Từ Khoa Báo chí – đến Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Thứ hai, 29/10/2018 11:34 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 31/5/1990, Ngành Đào tạo cán bộ báo chí được mở tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày 29/6/1990, Khoa Báo chí Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, tháng 4/2008, ĐHQG Hà Nội quyết định đổi thành Khoa Báo chí và Truyền thông.

Ngày 18/7/2018, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH& NV), ĐHQG Hà Nội, ký Quyết định thành lập Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trên cơ sở các nguồn lực hiện có, bao gồm: Khoa báo chí Và Truyền thông, Trung tâm nghiệp vụ báo chí và truyền thông.          

Báo Công luận
 
Sau 28 năm xây dựng và phát triển, năm học 2018 – 2019, Khoa Báo chí và Truyền thông (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) đang đào tạo khóa thứ 28 ( K 63). Kể từ đó đến nay, Viện đã đào tạo và cung cấp cho xã hội 17.860 cử nhân thuộc các hệ: Chính quy, Vừa làm vừa học (VLVH), văn bằng 2, Liên thông, 450 Thạc sĩ, 05 Tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện. Hiện nay Viện đang đào tạo 600 sinh viên với 86 lớp môn học sinh viên hệ chính quy tại Hà Nội. Năm học 2017- 2018 có 53 sinh viên ngành Báo chí và 12 sinh viên ngành Quan hệ Công chúng được xét tốt nghiệp trước một học kỳ, 6 lớp hệ VLVH, có 2 lớp học ghép VLVH 4 năm và VB2; 150 học viên cao học, 25 Nghiên cứu sinh. Số sinh viên tốt nghiệp của Viện ra trường đang làm việc trong các cơ quan báo chí truyền thông, như Báo in, Phát thanh, Truyền hình, Báo điện tử, các trung tâm truyền thông của các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan văn hóa… từ Trung ương đến các địa phương trong cả nước.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp hòa nhập cộng đồng làng báo, phát huy được tính năng động, sáng tạo, tự chủ, hoạt động có hiệu quả. Nhiều sinh viên hiện nay đang giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở Viện, tại các cơ quan báo chí (Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐHKHXH& NV HN, Tổng biên tập, Tổng thư ký, thư ký tòa soạn, trưởng ban, phó ban tại các Đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương…); đã có 90 giải thưởng báo chí toàn quốc và 168 giải thưởng các cấp, ngành, Hội Nhà báo.

Sứ mệnh của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông:

- Có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực báo chí –truyền thông tại Việt Nam; cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Là một trong những trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước; đầu mối chuyên nghiệp, chủ đạo trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí và truyền thông với nhiều cơ quan, tổ chức báo chí nước ngoài.

- Tạo môi trường thuận lợi để sáng tạo, nuôi dưỡng, phát triển tài năng, ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới trong lĩnh vực báo chí, truyền thông hiện đại.

Trong khoảng thời gian đó, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn viện đã kiên trì xây dựng và phát triển Khoa – Viện thành một đơn vị lớn trong Trường và trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu báo chí hàng đầu trong cả nước. Để nâng cao chất lượng trong giảng dạy, nghiên cứu, Viện luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ. Đến nay Viện có 21 cán bộ, viên chức (trong đó có 18 cán bộ giảng dạy, có 4 PGS, 13 TS, 5 NCS, 100% cán bộ giảng dạy đều có trình độ từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ. Phần đông các thầy, cô giáo đã có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy, đội ngũ cán bộ trẻ đều được đào tạo cơ bản ở nước ngoài và trong nước còn trẻ và rất năng động. Viện còn có 40 nhà báo, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm đang hoạt động tại các cơ quan truyền thông đại chúng, các cơ quan Đảng và Nhà nước quản lý về báo chí, truyền thông thường xuyên hợp tác giảng dạy và đào tạo báo chí.

Một trong những khâu quan trọng hàng đầu mà Viện luôn quan tâm xây dựng là chương trình và giáo trình, tài liệu, bài giảng của tất cả các môn học. Đến nay, Viện đã xây dựng xong chương trình đào tạo hệ Chính quy theo phương thức tín chỉ, cho hệ VLVH, VB2, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Trong đó có 50 môn học và hệ thống chuyên đề, chuyên ngành, tỷ lệ dành cho các môn học về báo chí, chiếm hai phần ba tổng số giờ học.

Năm 2012, Viện mở ngành Quan hệ Công chúng (PR) tại Khoa và tuyển sinh khóa 1 từ năm học 2013, với 50 sinh viên tốt nghiệp đầu tiên năm 2017.

Viện đã xây dựng các chương trình mới như: Chương trình Báo chí chất lượng cao, Chương trình thạc sĩ Kinh tế báo chí truyền thông (liên kết với Đại học Kinh tế), Chương trình Thạc sĩ Quản trị báo chí truyền thông, điều chỉnh chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ Báo chí học.

Báo Công luận
Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2015.
Khoa đã biên soạn 15 giáo trình chuyên ngành, 20 đầu sách chuyên khảo, dịch và biên tập hàng trăm tài liệu báo chí nước ngoài, hàng trăm bài báo khoa học trên các báo, tạp chí, hội thảo trong nước và quốc tế. Các giáo trình của các môn cơ sở chuyên ngành cũng được xuất bản trong thời gian qua như: Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, các thể loại báo chí (Tin thông tấn, Chính luận, Chính luận nghệ thuật), Báo chí Truyền hình, Các loại hình báo chí truyền thông, Lý luận báo chí truyền thông, Phương pháp biên tập sách báo, Báo chí phương Tây, Báo chí các nước ASEAN, Quan hệ công chúng lý luận và thực tiễn, Ngôn ngữ báo chí, Phê bình tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo chí… Các sách chuyên khảo, tham khảo như: Báo chí Việt Nam thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 đến nay, Báo in Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới tiếp cận dưới góc độ báo chí học và khoa học chính trị, Tìm hiểu  kinh tế truyền hình, Một số vấn đề về kinh tế báo in, Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập, Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa. Đặc biệt bộ sách : Báo chí – những vấn đề lý luận và thực tiễn đã ra được 9 tập là công trình nghiên cứu của các thầy, cô giáo trong Khoa, các nhà khoa học, các nhà báo, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông có uy tín tham gia viết bài. Mỗi tập có từ 400 đến 500 trang lần lượt ra đời phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Bộ sách Thời gian và Nhân chứng gồm 3 tập được NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành đã gây được tiếng vang lớn trong giới truyền thông và dư luận xã hội.

Khoa đã thiết lập được nhiều mối quan hệ với các trường, viện, trung tâm đào tạo báo chí nước ngoài như: Học viện Truyền thông Ấn Độ, Thụy Điển, Đại học Báo chí Lille (Cộng hòa Pháp), Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Phòng Văn hóa của các đại sứ quán Mỹ, Pháp , Anh Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Nga… để trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ đào tạo báo chí và truyền thông. Khoa còn hợp tác quốc tế với các Quỹ nước ngoài như: Toyota foundation, Media Pro, Fulbright…; tiến hành liên kết đào tạo quốc tế theo hình thức 2+2 với một số trường đại học của Trung Quốc.

Công tác nghiên cứu khoa học được Khoa – Viện thường xuyên quan tâm. Mỗi năm Khoa thường tổ chức từ 2 đến 3 hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, thông qua hoạt động này đã thu hút được nhiều lực lượng tham gia. Nhiều báo cáo khoa học có giá trị được gửi đi dự thi ở cấp Bộ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều đề tài đạt giải cao ở các cấp. Cán bộ Viện đang chủ trì  2 đề tài NCKH cấp Nhà nước, 1 đề tài Quỹ NAFOSTED, 01 đề tài cấp ĐHQG Hà Nội; nghiệm thu 01 đề tài cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều đề tài được nghiệm thu đạt chất lượng tốt được in thành sách chuyên khảo phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu.

Trong bối cảnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra một cách nhanh chóng, thực hiện chủ trương tự chủ đại học; đáp ứng yêu cầu về đào tạo, nghiên cứu báo chí, truyền thông cho cuộc cách mạng 4.0 và sự phát triển của đất nước (trong đó có Chiến lược phát triển hệ thống báo chí, truyền thông Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án quốc gia “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”. Thực hiện sứ mệnh tiên phong cao cả của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đối với đất nước là “… đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội  và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”. Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn coi trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và coi đó là điều kiện cốt lõi, chiến lược để xây dựng và phát triển Nhà trường đáp ứng nhu cầu kinh tế- xã hội trong sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Chức năng của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông:

1. Chức năng đào tạo: là cơ sở đào tạo cả 3 bậc cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ các ngành đào tạo liên quan đến báo chí và truyền thông; đào tạo liên kết quốc tế ở bậc đại học và sau đại học; đào tạo chất lượng cao theo định hướng xã hội hóa, đào tạo các hệ phi chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng kiến thức và các hình thức khác, theo quy định của pháp luật, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ĐHQGHN.

2. Chức năng nghiên cứu, tư vấn: là trung tâm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu báo chí và truyền thông của ĐHKHXH&NV; biên soạn tài liệu, thông tin khoa học về lĩnh vực báo chí truyền thông, phục vụ đào tạo, tư vấn cho các cơ quan Bộ- ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội.

3. Chức năng hợp tác quốc tế: Viện thực hiện các hoạt động hợp tác Quốc tế về Đào tạo, Nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, công nghệ trong lĩnh vực báo chí và truyền thông.

4. Chức năng hợp tác, phát triển dịch vụ: Phát triển ứng dụng, tư vấn khoa học và phát triển các dịch vụ, mô hình hợp tác trong nước, quốc tế về lĩnh vực báo chí và truyền thông.

PGS.TS Dương Xuân Sơn

(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)

Tin khác

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Lan toả văn hóa lịch sử Thăng Long - Hà Nội

(CLO) Chiều 28/3, tại Hà Nội, Báo Hànộimới phát động Cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 67 năm ngày Báo Hànộimới mới xuất bản số hàng ngày đầu tiên (24/10/1957-24/10/2024) và Kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần (2/4/1989-2/4/2024).

Nghề báo
Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

Bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công thương

(CLO) Ngày 28/3, Bộ Công thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương về việc bổ nhiệm nhà báo Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công thương.

Nghề báo
Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

(CLO) Ngày 28/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Nghề báo
Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

Trao giải cho 174 tác phẩm tại Giải báo chí “Hải Dương khát vọng, phát triển”

(CLO) Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), chiều 27/3, tại TP Hải Dương, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt, trao Giải báo chí "Hải Dương khát vọng, phát triển".

Nghề báo
Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư tại tỉnh Tuyên Quang

(CLO) Ngày 26/3, nhân kỷ niệm 93 Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư cho Trường Trung học Cơ sở Trung Yên, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề báo