Trường Sa qua góc nhìn của nhà báo Nguyễn Tri Thức

Thứ ba, 13/08/2019 15:18 PM - 0 Trả lời

(CLO) "Khi những hồi còi tàu được rúc lên, đó là sự tưởng nhớ, đó là tri ân, đó là tiếng để nhắc nhở mỗi tấc đất, mỗi mét nước, chủ quyền biển đảo của tổ quốc, là máu thịt..." - Nhà báo Nguyễn Tri Thức đã nhấn mạnh như thế khi nhắc đến Trường Sa thân yêu sau chuyến công tác vừa qua.

Nhà báo Tri Thức, Vụ Trưởng, Trưởng ban Hồ Sơ Sự kiện, Tạp chí Cộng sản chia sẻ:

Thực ra thì mỗi người dân Việt Nam đều được nghe thấy Trường Sa, Hoàng Sa. Nghe, xem, đọc, nhiều như vậy, nhưng đúng là phải đặt chân tới Trường Sa, chạm vào sóng nước Trường Sa, vào biển đảo Trường Sa thì mới thấy được những cảm xúc kỳ lạ, linh thiêng, tự hào. Lúc ấy, mới thấy được sự cảm thông, chia sẻ với những con người sống trên đảo.

Nhà báo Nguyễn Tri Thức trong lần công tác tới đảo Trường Sa

Nhà báo Nguyễn Tri Thức trong lần công tác tới đảo Trường Sa

Khi nhìn thấy những hòn đảo từ rất xa, được ngắm nhìn những cây phong ba, bão táp, những rặng rau muống biển, những vườn rau, nhành hoa, những con vật được nuôi trên các đảo ở Trường Sa, đều để lại những ấn tượng độc đáo, lạ và đáng nhớ.

Trường Sa là quần đảo có những hòn đảo cụ thể, có tên, vị trí, có con người cụ thể, có công việc cụ thể. Thế nhưng, những ai tới đây đều có những cảm nhận khác và ai đi thăm Trường Sa về cũng đều có những ngồn ngộn cảm xúc, và họ sẽ không bao giờ viết trùng lặp và viết giống nhau.

Chính vì vậy, sau chuyến đi hơn 10 ngày, sau đó khi trở về đất liền mình có viết một loạt bài 3 kỳ mang tên "Trường Sa đã gặp không quên" và đã in thành cuốn sách. Rất may, những tác phẩm đó đã được giải A giải báo chí lần đầu tiên do Tạp chí Cộng Sản tổ chức, và được vào chung khảo giải Búa liềm vàng.

Một trong những điều đọng lại trong tôi khi được tận thấy Trường Sa, đó là cảm xúc khi được sờ cát ở Trường Sa, được nhặt san hô, được ngắm nhìn các chiến sĩ Trường Sa, chứng kiến cuộc sống của người dân ở trên đảo với những khó khăn, vất vả và thiếu thốn. Đó là lúc cảm xúc khó có thể diễn tả hết được bằng lời.

Hơn thế, ra Trường Sa, mới thấy hết được sự bền bỉ và kiên trung của các chiến sĩ Hải Quân, luôn sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Chứng kiến điều ấy, tất cả các thành viên trong đoàn ra đảo đều có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, trong công việc, trong những hành động dù rất nhỏ ở ngay trên đảo. Đơn giản như là, trật tự đi theo hàng lối chứ không còn chen lấn nữa. Bởi vì, nhiều khi vào những đảo đá, đảo chìm thì rất khó khăn, cứ phải từng người, từng người đi một. Khi xuống thuyền, mỗi một thuyền bao nhiêu người cũng vẫn đọc tên từng người, và mọi người rất trật tự và ngăn nắp, ý thức của từng người đối với công việc, ý thức của từng người đối với Trường Sa, đã đổi thay rất nhiều. Những đổi thay đó rất tích cực.

Không chỉ tận thấy và nghĩ khác, mà còn hành động khác, hành động chính ở trên đảo và mọi người cũng hứa là sau chuyến công tác này về, sẽ ý thức hơn với công việc. Để xứng đáng với sự hi sinh, khó khăn, gian khổ, nỗi vất vả của các chiến sĩ và cả người dân trên đảo Trường Sa.

Bình dị và cao đẹp... là điều mà tôi luôn cảm thấy ở nơi đây. Ở Trường Sa, tất cả những sinh hoạt, đời thường của người dân và cán bộ chiến sĩ ở trên đảo, đều rất keo sơn. 

Tôi được nghe về câu chuyện ngư dân được cứu sống trên các hòn đảo rất cảm động. Khi ngư dân bị bệnh trong quá trình đánh bắt, nhiều trường hợp nếu gắng chạy vào đất liền thì không đủ thời gian và sẽ nguy kịch tới tính mạng, thậm chí là sẽ chết. Chính vì lẽ đó mà nhiều người coi Trường Sa như quê hương và là nơi họ được sinh ra lần thứ 2 trong đời.

Có những lần bão kéo dài, bà con ở lại trên đảo nhiều ngày, cho nên rất tình cảm, ở Trường Sa tình quân dân còn hơn cả ruột thịt. Những câu chuyện như bà con tránh bão thì các chiến sĩ hải quân cho ăn, cho ngủ hay bà con đi đánh bắt được nhiều tôm nhiều cá lại tạt qua đảo để tặng các chiến sĩ, đó là thứ tình cảm quân với dân. 

Sức sống ở Trường Sa là sức sống của thiên nhiên, sức sống của thế hệ trẻ

Sức sống ở Trường Sa là sức sống của thiên nhiên, sức sống của thế hệ trẻ

Sức sống ở Trường Sa là sức sống của thiên nhiên, sức sống của cây cỏ, sức sống của những con vật nuôi, sức sống của người dân, của thế hệ trẻ. Thế hệ tương lai ấy mộc mạc, chất phác nhưng rất hiên ngang.

Với những người lính đảo, có thể họ suốt đời gắn bó với Trường Sa vì họ đã xác định, luôn luôn chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, và không bao giờ có ý nghĩ chùn bước.

Có rất nhiều chiến sĩ Trường Sa thời gian đầu không có điện thoại, người ở nhà cũng lại lo lắng quá. Vậy nên chiến sĩ bộ đội ở trên đảo đề nghị các nhà báo cố gắng đăng tải nhiều thông tin về cuộc sống của Trường Sa, đặc biệt là trên báo mạng điện tử để người nhà, người thân của các chiến sĩ đọc được. Như vậy, các chiến sĩ cũng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ biển trời của tổ quốc.

Ai đã có cơ hội tới trường sa cũng không thể quên được hình ảnh con tàu chia tay Trường Sa lớn, chia tay bà con, chia tay chiến sĩ.

Hình ảnh bà con, Chiến sĩ Hải Quân ở trên đảo Trường Sa lớn đều đứng ở cầu tàu, các thành viên đoàn công tác đứng ở lan can tàu, hai bên cứ hát, cứ chào tạm biệt Trường Sa. Chúng tôi đã hát rất nhiều bài liên quan tới Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa hình ảnh đó thực sự luôn đọng lại trong tâm trí mỗi người.

Khi hình ảnh đó mất hút trong màn đêm, khi mà chúng tôi đã ở giữa biển cả bao la mà các thành viên đoàn công tác vẫn đứng đó, vẫn hát những bài về Trường Sa. Khi những bài hát đó được cất lên, và nghe giữa mênh mông đêm tối, mới thấy nó thiêng liêng và ý nghĩa.

Có một điều mà có lẽ suốt đời này tôi sẽ không thể nào quên đó là đoàn tàu thường kéo lên 3 hồi còi rất lớn, ba hồi còi đó là khi rời cảng trong đất liền, trước khi đến đảo, và chia tay đảo. Đặc biệt là tại các lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, và những ngày lễ tưởng niệm ở nhà giàn và đảo Gạc Ma.

Khi những hồi còi tàu được rúc lên, đó là sự tưởng nhớ, đó là tri ân, đó là tiếng để nhắc nhở mỗi tấc đất, mỗi mét nước, chủ quyền biển đảo của tổ quốc, là máu thịt. Tiếng còi tàu ấy đọng lại trong tâm trí của mọi người và chắc chắn sẽ không bao giờ có thể mờ phai...

Hà Long (ghi)

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo