Tự chủ bệnh viện: Nhiều “nút thắt” chờ tháo gỡ!

Thứ năm, 04/06/2020 10:10 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việc tự chủ bệnh viện tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đang tồn tại nhiều bất cập trong đó có chính sách chi trả BHYT đang hạn chế sự phát triển của nhiều cơ sở y tế như nguồn thu không đủ chi, đời sống của y - bác sĩ ít được cải thiện, chất lượng khám chữa bệnh không được nâng cao.

Khó khăn bộn bề, bất cập bủa vây

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, tự chủ trong y tế là một chủ trương lớn, đúng đắn, tạo điều kiện cho ngành y tế phát triển, “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập thoát khỏi cảnh trông chờ, ỷ lại vào Ngân sách Nhà nước (NSNN). Qua đó, từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Hiện các tuyến bệnh viện Trung ương, bệnh viện ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã tự chủ được. Đời sống đội ngũ y bác sĩ được ổn định, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy… đang được giao tự chủ toàn phần là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, tại các địa phương  như miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc… việc tự chủ còn gặp nhiều khó khăn. Các bệnh viện cấp tỉnh, huyện nhiều nơi còn khặp khó khi chưa có nguồn để chi trả cho đội ngũ y - bác sĩ. Kéo theo đó là chuyên môn bệnh viện không phát triển như kỳ vọng.

Tự chủ bệnh viện phải đặt quyền lợi khám chữa bệnh của bệnh nhân lên hàng đầu.

Tự chủ bệnh viện phải đặt quyền lợi khám chữa bệnh của bệnh nhân lên hàng đầu.

Tại tỉnh Quảng Trị, chia sẻ với phóng viên Báo NB&CL, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế cho biết, khi thực hiện tự chủ thì chỉ có bệnh viện tỉnh là phát triển còn lại các bệnh viện khác đang gặp khó khăn. Tự chủ là một chính sách lớn tuy nhiên khi đi vào thực tiễn còn nhiều bất cập. Ví dụ như, tự chủ tại các trung tâm y tế cấp huyện, thị xã lại vướng vào hệ y tế dự phòng, dân số. Vì đây là lĩnh vực đòi hỏi phải được ngân sách chi trả hoàn toàn. Do đó, “rất khó tự chủ - nói đúng là chẳng bao giờ tự chủ được”.

Một “nút thắt” níu kéo chính sách tự chủ bệnh viện là chính sách liên quan đến BHYT. Đến nay, tại Quảng Trị, có nhiều khoản chi khám chữa bệnh cho bệnh nhân từ năm 2018 vẫn chưa được bảo hiểm thanh toán. Các quy định máy móc liên quan đến bảo BHYT đang gây khó cho các bệnh viện. Tại các tỉnh như Quảng Trị, người khám dịch vụ ít vì đại bộ phận dân còn nghèo. Trong khi nguồn dự toán giao cho các bệnh viện không thay đổi, thậm chí cắt xén nên chỉ còn trông chờ vào nguồn thu từ khám chữa bệnh BHYT. “Nếu cơ chế bảo hiểm đàng hoàng thì đỡ nhưng hiện nay “không đàng hoàng”. Có gì đó mang tính đặc quyền, đặc lợi” – ông Đỗ Văn Hùng nhấn mạnh.

Tại tỉnh Gia Lai, câu chuyện tự chủ cũng chẳng khá hơn, ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền - Phục hồi chức năng cho biết, do là bệnh viện đông y nên không tự chủ được như kỳ vọng. Hiện bệnh viện không có tiền để trả lương cho cán bộ y - bác sĩ và đang trông chờ vào sự can thiệp từ tỉnh trợ giúp. Bởi hiện nay cả nước có 50 Bệnh viện Y học Cổ truyền thì có 10 bệnh viện ở các thành phố lớn tồn tại được theo cơ chế tự chủ. Còn bệnh viện tuyến tỉnh rất khó khăn.

Câu chuyện bệnh viện tự chủ nhưng không đủ tiền trả lương cho đội ngũ y bác sĩ tồn tại nhiều tỉnh thành. Nhiều khoản chi khám chữa bệnh không được bảo hiểm chi trả đang xảy ra nhiều nơi. Tại tỉnh Đồng Nai cuối năm 2019, nhiều bệnh viện lâm vào tình trạng tương tự. Tự chủ nhưng đời sống của bác sĩ khó khăn khiến nhiều bác sĩ giỏi nghỉ việc ra đầu quân cho bệnh viện tư.

Bác sĩ K., từng làm việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai chia sẻ với phóng viên, việc thực hiện tự chủ hiện nay không tăng được thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ. Thu nhập của cán bộ y tế quá thấp nên không giữ được người giỏi. Đó cũng là lý do ông nghỉ việc ra bệnh viện tư công tác. Hiện mức lương của bác sĩ K. được trả 60 triệu đồng/tháng.

Trong chủ trương tự chủ bệnh viện, bác sĩ K. cho rằng cần thay đổi lại cách tính dự toán kinh phí chi trả BHYT. Theo bác sĩ K. cách tính hiện nay đang làm khó các bệnh viện. Điều này cũng gây thiệt thòi cho cả bệnh nhân khi không được tiếp cận với kỹ thuật cao, vì các bệnh viện nếu sử dụng cho bệnh nhân lại sợ bảo hiểm xuất toán.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, hầu hết các bác sĩ đều muốn hoạt động nghề nghiệp một cách chuyên nghiệp. Họ muốn được áp dụng những kỹ thuật mới vào công tác khám chữa bệnh, trong khi BHYT lại quy định cụ thể các kỹ thuật nào được chi trả, kỹ thuật nào không. Điều đó khiến nhiều bác sĩ chán nản vì không được làm nghề đúng như mong muốn. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ ra bệnh viện tư làm việc. Việc giao khoán BHYT cho các bệnh viện làm hạn chế, ngăn cản sự phát triển của nhiều bệnh viện. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm và làm ảnh hưởng đến chính sách bao phủ về bảo hiểm y tế.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao ngày càng cần thiết. Trong khi, để hạn chế vượt dự toán chi trả bảo hiểm y tế được giao, các bệnh viện sẽ lựa chọn những ca bệnh dễ, chi phí thấp để điều trị, những ca bệnh khó, chi phí cao được chuyển lên tuyến trên sẽ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, đồng thời không khuyến khích việc nâng cao trình độ chuyên môn của các bệnh viện tuyến huyện.

Đổi mới để giữ chân người tài, nâng cao chất lượng dịch vụ

Trước thực trạng, bệnh viện không đủ tiền chi trả cho cán bộ y tế, trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Nguyệt cho rằng, trước mắt cần có sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền. Khi giao tự chủ phải có tiền hỗ trợ từ ngân sách để đảm bảo bệnh viện vận hành bình thường và trả tiền lương cho cán bộ y tế. Còn các năm tiếp theo phải cơ cấu lại chỉ tiêu, định mức tự chủ của các bệnh viện cho phù hợp.

Về định mức bảo hiểm y tế, bà Nguyệt cho biết, về mặt yếu tố xã hội quy định cứng nhắc như vậy là không được hợp lý nhưng về mặt quản lý phải làm thế không thể làm khác. Nên chỉ còn biện pháp là căn cứ điều kiện thực tế khám chữa bệnh để điều chuyển từ chỗ thiếu sang chỗ thừa tránh trường hợp bệnh viện tổ chức khám chữa bệnh, bỏ tiền, bỏ kinh phí, bỏ chi phí chữa trị cho bệnh nhân nhưng không được thanh toán.

Đánh giá về thực trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công ra bệnh viện tư, bà Nguyệt thấy rằng là thực trạng buồn, xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Từ khi thực hiện tự chủ, các đơn vị hầu như chỉ đảm bảo được mức thu nhập cơ bản nhất còn đa số lâm vào tình trạng nợ lương vào các tháng cuối năm.

Hướng sắp tới nên có cơ chế tự chủ, giao thêm quyền cho các đơn vị y tế không chỉ chủ động về mặt chuyên môn mà còn tự chủ về tài chính. Các bệnh viện được quyền chi các khoản hỗ trợ thêm thu nhập cho các đối tượng nhân lực cao. Nếu không tự chủ được tài chính thì bệnh viện thật khó giữ chân các bác sĩ trong điều kiện y tế tư nhân phát triển. chảy máu chất xám từ bệnh viện công ra bệnh viện tư khó thay đổi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí lại cho rằng, nên xóa tình trạng quy định đăng ký khám chữa bệnh mà để người bệnh tự do lựa chọn bệnh viện khám bệnh. Khi đó, bệnh viện nào làm tốt sẽ thu hút được bệnh nhân và phát triển. Giai đoạn đầu sẽ gây khó khăn cho nhiều bệnh viện, nhưng sau đó sẽ là động lực để các bệnh viện phát triển.

Nhiều chuyên gia khác góp ý, để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính cần phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu của chưa đủ bảo đảm hoạt động thường xuyên. Cần thực hiện đúng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, nhất là tiền lương phải bảo đảm chi trả hợp lý cho cán bộ y tế.

Cần giao quyền tự chủ cho các Giám đốc bệnh viện trong việc chi trả tiền lương, thu nhập để có thể khuyến khích và giữ được các bác sĩ giỏi và các cán bộ có năng lực.

Trinh Phúc

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe