Truyện tích về một vị Tông sư - Kỳ 2

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Truyện tích về một vị Tông sư - Kỳ 2

(congluan.vn) - Sau khi đi hầu hết các vùng núi nổi tiếng linh thiêng trong nước và hai nước bạn Lào và Camphuchia về, Tông sư Minh Trí bắt đầu cuộc hành trình mới: Buôn khoai độ nhựt tham thấu dân tình và tìm những đệ tử giỏi chuẩn bị cho công cuộc phát phái quy y, hoằng hóa Phật pháp Tịnh độ Cư sĩ...
 
 
Báo Công luận 

Buôn khoai thử lòng người
 
Những năm 1918 - 1919 miền Nam nước ta chịu nhiều bĩ cực: thiên tai lũ lụt mất mùa, dân tình đau ốm, dịch bệnh tràn lan, tà đạo lộng hành. Xuất phát từ tâm tế độ người nghèo khổ khốn cùng và chấn hưng nền Phật giáo nước nhà; Tông sư Minh Trí đã bàn tính cùng huynh trưởng lo liệu ghe xuồng đi buôn khoai khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ tham thấu dân tình.
 
Từ tháng 4, ngài đã bắt đầu đi thu mua khoai, lúa và trữ cho đến tháng 8 tháng 9 chở đi. Nhưng dân tình lúc bấy giờ đói khổ nên chủ tâm ngài đã dự tính ai không tiền thì bán chịu đến mùa sau trả (một nét văn hóa đặc trưng của miền Nam còn lưu giữ đến ngày nay - PV). Đó cũng là cách ngài thử lòng người xem lúc khốn khó cũng như đủ đầy người ta có còn giữ lòng ngay thẳng, quý trọng chữ tín mà biết được người ngay kẻ gian. Giả dụ gặp phải kẻ giả tâm ngài dùng giáo pháp nhà Phật giúp người cải tà quy chánh.
 
Báo Công luận 
 Những ngày di thực tham thấu dân tình của Tông sư Minh Trí
 
Trên bước đường ngược xuôi buôn khoai, lúa khắp các làng xóm giàu nghèo, ngài đã gặp và thâu phục không ít các “cao thủ” mệnh danh là những “thầy bùa” cao tay, bậc nho học, lương y hay những võ phu chọc trời khuấy nước...
 
Thâu phục đệ tử vướng bệnh trầm kha
 
Truyện tích kể rằng, khi Tông sư Minh Trí xuôi dòng qua miền rạch Cái Tắc (tiếp giáp Hậu Giang và Cần Thơ ngày nay - PV) buôn khoai, sau khi thâu phục được ông Ba Vú (một người mắc chứng "ông lên bà xuống" theo cách gọi dân gian - PV) và ở lại ba ngày để bắt mạch chẩn bệnh, cho thuốc và giải tà thuật miễn phí cho dân làng. Lúc bấy giờ thời thế loạn lạc, dân sống lầm than nên hành động của đức Tông sư rất được hoan hỷ.
 
Trước khi đi Rạch Giá tiếp tục lộ trình, ngài dặn ông Ba Vú hai điều cần lưu ý: Trong vòng hai ngày sẽ có người đến nhà cầu bệnh, lúc đó hãy y theo toa thuốc ngài cho mà sắc cho người ấy uống. Trong vòng mười ngày có người đến hỏi thăm thì bảo rằng ngài sẽ trở lại và sẵn sàng ứng đối. Đây cũng là lúc ngài thật sự phát tiết sở học, minh tâm, tuệ tánh, thông y văn tường lý số vậy!
 
Tông sư cùng 3 người chèo ghe rời khỏi thì qua ngày thứ hai khi gà gáy canh năm, chuông chùa vừa điểm bỗng có người đến nhà cầu cứu ông Ba Vú. Không ai khác là người con rể thứ năm tên Dương Văn Đinh - một “thầy bùa”, cũng là nhà nho, thầy thuốc nổi tiếng khắp làng Đông Sơn, quận Phụng Hiệp (Hậu Giang). Năm Đinh là con rể thứ năm của ông Ba Vú vì thọ bệnh nặng, hấp hối nên cho người rước cha vợ sang cứu chữa. Ông Ba Vú thấy phi thường khôn tả vì thầy mình là Tông sư đoán chuyện như thần. Khi ông sang nhà và mang toa thuốc Tông sư cho Năm Đinh xem đồng thời thuật lại sự tình cho con rể rõ. Lúc bấy giờ Năm Đinh mới hối lỗi vì tội bản thân ngã mạn thất nghi.
 
Số là khi tông sư còn ở rạch Cái Tắc, ông Ba Vú đã cho nhắn tin 3 lần bảo con rể sang chào đức Tông sư nhưng ông ngạo nghễ không đoái hoài. Giờ đây mang bệnh nôn huyết tươi 3 lần, thấy bệnh tình khó khỏi nên xin cha cố tìm cách cứu chữa. Sau khi xem toa thuốc của "Ông đạo bán khoai" Năm Đinh vẫn ngang tàng bình phẩm thuốc không vị nào bổ cho người thổ huyết cả. Ông Ba bất an vì con mình cũng là thầy thuốc nên cho 4 tay chèo tức tốc đuổi theo thuật lại sự tình xem Tông sư có thay đổi ý kiến gì không.
 
Báo Công luận 
Huấn sư Thiện Đạo - Dương Văn Đinh 
 
Về phía Tông sư, ghe đang xuôi chèo thuận gió thì ngài gọi mọi người xả lèo nấu cơm. Ai cũng khúc mắc vì sao hai ngày không gặp gió nay có gió thuận không đi cho nhanh. Đến khi ghe của bốn đệ tử Năm Đinh đến thì ai nấy không khỏi ngạc nhiên vì sự phi thường trong cách ứng xử của ngài. Sau khi nghe rõ sự tình, Tông sư bảo các đệ tử Năm Đinh cứ về và y theo toa mà sắc thuốc uống. Ngài còn dặn Năm Đinh nên tránh mấy điều: Tình ái, giận giỗi, rầu lo, hò hét... nếu phạm phải bệnh cũ tái phát khó mà qua khỏi. Y lời, các đệ tử về thuật lại sự việc cho mọi người nghe.
 
Vậy là một bậc "thầy bùa", thông nho, thấu y nay lại phải uống thuốc của "Ông lái khoai"! Nhờ đó mà Năm Đinh bệnh tình khỏi hẳn và về sau trở thành một trong bốn người đệ tử lớn của Tông sư với chức Huấn sư, pháp danh Thiện Đạo (1886 - 1956) .
 
Võ phu trước thử tài sau học đạo
 
Báo Công luận 
 Huấn sư Nhan Văn Đống
 
Lúc bấy giờ ở miệt Cần Thơ, Hậu Giang có chàng thanh niên Nhan Văn Đống (Thường gọi Hai Đống, SN: 1890 - Canh dần) là tay võ phu hảo hớn chọc trời khuấy nước, dọc ngang nào biết trên đời có ai. Từ nhỏ, Hai Đống đã sống lưu lạc khắp các vùng núi non, rồi Sài Gòn Chợ Lớn, sang tận Lào, Thái, Xiêm học phép thuật đủ loại, tinh thông thuật số, các loại võ Tây, Ta, Tàu, Miên, Thái đều rõ. Từ thuở 15, 16 tuổi, Hai Đống đã thuộc hàng "du phương đảng tử". Nhiều học trò của Hai Đống là con nhà quan quyền thế nên những bọn cướp bóc phải kiềng oai, hàng anh chị chợ búa phải nể mặt, quan lại trong các vùng không dám đụng tới. Vậy mà nghe danh có tay đạo bán khoai ở miền Long Xuyên - Châu Đốc mọi người tôn sùng là "Phật sống" hóa độ chúng sanh nên nhủ lòng phải gặp, trước thử tài sau nếu phục mà theo làm đệ tử, dứt bỏ thói "đảng tử du phương".
 
Mặt trời vừa lặn, đỏ đèn một lúc thì chiếc ghe xâm bản cập bến nhà ông Ba Vú. Một thanh niên tuổi độ 30, thân hình quắc thước, mặt mũi khôi ngô, giọng nói hào sảng, tóc búi sau, vận bộ bà ba trắng, giày tàu mini, tay mang đồng hồ và nhẫn vàng, theo sau có hai đồ đệ. Buổi này trông bộ dạng nếu không phải hàng anh chị chơi bời cũng hàng công tử phong lưu. Qua thăm hỏi và nghe danh bấy lâu, ông Ba biết Hai Đống là tay võ phu chọc trời khuấy nước, biết thuật số cũng hạng không thường. Dụng ý Hai Đống tìm Tông sư thử tài đã rõ nên ông Ba cũng không ngần ngại tỏ tường việc thầy mình cho lời hẹn sẽ trở lại gặp sau mười ngày. Hai Đống hoan hỷ cho mình gặp đúng cao nhân biết trước mọi việc.
 
Đúng hẹn, "Ông đạo bán khoai" trở lại. Nghe thuật sự tình, Tông sư bảo ông Ba Vú bố trí xin phép chính quyền cho nghỉ lại độ bệnh dân nghèo và đón tiếp Hai Đống. Đêm đó, nhà ông Ba thắp đèn măng - sông sáng trưng, có cả hương chức đến dự. 7 giờ tối, Hai Đống cùng 8 đàn em đi trên ba ghe xâm bản cập bến nhà ông Ba. Như dự tính từ trước, Hai Đống dụng tâm bố trận thuật số để thử Tông sư. Nhưng khi ghe vừa cập bến, 8 đàn em nhảy phóc lên bờ, riêng Hai Đống chỉ ngồi "chết lặng" không thể dụng công.
 
Báo Công luận 
 Điện Năm Căn - nơi Huấn sư Nhan Văn Đống tu học được bao bọc bởi những tảng đá kiên cố
 
Hóa ra trận pháp Hai Đống lập tuy có cao tay nhưng vẫn không làm gì được bậc minh sư vậy. Bị thu phục, Hai Đống cúi lạy xin làm đệ tử của ngài. Tông sư bảo Hai Đống về thu xếp chuyện gia quyến cho hợp lẽ mới theo ngài được. Bởi: "Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo / Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỷ" - nghĩa là: Muốn tu đạo Tiên (hay Phật) trước phải tu dưỡng đạo làm người / Đạo làm người không tu thì chuyện gần Tiên (hay Phật) còn xa lắm. Sau khi an bề gia quyến, Hai Đống trở lại gặp Tông sư thọ giới. Không lâu, ông đắc quả đạo hạnh, được tôn lên bậc Huấn sư. Từ đó Huấn sư Nhan Văn Đống trở thành một trong những người đệ tử có công lớn cùng Tông sư khai lập Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, hoằng hóa Phật pháp...
 
Huấn sư Nhan Văn Đống rất đắc lực trong việc mở mang mối đạo buổi này, ước có khoảng 10.000 người theo ông mở nhiều hội quán, lập phòng thuốc nam phước thiện khắp miệt Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên... Đúng là: "Tảo thiệt dạ xoa đầu, kim triêu Bồ Tát thị" (Sáng là đệ nhất quỷ dạ xoa, chiều lại thành Bồ Tát").
 
Báo Công luận 
 Chứng nhân lịch sử trên đỉnh núi Tô - bà Đinh Thị Vân cho biết nơi Huấn sư Nhan Văn Đống tọa thiền trên đầu hang Ông Hổ
 
Về dấu tích, điện Năm Căn, chùa Cây Me trên núi Tô vẫn còn lưu dấu. Phóng viên chúng tôi đã bộ hành lên tận đỉnh để kiểm chứng. Chứng nhân lịch sử duy nhất trên đỉnh núi Tô là bà Đinh Thị Vân (SN 1944, con ông Đinh Công Tám buổi này vốn đệ tử của sư Đống). Bà đã ở nơi đây cùng gia đình và theo học sư Đống từ khi 3 tuổi. Mấy mươi năm trôi qua, bà vẫn miệt mài sống và lập nơi thờ tự Huấn sư trên đó...
 
Huấn sư Nhan Văn Đống viên tịch ngày 21/2/1952, hài cốt được cải táng tại chùa Hưng Phụng Tự, thị xã Ngã Bảy - Hậu Giang. Hội quán này do em trai ông là Nhan Văn Hiếm sáng lập.
 
                                                                                                                Nguyễn Võ Nguyên Pháp
 
Kỳ tới: Du sơn truyền pháp, thành lập Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam

Tin khác

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra
Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

Tập đoàn Thuận An góp mặt tại dự án nào trên địa bàn TP Hà Nội?

(CLO) Công ty CP Tập đoàn Thuận An là nhà thầu quen thuộc với nhiều công trình xây dựng trên cả nước, riêng tại Hà Nội nhà thầu này góp mặt tại 5 gói thầu, với tổng giá trị 778,372,534,000 VND.

Điều tra
Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

Thanh Hóa: Đang nợ tiền thuế TNDN, Công ty Lam Sơn có đáp ứng các tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu?

(CLO) Mặc dù đang nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng Công ty TNHH xây dựng và TM Lam Sơn vẫn được UBND thị xã Nghi Sơn phê duyệt trúng gói thầu trị giá gần trăm tỷ đồng.

Điều tra
Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

Cơ quan Cảnh sát Điều tra vào cuộc sau ''lùm xùm'' đấu thầu của Công ty Tuấn Ân Hà Nội

(CLO) Thời gian gần đây, Công ty TNHH Tuấn Ân Hà Nội đã trúng hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng ở hầu hết các Công ty Điện lực trên địa bàn TP. Hà Nội.

Điều tra