TS Trần Toàn Thắng: "Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu khá tốt"
(CLO) TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia trả lời phỏng vấn của Nhà báo và Công luận về triển vọng kinh tế 2023.
Kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo là vẫn sẽ vô cùng khó khăn, có dự báo e rằng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào năm tới. Trong bối cảnh đó kinh tế nước nhà cũng sẽ có vô vàn khó khăn, nhưng có cơ hội nào không, theo ông?
- Khó khăn thách thức là rất nhiều, nhưng cơ hội cũng có. Cơ hội đầu tiên phải nói đến đó là cho đến bây giờ kinh tế Việt Nam được đánh giá là có khả năng chống chịu khá tốt.
Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 sẽ là “điểm tựa” để tiếp tục quá trình phục hồi trong năm 2023 và cả giai đoạn kế hoạch 2021-2025.

TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia. Ảnh: Tạp chí Kinh tế & Dự báo.
Và sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Trong đó hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi.
Sự phục hồi của thị trường lao động cùng với các chính sách hỗ trợ an sinh, hỗ trợ người lao động là điều kiện quan trọng cho phục hồi sản xuất.
Cơ hội nữa là tổng cầu nội địa tăng và dự báo sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cùng với sự phục hồi của các hoạt động kinh tế, thu nhập, nhất là từ nhu cầu du lịch trong nước.
Bên cạnh đó là tác động từ các Hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gia tăng, lại giảm thuế quan và biện pháp phi thương mại theo giúp GDP dự kiến của Việt Nam có thể tăng thêm 0,38% đến năm 2030 so với kịch bản cơ sở. Việt Nam nằm trong số quốc gia được hưởng lợi nhất về xuất khẩu trong số các quốc gia tham gia RCEP với mức tăng 3,75% so với kịch bản cơ sở…
Trong viễn cảnh của vòng xoáy lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, ông dự báo kinh tế Việt Nam 2023 như thế nào?
- Kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam và các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm nghiên cứu chúng tôi dự báo năm 2023 với hai kịch bản:
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.
Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.
Về lạm phát, mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn. Căng thẳng chính trị tại Ukraine, chính sách zero covid -19 của Trung Quốc gây đứt gãy chuỗi cung toàn cầu và hiệu ứng lan tỏa vòng hai của cú sốc giá nhiên liệu… khiến áp lực nhập khẩu lạm phát tăng cao. Trong khi đó, tổng cầu nội địa đang trong xu hướng phục hồi mạnh, nhất là ở các lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng, du lịch. Như thế, dự báo CPI tăng đến 4% vào năm 2023 trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024.

TS.Trần Toàn Thắng: "Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu khá tốt".
Gần đây các tổ chức quốc tế đã cảnh báo lạm phát, khủng hoảng năng lượng và lãi suất tăng lại bồi thêm cú tăng tỷ giá đang khiến ngày càng nhiều quốc gia có nguy cơ vỡ nợ. Nợ công của chúng ta vẫn được kiểm soát tốt, vẫn trong ngưỡng an toàn. Nhưng những biến động tỷ giá trên toàn cầu sẽ tác động lên trạng thái nợ nước ngoài ở Việt Nam như thế nào, theo ông?
- Trạng thái nợ nước ngoài của Việt Nam dường như được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ toàn cầu. Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3.283.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ bằng VND chiếm 66,5%; dư nợ bằng USD chiếm chưa đến 14%; dư nợ bằng JPY khoảng 10,5%; dư nợ bằng EUR khoảng 5,5%; các loại ngoại tệ khác khoảng 4%.
Năm 2022, USD tăng giá mạnh và phần lớn các đồng tiền còn lại mất giá sâu. Tính toán tác động của diễn biến các đồng tiền lớn đến trạng thái nợ nước ngoài của Việt Nam trên cơ sở giả định, nếu USD tăng giá 4% có thể làm nợ nước ngoài bằng USD tăng 17.800 tỷ đồng.
JPY mất giá trước đồng USD 25,18%, tính ở thời điểm tháng 11/2022 có thể giúp nợ nước ngoài của Việt Nam giảm 73.200 tỷ đồng. Lưu ý là Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam. Tương tự, Euro mất giá giúp nợ nước ngoài giảm 17.200 tỷ đồng. Sự mất giá của các đồng tiền khác có thể giúp nợ nước ngoài giảm thêm 3.950 tỷ đồng.
Tổng hợp các tác động, nợ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam có thể giảm tới 76,65 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm 2,5% so với dư nợ tại thời điểm cuối năm 2021.
Theo ông, tỷ giá, lãi suất năm 2023 sẽ đi theo kịch bản nào?
- Lộ trình tăng mạnh lãi suất của Fed và xu hướng thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu chắn chắn sẽ tiếp tục gây sức ép lớn lên cả lãi suất, tỷ giá và lạm phát của Việt Nam. Việt Nam đang đứng trước giai đoạn khó khăn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ. Các quyết định chính sách phải đảm bảo cân bằng được các mục tiêu ổn định lãi suất – ổn định tỷ giá - và kiểm soát lạm phát.
Giữ ổn định tiền tệ là sẽ mục tiêu cốt lõi. Đồng thời, chính sách lãi suất phù hợp sẽ giúp hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát.
Kịch bản điều hành tỷ giá phụ thuộc chủ yếu vào mức độ mạnh lên của đồng USD, biên độ tăng lãi suất của Fed, khả năng gia tăng nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam và việc lựa chọn mức độ đánh đổi giữa giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát với mục tiêu kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn.
Cân bằng các công cụ và quyết tâm giữ ổn định tỷ giá, dự báo mức mất của đồng VND theo hai kịch bản:
Kịch bản 1 – Việt Nam tiếp tục gia tăng được nguồn lực ngoại tệ nhờ xuất khẩu tăng trưởng tốt và giải ngân FDI cao, mức tăng giá USD chậm lại, chính sách tiền tệ trong nước vẫn kiên trì mục tiêu bảo vệ tỷ giá, chấp nhận mức tăng lãi suất có thể cao hơn dự kiến. Dự báo tỷ giá USD/VNĐ có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022.
Kịch bản 2 – kịch bản kém thuận lợi hơn nhưng ít có khả năng xảy ra. Với giả định xuất khẩu khó khăn hơn, giải ngân FDI, dự trữ ngoại hối chậm phục hồi, lạm phát thấp, tăng lãi suất gặp cản trở trước mục tiêu hỗ trưởng trong ngắn hạn, đồng VND có thể mất giá 4,5-5.
Năm 2023, kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể, tuy nhiên, VND có cơ sở để trở nên mạnh hơn nhờ lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023, và bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
Linh Hà (thực hiện)