theo Hiệu trưởng, PGS, TS Nguyễn Văn Minh, trong năm học 2013- 2014, Trường ĐHSPHN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cũng như thể hiện rõ vị trí của một trường đại học đầu ngành, trọng điểm của cả nước; là đơn vị đầu tiên xây dựng và đề xuất đổi mới mô hình, chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.
“Thầy và trò Trường ĐHSPHN luôn ý thức rằng, nhà trường sẽ là nơi hình thành các giá trị cơ bản cho giáo dục nước nhà, trọng trách của ĐHSPHN là tạo ra những bước đi tiên phong trong đổi mới giáo dục, kiến tạo những giá trị mới cho giáo dục, là nơi đề xuất các mô hình tiên tiến trong đào tạo giáo viên, mô hình trường học phổ thông hiện đại mang đậm bản sắc Việt Nam”- ông Minh nói. Để làm được những điều đó, theo ông Minh trước hết là phải thay đổi chính mình.
Trước mắt, trong năm học 2014- 2015, Trường ĐHSPHN sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; chuẩn bị tốt các nguồn lực để từng bước đổi mới chương trình đào tạo, đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo hướng hiện đại và gắn kết với đổi mới giáo dục phổ thông, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm. Nhà trường cũng chủ động tham gia đổi mới giáo dục, xây dựng chương trình và SGK sau năm 2015, tin học hóa quản lý, điều hành, trong việc dạy và học, trong bồi dưỡng giáo viên; cải thiện hơn nữa điều kiện dạy và học cho cán bộ, sinh viên, thực hiện đánh giá và bồi dưỡng theo hiệu quả công việc đối với người lao động trực tiếp.
Theo ông Minh, việc thực hiện những mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được nếu biết khơi dậy hoài bão của những bạn sinh viên trẻ để họ dám dấn thân vì một nền giáo dục nhân văn, tiến bộ; mỗi cán bộ giáo viên dám rũ bỏ những rào cản, trì trệ, những định kiến và vượt qua được những lợi ích cá nhân vị kỷ. Ông Minh cho rằng: “Mong mỏi chính đáng của nhân dân về một nền giáo dục phát triển vừa là niềm tin, vừa là trách nhiệm mà nhân dân giao phó cho chúng ta. Thoái thác trước sứ mệnh lịch sử hay làm chậm sự phát triển nền giáo dục nước nhà là có lỗi với nhân dân và với thời đại”.
Với những thành tích nổi bật về mọi mặt, Trường ĐHSPHN đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1961, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1962, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1981, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1986, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1996, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2001 và danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2004.