(NB&CL) Giữa rất nhiều góc nhìn của các đồng nghiệp về câu chuyện cấm 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 thì loạt bài của phóng viên Vũ Viết Tuân đăng trên báo Tuổi trẻ nổi bật và quyết liệt hơn cả. Chùm bài này có thể nói là đã mang lại một khởi đầu mới, từ nhiều phía, về sự cần thiết phải có sự thay đổi về quy định, quy chế đối với nghệ thuật, xoá đi cách làm công thức, áp đặt… để tạo điều kiện tốt hơn cho nghệ thuật. Cuộc trò chuyện với phóng viên Vũ Viết Tuân cho biết thêm không chỉ về những chi tiết “hậu trường” để làm nên loạt bài này mà còn là quan điểm của một người làm báo về câu chuyện quản lý văn hóa.
Bắt tay vào việc tôi thu thập được nhiều tài liệu
+ Có lúc nào anh hoang mang khi nguồn tư liệu chưa đủ để mang đến một câu chuyện đủ sức thuyết phục phản hồi lại “lệnh cấm”?Khi bắt tay vào việc thực hiện loạt bài, anh có cần tư vấn chuyên gia âm nhạc hay luật sư để có một định hướng theo đuổi câu chuyện?
- Tôi vẫn nhớ bản tin đầu tiên tôi làm về vụ việc này là vào tối ngày 10/3/2017, khi Cục NTBD (Bộ VH-TT&DL) thông báo tạm dừng lưu hành 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 (bao gồm: Con đường xưa em đi, Đừng gọi anh bằng chú, Cánh thiệp đầu xuân, Rừng xưa, Chuyện buồn ngày xuân). Từ khi vụ việc xảy ra đến khi kết thúc khoảng hơn một tháng. Ban đầu, tôi chưa có nhiều thông tin về vụ việc này. Cục NTBD thông báo lý do tạm dừng lưu hành 5 bài hát trên là vì vấn đề bản quyền, một số câu từ trong các bài hát đã bị sửa không đúng với lời gốc, có bài sai tên tác giả. Nhưng lý do đó không đủ cơ sở để thuyết phục được tôi. Bởi nếu chỉ vì bị sửa lời hoặc sai tên tác giả, thì Cục NTBD chỉ cần công bố bản nhạc gốc và sửa lại tên tác giả cùng bài hát cho đúng là được, chứ đâu cần thiết phải tạm dừng lưu hành.
[caption id="attachment_165002" align="aligncenter" width="640"]
Nhà báo Vũ Viết Tuân.[/caption]
Tôi đã tìm và đối chiếu với Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 79 và Nghị định 15 sửa đổi Quy định về biểu diễn nghệ thuật… đồng thời cùng với các anh chị trong Ban Văn nghệ cố gắng tìm thêm những thông tin hậu trường về vụ việc này. Sau đó, khi phỏng vấn các đại diện của cơ quan quản lý nhà nước tôi có đặt vấn đề thẳng thắn là những bài hát bị tạm dừng lưu hành ngoài lý do về bản quyền tác giả như Cục NTBD đưa ra, thì những bài hát trên bị tạm dừng lưu hành có vì lý do tư tưởng, chính trị nào đó trong nội dung ca từ hay không? Thì một đại diện cơ quan quản lý văn hoá đã băn khoăn rằng trong lời bài hát “Con đường xưa em đi” có câu “Chiến trường anh bước đi” là chiến trường nào. Điều này giúp tôi củng cố thêm một hướng suy nghĩ và thu thập tư liệu về vụ việc này bên cạnh những lý do mà Cục NTBD đưa ra.
Bắt tay vào công việc, tôi thu thập thêm được nhiều tài liệu, đồng thời tham khảo ý kiến các luật sư, nhạc sĩ, nghệ sĩ, những trí thức có uy tín… để đa dạng góc nhìn, tránh áp đặt chủ quan góc nhìn của tôi về sự việc.
Nếu theo dõi trên mặt báo cũng như trên mạng xã hội facebook thì sẽ thấy ngay từ đầu, đại đa số ý kiến của công luận đều rất ngạc nhiên và bất bình với việc cấm đoán này. Hơn nữa tôi luôn nghĩ rằng, chiến tranh đã lùi xa, đất nước thống nhất đã hơn 40 năm thì việc cấm các ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã từng được cấp phép phổ biến dù với bất cứ lý do gì cũng là đi ngược lại chủ trương lớn hoà hợp, hoà giải dân tộc của Nhà nước ta. Đó là những điều thôi thúc tôi cố gắng tìm hiểu vụ việc này và cố gắng góp tiếng nói đấu tranh để làm sáng tỏ vụ việc.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi… cấm
+ Rõ ràng, hiện nay còn nhiều quy chế, quy định về văn hoá khá cứng nhắc, có phần lỗi thời. Song đa phần do ngại va chạm nên người bị xử phạt cứ im lặng chịu phạt, dù ấm ức. Liệu đã đến lúc báo chí và chính các nghệ sỹ cần phải lên tiếng để góp ý sửa đổi, thưa anh?
- Đúng là trong các quy định của Nghị định 79 cũng như Nghị định 15 sửa đổi đã có nhiều quy định lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Về phía các nghệ sĩ, tôi nghĩ họ cũng có cái khó khi lên tiếng hoặc khi công khai phản đối những quy định bất cập đó. Nhưng cũng không ít nghệ sĩ đã lên tiếng trên tinh thần xây dựng để các cơ quan quản lý sửa đổi những quy định này. Như với vụ việc cấm đoán 5 bài hát sáng tác trước năm 1975, đã có rất nhiều người khi tôi hỏi đã đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm bất bình trước việc cấm đoán này như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhà thơ Văn Công Hùng, NSND Trần Hiếu…
[caption id="attachment_165003" align="aligncenter" width="640"]
"Cánh thiệp đầu xuân" và "Con đường xưa em đi" nằm trong số 5 ca khúc bị Cục NTBD tạm dừng lưu hành.[/caption]
Nhiều người đã viết bài nêu những cách ứng xử công bằng và nhân văn với các ca khúc sáng tác trước năm 1975 để Cục tham khảo như nhà báo Lê Văn Nuôi, nhà văn Lê Văn Nghĩa, bà Nguyễn Thế Thanh… Sau khi công luận, báo chí lên tiếng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo và Cục NTBD đã phải rút lại quyết định thu hồi 5 bài hát đồng thời tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến vụ việc này.
Tôi luôn nghĩ rằng trong mỗi sự việc, nếu mỗi người góp một tiếng nói phản biện trên tinh thần xây dựng, thì câu chuyện sẽ dần sáng rõ và có thể có những kết thúc tốt đẹp.
Tôi cũng mong rằng qua câu chuyện cấm đoán các bài hát sáng tác trước năm 1975 này thì các cơ quan quản lý sẽ phần nào thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử với những vấn đề liên quan đến văn hoá, nghệ thuật. Tôi chia sẻ rằng làm quản lý ở lĩnh vực này không đơn giản. Nhưng không thể vì thế mà vẫn còn giữ tư duy “không quản được thì cấm”. Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu để sửa đổi các quy định cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay thì những người làm quản lý văn hoá trước khi đưa ra bất kỳ quyết định cấm đoán, xử phạt nào đó cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng đồng thời lắng nghe ý kiến của báo chí, công luận để tránh làm tổn hại đến lợi ích lâu dài của đất nước cũng như không làm tổn thương các nghệ sĩ và gây sự bất bình không đáng có trong dư luận xã hội.
Báo chí thông tin cần có tinh thần phản biện
+ Anh có đồng tình với ý kiến nếu báo chí không mạnh dạn đề cập, cứ thuận theo thông tin các nhà quản lý thì rất dễ rơi vào chuyện chèn ép nghệ thuật, ấu trĩ về nghệ thuật tiếp tục được tiếp diễn?
- Tôi nghĩ báo chí đều cần theo thông tin thời sự, nhưng cần có tinh thần phản biện. Như việc xử phạt công dân VN ra nước ngoài thi sắc đẹp mà không xin phép Cục NTBD, tôi nghĩ bên cạnh đưa tin thời sự, vẫn cần có sự phản biện để dần thay đổi cách quản lý “xin - cho” này. Tương tự với việc cấp phép phổ biến những bài hát trước năm 1975, bên cạnh việc tuyên truyền khi có những bài hát mới được cấp phép phổ biến, thì cũng cần chỉ ra những bất cập của việc cấp phép này để cơ quan quản lý sớm sửa đổi.
+ Sau loạt bài “Phải ứng xử công bằng với ca khúc xưa”… anh nhận được sự phản hồi riêng từ cơ quan quản lý, đồng nghiệp, bè bạn…?
- Sau mỗi tin bài đăng trên báo, tôi đều chú ý theo dõi những trạng thái của dư luận thể hiện trên mạng xã hội cũng như trong phần bình luận sau mỗi bản tin. Sáng ngày 15/4, khi làm bản tin “Con đường xưa em đi và bốn ca khúc khác được hát trở lại”, trong thâm tâm tôi thực sự nhiều cảm xúc. Khi được biết tin này, rất nhiều người cũng vui mừng. Điều vui nhất, theo tôi có lẽ là tiếng nói đấu tranh của báo chí, công luận đã có kết quả.
Riêng với loạt bài “Phải ứng xử công bằng với ca khúc xưa” trên báo Tuổi Trẻ, thì đây là sự cố gắng của nhiều người, trong đó có quan điểm chỉ đạo của Toà soạn, Ban Văn nghệ cũng như các anh chị em khác.
Trong các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh những quan điểm như của Cục NTBD, cũng có nhiều tiếng nói đồng tình với quan điểm của loạt bài trên Tuổi Trẻ là cần ứng xử công bằng với các ca khúc sáng tác trước năm 1975. Còn độc giả thì luôn ủng hộ tiếng nói đấu tranh của chúng tôi trong loạt bài này. Tôi nghĩ mọi người đều tạm hài lòng với việc 5 ca khúc được “trả tự do”. Tất nhiên với báo chí thì còn phải tiếp tục đấu tranh để thay đổi quy định cấp phép phổ biến các ca khúc sáng tác trước năm 1975 sao cho công bằng, nhân văn và phù hợp với tinh thần hoà hợp, hoà giải dân tộc.
Hằng Nga (Thực hiện)