Từ “giữ lửa” đến “truyền lửa”

Thứ năm, 12/09/2019 10:13 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ba tập “GIỮ LỬA” của PGS, TS. Hồng Vinh với trên 1.400 trang sách ra mắt bạn đọc hàm chứa những vấn đề căn cốt như cổ vũ cho cái mới, cái tiến bộ; đấu tranh, phê phán, vạch trần cái xấu xa, lạc hậu cùng những luận điểm sai trái của bọn phản động mưu toan xóa bỏ Đảng và chế độ ta...

Bằng sự mẫn cảm và tư duy đổi mới, sự phát hiện, nắm bắt, thấu hiểu được tính cấp bách, đòi hỏi của cuộc sống và thời đại, nhà báo Hồng Vinh đã nâng niu, chăm chút, cổ vũ cho cái mới, cái tiến bộ; đấu tranh, phê phán, vạch trần cái xấu xa, lạc hậu cùng những luận điểm sai trái của bọn phản động mưu toan xóa bỏ Đảng và chế độ ta. Ba tập “GIỮ LỬA” với trên 1.400 trang sách ra mắt bạn đọc hàm chứa những vấn đề căn cốt nêu trên, đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng – văn hóa trong thời kỳ mới.

Nếu như “GIỮ LỬA” tập 1 chủ yếu tập trung về những vấn đề chính trị - xã hội, đề cập nhiều sự kiện nóng bỏng của đất nước, quốc tế đăng ở chuyên mục “Vấn đề tháng này” trên báo Nhân dân hàng tháng với những bài viết ngắn gọn, súc tích, nhưng ngồn ngộn thông tin, giữ bền ngọn lửa niềm tin trong lòng độc giả, thì “GIỮ LỬA” tập 2, tác giả dành khá nhiều chuyên luận, tiểu luận về báo chí, văn học nghệ thuật, trong cuộc đấu tranh giữ vững trận địa văn hóa, truyền thông.

Với cách nhìn, lập luận, phân tích, tổng hợp sắc sảo đầy sức thuyết phục, PGS, TS, Nhà báo Hồng Vinh đã giúp người đọc tiếp cận thông tin nhiều chiều của nhiều nhà khoa học và đưa ra những kiến giải sắc sảo, bày tỏ lập trường, chứng kiến kiên định của mình. Nối tiếp sự thành công đó, “GIỮ LỬA” tập 3 của PGS, TS. Hồng Vinh lại ra mắt bạn đọc tháng 8/2019. Với cách nhìn mới mẻ, đa dạng, đa chiều, sâu sắc, “GIỮ LỬA” tập 3 nêu bật những sự kiện chính trị, văn hóa nóng bỏng đang diễn ra trên đất nước và thế giới nhằm định hướng và bồi đắp niềm tin, nghị lực, sức chiến đấu cho con người.

Hành trình đến với tri thức, hiểu biết sâu rộng nhiều vấn đề xã hội, cuộc sống đối với nhà báo Hồng Vinh đâu được trải thảm đỏ, hoa hồng. Để đạt tới đỉnh cao tri thức, nhà báo Hồng Vinh phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt.

PGS.TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.

PGS.TS, Nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.

Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng tại thôn Lạc Đạo, xã Nam Chấn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, ông là con út trong gia đình bần nông với 7 người con. Nỗi vất vả, cơ cực của thân phận nhà nông nghèo khó không làm cho cậu bé Nguyễn Duy Lự (tức Hồng Vinh) ngã gục, trái lại ông đã vượt lên tất cả để trở thành một người con thành đạt nhất của dòng họ Nguyễn Duy. Thi đỗ vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng theo yêu cầu của trường, ông chuyển sang học khoa Lịch sử. Ra trường năm 1968, ông về công tác ở báo Đảng. Năm 1971 - 1972, ông là phóng viên chiến trường, có mặt ở những nơi bom đạn ác liệt trên các cung đường Trường Sơn và mặt trận Trị - Thiên đầy cam go, thử thách. Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về báo chí tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Ban chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô.

Là người cầm bút với sứ mệnh và trách nhiệm cao cả gánh trên vai, nhà báo Hồng Vinh luôn nỗ lực phấn đấu đổi mới mình và góp phần đổi mới đất nước. Tác giả luôn sáng suốt, tỉnh táo, khen, chê đúng mực, cẩn trọng, sâu lắng ẩn tàng trong từng con chữ. “GIỮ LỬA” tập 2, luận về “vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”, hoặc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, thiết nghĩ nói bao nhiêu cho đủ, bởi nó thuộc về quy luật muôn đời. Đạo đức xã hội là sợi dây xuyên suốt, xâu chuỗi các chủ đề thời cuộc. Song, nhìn bằng mắt mình, nghĩ bằng đầu mình và bằng chiêm nghiệm và trải nghiệm trường đời, nhà báo Hồng Vinh góp sức tìm ra chân lý, đề xuất cách xử lý thực trạng đang bộn bề hay, dở đan xen.

Luận về sứ mệnh, trách nhiệm và mối quan hệ giữa đạo đức xã hội với văn học nghệ thuật, tác giả viết: “Những chuẩn mực đạo đức không phải là một quan niệm nhất thành, bất biến, nó được hình thành, kế thừa, phát triển, và biến đổi theo quá trình lịch sử. Phản ánh đạo đức xã hội, đấu tranh chống cái ác, cái thấp hèn, bảo vệ cái cao thượng, cái tốt đẹp là nhiệm vụ tự thân của văn học, nghệ thuật. Và qua văn học, nghệ thuật, đạo đức được hun đúc, ý thức đẩy lùi cái ác được vun đắp, cổ vũ khát vọng hướng tới cái thiện, cái đẹp, thổi lửa tin yêu con người và cuộc sống”. Nhận định có sức khái quát ấy đâu phải ngồi nghĩ mà ra! Tôi thực sự tâm đắc với nhận xét của ai đó: Người sống lâu chưa chắc đã sống nhiều, nhưng sống nhiều nhất thiết phải từng trải, bao hàm cả việc đi nhiều về địa lý lẫn tư duy. Các chuyên luận của nhà báo Hồng Vinh đã toát lên những nhận định, kiến giải sâu sắc với những giải pháp về những vấn đề mà tác giả đề xuất: “Đạo đức và đạo đức xã hội với văn học, nghệ thuật luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, đã trở thành một nội dung cơ bản của văn học, nghệ thuật… là yếu tố trực tiếp tác động, hình thành nhân cách con người.” Kiến giải ấy thật chí lý, chí tình!

3 tập “Giữ lửa” của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh.

3 tập “Giữ lửa” của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh.

Trong “GIỮ LỬA” tập 2, dù là những bài viết ngắn gọn, súc tích hay là những chuyên luận dài hơi, bề thế, tác giả đều khái quát được vấn đề trọng tâm, gắn với sự kiện nổi bật của đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

“GIỮ LỬA” tập 3 đã thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng về ý chí, về tình yêu Tổ quốc, niềm khát khao cháy bỏng làm cho đất nước mạnh giàu, giữ vững thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh để lại.

Tập sách gồm 2 phần: Phần 1 có 57 bài viết của nhà báo Hồng Vinh với nhiều thể loại khác nhau, phần 2 là những bài viết của nhiều tác giả về tiểu luận, bình thơ của Hồng Vinh. Cuối sách là phụ lục gồm những bài thơ của tác giả đã được phổ nhạc. Trong 57 bài ở phần 1, có hơn 30 bài đăng báo Nhân dân hàng tháng, đã nêu bật trách nhiệm công dân, sống với lý tưởng cao đẹp, tình cảm nồng ấm với cách mạng, sức sống, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, những thành quả của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thế mạnh của “GIỮ LỬA” tập 3 là thông tin kịp thời, chính xác, toàn diện và có chiều sâu, có khả năng bao quát cuộc sống, phản ánh từ những sự kiện trọng đại, đến nét sinh hoạt đời thường trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những bài báo của Hồng Vinh theo sát diễn biến của đời sống, nhạy bén với những sự kiện mới mẻ trong dòng thời sự, có khả năng phát hiện hướng vận động của hiện thực. Những tác phẩm đó góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ, khích lệ những nhân tố mới, đấu tranh chống tiêu cực, mang đến cho nhân dân niềm tin vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Những bài bút ký “Hình ảnh Bác Hồ trên đất nước hoa hồng”, “Những miệt vườn thấm đẫm nhân văn”, “Tung cánh hòa bình”, “Ngân mãi tiếng chuông hòa bình”, “Ký ức và khát vọng” đã tái hiện con người và sự vật một cách phong phú, sinh động; qua đó biểu hiện trực tiếp khuynh hướng của tác giả vừa mang màu sắc trữ tình, vừa truyền đạt thông tin, vừa phản ánh thực tiễn cuộc sống.

Với tư cách là người truyền đạt thông tin đến công chúng, PGS, TS, Nhà báo Hồng Vinh luôn tìm tòi những hình thức mới mẻ để vượt qua “cái khung” của lối văn thông tấn, mà vẫn đảm bảo được tính xác thực, tính thời sự của nội dung phản ánh. Nhờ những bài bút ký chính luận đó, với hình thức kết cấu tương đối co giãn, bút pháp đa dạng; đặc biệt là sự xuất hiện của cái tôi trần thuật, đã giúp tác giả truyền đạt thông tin một cách phong phú, hấp dẫn so với các thể loại báo chí khác. PGS, TS, Nhà báo Hồng Vinh đã nghiên cứu rất sâu sắc về văn hóa, lịch sử, địa lý… của xứ sở hoa hồng trong sáng, ấm áp, mộng mơ, là cơ sở vững chắc để ông viết bài bút ký “Hình ảnh Bác Hồ trên đất nước hoa hồng”. Qua bài báo, Hồng Vinh có sức liên tưởng dồi dào với lối hành văn mượt mà, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái chất trữ tình và trí tuệ, giữa nghị luận sắc bén và niềm suy tư đa chiều, chính vì vậy mà ông đã đưa đến cho người đọc những trang bút ký tuyệt vời có giá trị sâu sắc đến thế! Nó giúp ta hiểu được vì sao khi thế giới có bao sự đổi thay, Bác Hồ vẫn luôn được cả nhân loại tôn kính và ngưỡng vọng. Bác Hồ như một biểu tượng cao cả của nhân đạo, chính nghĩa, của hòa bình, một mẫu người cộng sản hài hòa giữa yêu nước và quốc tế, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, kết hợp hài hòa trí tuệ phương Đông và phương Tây. Ta hiểu vì sao nhân dân Bungari đón Bác như một vị anh hùng huyền thoại của một dân tộc vĩ đại. Mặt khác, trong tâm khảm người dân Bungari, hình ảnh Bác Hồ khiêm tốn, giản dị, cởi mở, chân thành mà giàu lòng nhân ái luôn sống mãi!

Năm tháng qua đi, thời cuộc đổi thay, song hình ảnh của Tổng Bí thư Đỗ Mười; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên; nhà báo Quang Đạm; giáo sư Nguyễn Đức Bình; giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Hữu Dật… dưới ngòi bút của Hồng Vinh hiện lên thật đẹp. Họ luôn lấy “dĩ công vi thượng” làm phương châm sống, nhờ thế mà trong mọi tình huống, họ hành xử bình tĩnh, sáng suốt, đầy chất nhân văn. Những trang viết của Hồng Vinh về họ chân thành, thân thiết, bình dị nhưng đủ sức lay động lòng người. Chính sự trải nghiệm, quan sát và tiếp xúc với nhân vật bằng sự chân thành lẫn con mắt tinh tường, sắc sảo của người làm báo, Hồng Vinh đã chắt được những chi tiết đắt giá, đầy ắp trí thức, vừa gần gũi, chân thật, chạm đến trái tim người đọc. Tôi thực sự xúc động khi tác giả viết về người thầy kính yêu Phan Hữu Dật: “Tôi rưng rưng khi đọc những vần thơ của thầy nói về mái trường đã nuôi dưỡng khát vọng, chắp cánh ước mơ cho chàng trai xuất thân từ gia đình “nghèo rớt mồng tơi”, bữa bữa chỉ có cơm độn sắn, khoai và canh mướp đắng. Vì vậy hơn ai hết, thầy hiểu thấu cái đạo lý làm thầy”. Ở thế giới này, có lẽ một thời, người đời không để ý, hay cả chính thầy không để ý, không dễ có một vị giáo sư – chủ nhiệm khoa – hiệu trưởng, mà cái tình, cái nghĩa hòa quyện trong một người thầy bình dị, tinh tế, thấu cật nhân tình đến thế!

 Thiết nghĩ, giá trị lớn nhất ở “GIỮ LỬA” là tác giả chọn trúng vấn đề đang được dư luận quan tâm và luôn góp phần vào việc định hướng công tác tư tưởng của Đảng. Chọn trúng vấn đề, tác giả lại có cách thể hiện vấn đề giản dị, hấp dẫn, trình bày có lý, có tình để bạn đọc đồng cảm với mình, từ đó mà chuyển tải, truyền sức nóng lý tưởng của mình. Nhà báo Hồng Vinh đã phân tích, lập luận dựa trên những chứng cứ, tư liệu xác thực, có độ tin cậy cao nên sức hấp dẫn, thuyết phục lớn. Trên cơ sở đó, tác giả đã truyền lửa tin yêu, niềm hy vọng đến với nhân dân ta vững tin theo Đảng, vượt lên thử thách để xây dựng đất nước mạnh giàu.

Qua những trang viết của tác giả trong “GIỮ LỬA”, ta thấy lửa tiềm ẩn trong từng đối tượng, từ đề tài tác giả lựa chọn, đến quá trình suy nghĩ, tìm tòi, phản ánh. Chọn những đề tài, sự việc, đối tượng… mà bản thân nó là lửa, tác giả đã nhóm lửa, khơi lửa, rồi truyền lửa, làm cho lửa trong tâm, trong tầm nhìn, lửa tư tưởng… sáng bừng lên từng trang viết. Sự hiện diện không bao giờ tắt của ngọn lửa niềm tin yêu Đảng, vào đất nước này, lửa hy vọng, lửa lạc quan mà tác giả truyền đến cho công chúng trong “GIỮ LỬA” là minh chứng cho sức sống Việt Nam bất diệt, dù phải trải qua thăng trầm biến cố, trải qua mưa nắng dãi dầu, trải qua cuộc sống hiện đại náo nhiệt, vội vã, xô bồ…, ngọn lửa ấy vẫn đầy sức lan toả.

Với bản lĩnh của nhà báo cách mạng từng giữ trọng trách lớn trong  công tác tư tưởng, văn hoá, ông đã sống trung thực, chân thành, nhân hậu, thẳng thắn, thấu hiểu, sẻ chia bằng niềm vui bình dị, tươi nguyên lý tưởng và truyền niềm lạc quan, yêu cuộc sống cho người, cho đời. Chúng ta nể trọng sức đọc, sức đi, sức viết của ông với bầu nhiệt huyết không cạn vơi theo năm tháng – cội nguồn làm nên ngọn lửa và sự truyền lửa đối với người đọc cùng chung tình yêu và lòng tự hào về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Tin khác

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

Hoa sơn tra đua nhau bung nở giữa núi rừng Tây Bắc

(CLO) Cánh rừng sơn tra ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang đua nhau bung nở rực sáng khắp các bản làng. Từ thung lũng đến triền núi đều được bao phủ một lớp màu trắng muốt như điểm tô thêm bức tranh đa sắc màu của miền núi rừng Tây Bắc.

Đời sống văn hóa
Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

Đặc sắc Chương trình biểu diễn dân gian Holi của người Ấn Độ tại Hà Nam

(CLO) Tối 28/3, tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ qua Chương trình biểu diễn dân gian Holi.

Đời sống văn hóa
Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

Hàng nghìn người tham dự lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn

(CLO) Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng diễn ra tại chùa Quán Thế Âm trong 4 ngày từ 26 đến 29/3.

Đời sống văn hóa
Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

Tôn vinh những cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sỹ TP Hồ Chí Minh

(CLO) Tối 28/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Lễ tôn vinh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2024”.

Đời sống văn hóa
Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

Dàn nhạc Trẻ Thế giới lần đầu biểu diễn tại Việt Nam

(CLO) Dàn nhạc Trẻ Thế giới và Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ đem đến cho khán giả Thủ đô nhiều tác phẩm khí nhạc kinh điển, đỉnh cao.

Đời sống văn hóa