Lễ Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949-4/4/2019):

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - góp phần làm nên trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà

Thứ năm, 04/04/2019 17:19 PM - 0 Trả lời

(CLO) Sáng nay 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên trang trọng tổ chức Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng – cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch HNBVN phát biểu

Đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch HNBVN phát biểu

Tới dự chương trình có đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch HNBVN; Đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam; Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; Đồng chí Lê Quang Tùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Hà Ngọc Anh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo địa phương và đông đảo các đồng chí là hội viên, nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương; các giảng viên, học viên, sinh viên cũng tới dự. Đặc biệt, Lễ kỷ niệm cũng vinh dự đón những vị khách đặc biệt, họ là học viên, thân nhân của những học viên, giảng viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Đông đảo các đại biểu tham dự

Đông đảo các đại biểu tham dự

Vào ngày này cách đây 70 năm trước, giữa núi rừng xã Tân Thái huyện Đại Từ ATK Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng do Tổng bộ Việt Minh tổ chức: Lễ khai giảng lớp đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đây là ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc Trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.

Sự kiện Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt với giới báo chí nước nhà. Bởi lẽ, sau 70 năm với rất nhiều nỗ lực của Hội Nhà báo Việt Nam, sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, các ngành, đơn vị và nhân dân vùng di tích, các học viên, các nhà nghiên cứu lịch sử nơi đây đã chính thức được xếp hạng là Di tích lịch sử Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tấm Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, của lịch sử báo chí cách mạng cũng được khánh thành đúng dịp này.

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm 42 người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước gửi về nhưng 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những đồng chí lãnh đạo giầu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân…

Lớp học diễn ra trong ba tháng đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi thực tế, viết bài và ra báo ở từng tổ...

Từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương) …

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đón nhận Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đón nhận Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia.

Phát biểu trong diễn văn khai mạc Lễ Kỷ niệm, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Có thể nói, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua.  

Tiểu phẩm trên sân khấu tái hiện lại Trường Báo chí Huỳnh Thúc Kháng rất xúc động

Tiểu phẩm trên sân khấu tái hiện lại Trường Báo chí Huỳnh Thúc Kháng rất xúc động

Đặc biệt, lớp học này luôn được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã 2 lần liền gửi thư đến lớp động viên, căn dặn các học viên. Ngày 06/7/1949, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng làm Lễ bế mạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh bận công việc đã gửi thư biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4-  Luôn cố gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu

Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng qua 2 lá thư đề ngày 09/6/1949 và 06/7/1949 đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay...

“Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sỹ. Năm 1949, chúng ta có khoảng chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay chúng ta có hơn 900 cơ quan báo chí và 50.000 người làm báo trong đó có 24.000 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam…Với trách nhiệm cao trước lịch sử, nhân dịp sự kiện tròn 70 năm của Trường, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xin ý kiến lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Nguyên để triển khai việc sưu tầm, hoàn thiện và lập hồ sơ địa chỉ đỏ này. Sau khi Di tích được xác lập, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục quản lý, nghiên cứu, phát huy giá trị di sản, giới thiệu một cách hiệu quả với công chúng trong và ngoài nước những nét độc đáo và đặc sắc của một ngôi trường đào tạo báo chí hình thành trong khói lửa kháng chiến từ giữa thế kỷ trước” - Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Bia Di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành Bia Di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Trước yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, nhiều năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần khảo sát, tìm hiểu, thu thập các tài liệu liên quan đến địa danh Bờ Rạ - nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Với các tư liệu, hiện vật, thông qua lời kể trực tiếp của các nhân chứng, được sự giúp đỡ và hợp tác của cán bộ và nhân dân xã Tân Thái, huyện Đại Từ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, địa chỉ nơi tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 đã định vị một cách chính xác tại lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47, vị trí 21 độ 35 phút 20 giây Vĩ Bắc; 105 độ 41 phút 42 giây Kinh Đông. 

Cũng trong chương trình này, các đại biểu được nghe thông báo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận địa danh Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi tổ chức Trường đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đón nhận Bằng công nhận Di tích cấp quốc gia. Từ đây, Di tích lịch sử quốc gia nơi tổ chức Trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên sẽ là một phần quan trọng trong tổng thể Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các đại biểu cắt băng khánh thành khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Các đại biểu cắt băng khánh thành khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Hòa chung niềm tự hào này, trong phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Nơi đây đã được lịch sử lựa chọn là nơi phát tích, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia, công trình Bia tưởng niệm đã được khởi công xây dựng và hoàn thành; công trình không chỉ có ý nghĩa đối với đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam, mà còn khẳng định vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Thái Nguyên trong lịch sử báo chí nước nhà.

Tại buổi lễ kỷ niệm còn có một phóng sự công phu mang tên “Ký ức, hành trình đi tìm địa chỉ 70 năm về trước” . 70 năm đã qua kể từ ngày tổ chức Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, trong số 42 học viên của lớp học, số còn sống hiện còn rất ít, đa số đã trở về với thiên cổ. Nhưng dù tuổi đã cao, sức đã yếu song trong câu chuyện khi gặp lại, Ký ức về Bờ Rạ 70 năm về trước vẫn luôn là một ký ức không thể nào quên. Đồng thời, tiểu phẩm trên sân khấu tái hiện lại Trường Báo chí Huỳnh Thúc Kháng cũng đã phần nào mang đến một lát cắt ý nghĩa đầy xúc động về lớp học năm xưa, để thế hệ hôm nay hiểu hơn về quá khứ.

chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ kỷ niệm

chương trình văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ kỷ niệm

Ngoài ra, tại sự kiện còn diễn ra buổi giao lưu với nhà báo Hồng Vinh, Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HNBVN, TBT Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng lý luận PBVHNT Trung ương và nhà báo trẻ Thu Hằng của Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. Các khách mời đã cùng nhau chia sẻ về ý nghĩa của ngôi Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đối với lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp của những học viên của Trường đối với nền báo chí nước nhà. Đồng thời, câu chuyện tiếp nối lịch sử, những người làm báo cách mạng ngày hôm nay đã và đang không ngừng nỗ lực, rèn luyện để bằng ngòi bút, bằng tình yêu nghề phấn đấu xứng đáng với những mong mỏi của các thế hệ đi trước gửi lại...đã được trao đổi sôi  nổi.

Cũng trong khuôn khổ của chương trình Lễ Kỷ niệm hôm nay còn buổi cắt băng khánh thành khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và buổi lễ khánh thành Bia Di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được tổ chức trang trọng.

Hà Vân – Minh Nguyệt – Huy Hoàng

Tin khác

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội
Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

Trao tặng ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân

(CLO) Ngày 17/4, đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam đã trao hàng nghìn ấn phẩm báo Xuân cho cán bộ chiến sĩ các nhà giàn DK1 thuộc Vùng 2 Hải quân, đơn vị đang đóng quân tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công tác hội
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho cán bộ Agribank khu vực phía Nam

(CLO) Lớp bồi dưỡng đã trang bị cho các học viên những kỹ năng, kiến thức quan trọng về quá trình làm việc trong công tác truyền thông. Tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên đã rất tích cực học tập, có nhiều bài thực hành đạt chất lượng cao.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tập huấn kỹ năng khai thác thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số

(CLO) Chiều 13/4, tại Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai khai mạc lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chủ đề “Kỹ năng khai thác thông tin để phát triển câu chuyện về đồng bào dân tộc thiểu số”.

Công tác hội
Đồng chí Lê Quốc Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

Đồng chí Lê Quốc Minh dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên

(CLO) Ngày 12/4, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các nhà báo đã đến dâng hoa, thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Công tác hội