Từ câu chuyện bệnh nhân 1883 nhìn lại vấn đề kiểm chứng nguồn tin của báo chí

Thứ bảy, 06/02/2021 07:37 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong những ngày qua, trên mạng xã hội đã có hàng ngàn bình luận, lượt chia sẻ về câu chuyện của một người phụ nữ phê phán những thông tin sai lệch trên báo chí về hành trình của chồng mình-bệnh nhân số 1883 nhiễm SAR-CoV. Từ góc độ nghiệp vụ báo chí, chúng ta thấy gì ở câu chuyện này?

Báo chí đã điều chỉnh lại thông tin sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xác nhận có

Báo chí đã điều chỉnh lại thông tin sau khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xác nhận có "nhầm lẫn" thông tin về quá trình đi lại của BN 1881.

1.  Có thể nói, những lời nhận xét, bình luận của người phụ nữ được cho là vợ của bệnh nhân số 1883 về báo chí và cả khái niệm "truyền thông mạng" là khá nặng nề khi chị này dùng chữ "dối trá" và "ác độc", "bất nhân" để cho rằng một số tờ báo điện tử (chị này gọi là báo mạng) đưa nhiều thông tin sai về lịch trình đi lại của chồng mình.

Người phụ nữ này đã dẫn ra một số căn cứ để cho rằng, một số "báo mạng" đã đưa thông tin sai ví dụ như có sự lẫn lộn lịch trình của cá nhân chị này và BN 1883. Người có nick là Hanh PM (người được cho là chủ tài khoản facebook nhận là vợ BN 1883) cho rằng, vào ngày 28/1, chính chị là người đi đến ngõ 194 phường Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội chứ không phải chồng mình. Và do báo chí đăng sai nên đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ cộng đồng người dân ở khu vực này.

Người có nick Hanh PM cũng khẳng định: Lịch di chuyển vào 9h-10h30 sáng ngày 30/1 đưa con đi học ở sân bóng đá công viên Thanh Nhàn và trong thời gian đó đi chợ 8/3 là lịch di chuyển của chị này chứ không phải của chồng mình, như các báo đã đăng.

Hay việc ngày 3/2, nhiều báo mạng đưa tin về lịch trình dịch tễ của BN 1883 đi TP.HCM nhưng các tít bài một số báo lại chỉ tập trung vào việc BN 1883 đi massage ở TP Hồ Chí Minh và nội dung các bài viết dùng những đại từ nhân xưng miệt thị và có chiều hướng lái dư luận theo cảm xúc tiêu cực. Chị này cho rằng, chồng mình luôn đến các điểm massage trị liệu lành mạnh để phục hồi sức khỏe là điều bình thường nhưng báo mạng lại viết như vậy làm ảnh hưởng lớn đến danh dự cá nhân của người thân của mình.

Những phản ánh về những nội dung được cho là thông tin sai trên một số tờ báo mạng của người phụ nữ trên sau đó đã được xác nhận có những thông tin đúng. Một số tờ báo sau đó đã sửa thông tin trong bài viết hoặc ra một bản tin mới, đưa theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC)  Hà Nội xác nhận có một số thông tin "nhầm lẫn" về lịch trình của BN 1883, đúng như vợ anh này nêu.

Như vậy, có thể khẳng định bước đầu là một số tờ báo điện tử đã đưa thông tin sai về lịch trình của BN 1883 và việc này rõ ràng đã gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư nơi BN trên không hề đến đó như khu vực ngõ 194, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân-Hà Nội và cũng ảnh hưởng đến cá nhân BN 1883 và gia đình của công dân này.

Còn việc đưa thông tin và có những lời lẽ, cách giật tít không phù hợp về việc BN 1883 đi massage tại TP.HCM không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự của công dân trên-nạn nhân của dịch bệnh Covid-19 mà còn có những tác động không nhỏ đến tâm lý của nhiều người khác không may có thể bị lây nhiễm hay bị nghi lây nhiễm Covid-19, khiến họ không thành thật trong việc khai báo lịch trình hoạt động của mình với cơ quan hữu quan, từ đó gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

2. Covid-19, đến thời điểm này, không nghi ngờ gì nữa đó là đại dịch có ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng cho hầu hết các quốc gia, đến hàng tỷ người trên toàn cầu. Với Việt Nam, đại dịch này cũng có tác động rất xấu, làm chậm quá trình phát triển kinh tế đất nước, làm đảo lộn, gây khó khăn cho cuộc sống hàng triệu người dân, hàng vạn doanh nghiệp. Báo chí vì thế cũng có trách nhiệm rất lớn trong việc đưa, phản ánh thông tin đầy đủ về diễn biến dịch bệnh, các hoạt động phòng chống dịch. Trên thực tế, thời gian qua, về cơ bản báo chí đã làm khá tốt vai trò này và có đóng góp tích cực nhất định đến hoạt động phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19 ở một số thời điểm.

Tuy nhiên, với vụ việc nêu trên, có thể nói đó là một sự cố không mong muốn và khiến tất cả các bên liên quan: CDC Hà Nội, Báo chí...đều cần phải nhìn nhận, đánh giá lại, nhận trách nhiệm, sửa sai để có thể tránh được những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự của công dân cũng như giảm đi những ảnh hướng xấu đến hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Về phía CDC Hà Nội, rõ ràng những thông tin sai từ chính cơ quan này đã khiến nhiều tờ báo điện tử, trang mạng... cũng dẫn nguồn thông tin sai theo một cách dây chuyền. Nhưng đây không chỉ lần đầu CDC Hà Nội có thông tin sai về lịch trình của các bệnh nhân Covid-19. Cũng có một số cơ quan, trung tâm CDC ở một số địa phương khác cũng có lúc chưa chuẩn xác về thông tin đi, lại của các bệnh nhân, gây những hậu quả không đáng có.

Do đó, không chỉ CDC Hà Nội mà trong các đợt dịch như thế này, tất cả các cơ quan chức năng Nhà nước, từ Bộ Y tế, đến chính quyền, Sở Y tế các địa phương, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) địa phương cần phải chuẩn xác thông tin tối đa để có những cảnh báo chính xác cho người dân. Một thông tin sai lệch trong thông cáo báo chí hay ở bản tin chính thống trên các website của các cơ quan này sẽ dẫn đến những thông tin sai lệch có tính dây chuyền.

Mặc dù, về phía báo chí, đưa thông tin nhanh nhạy, kịp thời vẫn là một yêu cầu quan trọng nhưng thiết nghĩ, thông tin chính xác vẫn là yếu tố quan trọng không kém. Cho dù các thông tin về dịch bệnh, lịch trình đi lại của các bệnh nhân Covid-19, kể cả những người mới nghi nhiễm... phần nhiều vẫn phải dựa vào các công bố, thông tin chính thức của cơ quan chức năng như Bộ Y tế, các bệnh viện, Trung tâm CDC... nhưng điều đó không có nghĩa là những bản tin đó không cần phải kiểm chứng nữa.

Trên thực tế, dù có khó khăn, nhưng vẫn có những khoảng thời gian, địa điểm, nhân chứng để cho người viết báo kiểm chứng lại thông tin. Ví dụ như ở vụ việc trên, người viết báo vẫn có thể kiểm tra lịch sử đi lại của bệnh nhân thông qua người thân, gia đình, cơ quan của họ. Những thông tin nào đáng nghi ngờ như việc BN 1883 vừa đưa con đi học lại vừa đi chợ ở một khoảng cách rất xa, lại trong một thời gian ngắn luôn cần phải kiểm tra lại. Những thông tin nào không thể kiểm chứng được thì cũng không nên đăng tải.

Nhưng ở đây, không chỉ là câu chuyện thông tin sai, đúng mà cả ở trách nhiệm của người làm báo khi đưa thông tin về đời tư của người bệnh. Có những thông tin không cần thiết, thuộc về đời sống cá nhân của công dân vẫn cần được cân nhắc, tôn trọng theo quy định của luật pháp về bảo vệ bí mật đời tư của công dân. Trong trường hợp tình huống cụ thể này, nếu các công dân không may lây nhiễm Covid-19, các thông tin đời tư của họ đều bị phơi bày hết lên mặt báo, thậm chí bị giật tít, bêu tên có hàm ý xấu thì sau đó, tất cả những công dân khác nghi nhiễm hay chẳng may nhiễm bệnh sẽ không chịu khai báo lịch trình đi lại của mình nữa thì điều đó sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Câu chuyện đáng buồn trên, dù không ai mong muốn xảy ra nhưng nó cũng đã xảy ra. CDC Hà Nội cũng đã đính chính ban tin, cũng đã có nhiều tờ báo sửa lại thông tin và hầu hết mọi người đều đã biết thông tin nào là chính xác, thông tin nào sai. Nhưng qua đây, tất cả các bên liên quan sẽ đều phải rút kinh nghiệm, đặc biệt là báo chí, cho dù yêu cầu phải đưa thông tin nhanh đến đâu cũng phải cân nhắc đưa thế  nào để thông tin đảm bảo tuyệt đối chính xác, không xâm phạm đời tư, không kỳ thị người nhiễm bệnh. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều cần phải thấy trách nhiệm của mình trong thông tin để chúng ta hướng tới một cái đích chung: Đồng lòng, cùng nhau phòng, chống, đẩy lùi dịch Covid-19 như chúng ta đã làm được trong năm 2020.

Mạnh Quân

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn