Từ 1/7, UBND cấp xã quản lý dạy thêm, học thêm và chuyển trường THCS
(CLO) Từ ngày 1/7, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã chính thức được trao thêm nhiều thẩm quyền quan trọng trong quản lý giáo dục, bao gồm giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, tiếp nhận và chuyển trường học sinh trung học cơ sở.
Phân quyền rõ ràng, tăng tính tự chủ ở cấp cơ sở
Thông tư 10/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định chi tiết việc phân quyền, phân cấp và phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện, đặc biệt bổ sung vai trò đáng kể cho chính quyền cấp xã.
Theo đó, UBND cấp xã có trách nhiệm:
- Quản lý toàn diện hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn, bao gồm hướng dẫn, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm, bảo đảm tuân thủ quy định về thời gian làm việc, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường...
- Giám sát việc tuân thủ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm, nhằm siết chặt kỷ cương và đảm bảo chất lượng học tập ngoài giờ chính khóa.
.jpg)
Thẩm quyền mới trong chuyển trường và tiếp nhận học sinh THCS
Thông tư cũng quy định rõ việc phân quyền cho UBND cấp xã trong công tác chuyển trường đối với học sinh trung học cơ sở:
- Chủ tịch UBND xã nơi đi có thẩm quyền cấp giấy giới thiệu chuyển trường cho học sinh THCS (theo Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT).
- UBND xã nơi đến có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiếp nhận và giới thiệu học sinh đến trường phù hợp, đồng thời xem xét các trường hợp ngoại lệ về thời gian chuyển trường.
Việc phân quyền này giúp rút ngắn thủ tục hành chính, giảm áp lực cho cấp huyện, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh trong các tình huống thay đổi nơi cư trú.
UBND cấp xã trực tiếp chỉ đạo đánh giá kết quả học sinh tiểu học và THCS
Ngoài ra, UBND cấp xã cũng được giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo quá trình đánh giá học sinh phổ thông:
- Chỉ đạo các trường nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh (theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đối với tiểu học và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đối với THCS).
- Hướng dẫn sử dụng sổ theo dõi, học bạ, hồ sơ đánh giá điện tử; kiểm tra, giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện đánh giá năng lực học sinh.
- Theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ hiệu trưởng các trường tiểu học trên địa bàn trong quá trình triển khai đánh giá kết quả học tập, giúp nâng cao chất lượng và tính thực chất của đánh giá học sinh.
Bước tiến rõ rệt trong cải cách quản lý giáo dục địa phương
Việc trao quyền quản lý giáo dục ở một số mảng quan trọng cho UBND cấp xã là bước đi phù hợp với tinh thần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở cơ sở, điều này đã được nêu rõ trong các nghị quyết về đổi mới giáo dục và phân cấp quản lý Nhà nước.
Sự tham gia trực tiếp và chủ động của chính quyền cấp xã không chỉ giúp quản lý sát thực tế địa phương mà còn góp phần nâng cao hiệu quả giám sát, điều hành trong bối cảnh giáo dục phổ thông đang chuyển dịch mạnh mẽ theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Thông tư số 10/2025/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.