TS. Trương Văn Phước: Chỉ công nhận tiền kỹ thuật số là “tài sản”, không phải là phương tiện thanh toán

27/03/2025 09:15

(NB&CL) Theo TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong quá trình thí điểm sàn giao dịch tiền ảo (tiền kỹ thuật số), chỉ công nhận tiền kỹ thuật số là “tài sản”, không công nhận là phương tiện thanh toán.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Ngân hàng Nhà nước đề xuất, trình khung pháp lý quản lý tài sản số, tiền số.

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có trao đổi với TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia liên quan đến việc phát triển, cơ chế kiểm soát và phòng ngừa rủi ro đối với tiền kỹ thuật số.

+ Thưa ông, hiện nay các nước đang quản lý tiền kỹ thuật số ra sao và họ có coi tiền kỹ thuật số là tiền tệ hay không?

- Trên thế giới, việc xem xét tiền kỹ thuật số là tiền tệ, hàng hóa, tài sản hay chứng khoán hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cách tiếp cận của mỗi quốc gia khi xây dựng khung pháp lý. Một số quốc gia cấm nghiêm ngặt giao dịch tiền kỹ thuật số mà Trung Quốc là một ví dụ, do lo ngại về kiểm soát tài chính, ổn định kinh tế và chính trị. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác lại có quan điểm khá cởi mở đối với loại tiền này.

tstruong van phuoc chi cong nhan tien ky thuat so la tai san khong phai la phuong tien thanh toan hinh 1

TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia. Nguồn: Thy Thơ

Ở Hoa Kỳ, pháp luật không có quan điểm thống nhất về tiền kỹ thuật số mà phụ thuộc vào cơ quan quản lý và bối cảnh cụ thể. Quan điểm chung của Chính phủ Hoa Kỳ là không công nhận tiền kỹ thuật số như Bitcoin là tiền hợp pháp, tức chúng không được xem là tiền tệ chính thức để thanh toán các nghĩa vụ pháp lý như thuế hoặc nợ công.

Tuy nhiên, Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ coi tiền kỹ thuật số là “tiền tệ” trong một số trường hợp liên quan đến chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai chính thức coi Bitcoin và Ethereum là hàng hóa từ năm 2015. Cục Thuế Hoa Kỳ lại coi tiền kỹ thuật số là tài sản thay vì tiền tệ từ năm 2014, do đó các giao dịch liên quan đến loại tiền này như mua bán, trao đổi, khai thác đều chịu thuế như đối với tài sản.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ không xem tất cả tiền kỹ thuật số là chứng khoán, nhưng nếu một loại tiền kỹ thuật số được phát hành thông qua một đợt chào bán ban đầu hoặc có đặc điểm như một hợp đồng đầu tư, nó có thể bị coi là chứng khoán.

+ Việt Nam có nên phát triển triển khai một đồng tiền số quốc gia khi nhiều nước đã phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC)? Và cơ chế nào để quản lý đồng tiền kỹ thuật số, thưa ông?

- Việc nghiên cứu và triển khai đồng tiền kỹ thuật số quốc gia là cần thiết. Về việc triển khai CBDC, có thể học hỏi mô hình thử nghiệm của Trung Quốc, đó là thí điểm tại một số địa phương hoặc thông qua các ngân hàng thương mại lớn, sau đó tổng kết, đánh giá và quyết định có mở rộng hay không.

Về cơ chế thí điểm có kiểm soát tiền kỹ thuật số, trước hết, cần nêu quan điểm thận trọng nhưng không cầu toàn. Việc xây dựng khung pháp lý là hệ trọng nhưng không thể thực hiện một sớm một chiều.

Do đó, song song với thời gian tổ chức thí điểm (khoảng một đến hai năm), cần vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện khung pháp lý. Chủ thể của sàn giao dịch có thể là Nhà nước hoặc các tổ chức được Nhà nước cấp phép thành lập.

Trong quá trình thí điểm, chỉ công nhận tiền kỹ thuật số là “tài sản”, không công nhận là phương tiện thanh toán. Sàn giao dịch chỉ được phép giao dịch bằng đồng Việt Nam, nhà đầu tư có thể mở các tài khoản ngoại tệ tại sàn.

+ Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối năm 2022 cũng chưa đưa ra cơ chế quản lý chính thức đối với các loại tài sản số. Theo ông cần có biện pháp nào để phòng ngừa rủi ro như gian lận, đầu cơ, hay thậm chí là rửa tiền?

- Việc sử dụng ngoại tệ hay đồng Việt Nam để giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số quốc tế (như Bitcoin, Ethereum, Solana…) cần có các quy định liên quan đến quản lý ngoại hối và phòng chống rửa tiền, nhưng cũng cần có độ mở nhất định trong không gian sàn giao dịch.

Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp phòng chống rửa tiền và định danh nhà đầu tư (KYC) để kiểm soát giao dịch. Tuy nhiên, blockchain có ưu điểm là ghi nhận lại vĩnh viễn tất cả các giao dịch, giúp truy vết dòng tiền nếu có công cụ giám sát phù hợp.

Việt Nam đã có hệ thống dữ liệu dân cư của Bộ Công an, có thể tích hợp với KYC trên sàn giao dịch. Một yếu tố căn bản tạo nên sự thành công của sàn giao dịch là niềm tin thị trường và của nhà đầu tư. Do đó, cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư và tạo thanh khoản cho sàn giao dịch.

+ Xin cảm ơn ông!

Quốc Trần(Thực hiện)

    Nổi bật
        Mới nhất
        TS. Trương Văn Phước: Chỉ công nhận tiền kỹ thuật số là “tài sản”, không phải là phương tiện thanh toán
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO