Từ vụ việc tấm bia cổ Chùa Thổ Hà bị vỡ khi trùng tu: Cần tạo thêm dạng sống khác cho tư liệu gốc

Thứ năm, 23/09/2021 10:41 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Từ vụ việc tấm bia cổ Chùa Thổ Hà bị vỡ khi trùng tu, nhiều ý kiến cho rằng việc cần tạo thêm các dạng sống khác nhau cho tư liệu gốc có lẽ cần phải được ngành văn hóa chú trọng hơn nữa.

Vụ việc tấm bia cổ có niên đại từ năm 1679 của chùa Thổ Hà bị vỡ trong quá trình trùng tu chùa đã khiến dư luận bức xúc. Trước thực trạng này, nhiều người, trong đó có các nhà nghiên cứu đã lên tiếng khá gay gắt về việc bảo tồn di sản. Trong đó việc cần tạo thêm các dạng sống khác nhau cho tư liệu gốc có lẽ cần phải được ngành văn hóa chú trọng hơn nữa.

Phương thức truyền thống

Bảo tồn hiện vật gốc, đi kèm với tu bổ, trùng tu khi xảy ra hư hỏng cần phải được xem là biện pháp ưu tiên số một khi ứng xử với di sản.

Nhìn ở một góc độ khác, hiện vật được cấu thành bởi vật chất và chắc chắn sẽ hư hỏng. Trong di tích cổ ở Việt Nam, có thể tạm chia thành hai loại hiện vật xét từ chức năng sử dụng: Hiện vật có mang văn tự và hiện vật không mang văn tự, cụ thể trong điều kiện ở Việt Nam thì hiện vật di tích chủ yếu mang văn tự Hán và Nôm. Ở đây xin điểm qua vài điểm về cách ứng xử với các hiện vật có văn tự Hán Nôm.

tu vu viec tam bia co chua tho ha bi vo khi trung tu can tao them dang song khac cho tu lieu goc hinh 1

Bia đã chùa Thổ Hà trước đây.

Văn tự hiểu đơn giản là công cụ để lan tỏa rộng rãi và lưu giữ lâu dài một nội dung thông tin nào đó. Tuy nhiên, nó cũng chịu giới hạn của vật liệu mang nó (mai rùa, giấy, đá, ngọc, vải, kim loại, gỗ...). Trong quá khứ, trước sự hư hỏng của vật liệu, người ta đã nghĩ ra nhiều cách để nối dài sự sống của nội dung văn tự:

1. Sử dụng các vật liệu bền vững để lưu giữ văn tự (viết nên đất rồi nung, khắc lên đá, khắc lên kim loại).

2. Sao chép nội dung văn tự sang các vật liệu khác để lưu trữ song song, hoặc lưu trữ các dạng vật liệu sau khi dạng trước hư hỏng.

3. Sử dụng các kho lưu trữ của Nhà nước để bảo quản tư liệu.

4. Cất giấu tài liệu ở nơi kín đáo bí mật (cất kinh điển trong tháp, hang núi, chôn trong đất...)

Việc phối hợp nhiều trong số các trường hợp kể trên để bảo quản và nối dài đời sống tư liệu diễn ra khá phổ biến. Ví dụ như ở Trung Quốc, sau khi có các văn bản giấy các kinh điển Phật giáo, từ đầu thế kỷ 7, người ta khắc văn bản lên đá tạo thành bộ Phòng Sơn thạch kinh để lưu giữ lâu dài, công việc này tới giữa thế kỷ 17 mới chính thức chấm dứt.

Đến giữa thế kỷ 20, Trung Quốc lại tổ chức in rập lại thạch kinh này, tạo ra một bản in bằng giấy để lưu trữ trong thư viện. Tới năm 2000, bản ảnh ấn bản rập của Phòng Sơn thạch kinh đã được xuất bản tại Trung Quốc.

Ở Việt Nam, từ thế kỷ 19 trở về trước cũng gặp phải các vấn đề hỏng mất với tư liệu chữ Hán như: sắc phong ở di tích bị mất, cháy; bia đá bị đập vỡ, bị mài mất hết chữ hoặc đục một phần nội dung; sách vở bị tiêu hủy... Cũng trong hành trình tồn tại và biến mất của tư liệu đó, người Việt cũng chép lại nội dung văn bia, sắc phong, sách in... để tạo ra một bản sao phục vụ cho công việc hành chính, lưu trữ hoặc học tập, thưởng lãm... Một cách vô tình hay có chủ đích, các bản sao này đều trở thành một dạng tồn tại khác của tư liệu.

Hiện nay, khi tìm hiểu các kho tư liệu Hán văn ở Việt Nam, có thể thấy một tình trạng không hiếm gặp là các bản sao vẫn đang duy trì được sự tồn tại của mình, trong khi tư liệu gốc đã bị phá hủy hoặc hư hỏng.

Đầu thế kỷ 20, Viện Viễn Đông bác cổ - EFEO đã tổ chức in rập hơn 2 vạn mặt thác bản văn bia ở Việt Nam. Từ năm 2005, ảnh chụp của lượng thác bản này đã được in thành bộ sách “Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm”. Sau khoảng một thế kỉ kể từ khi các bản rập được thực hiện, nhiều tấm bia trên thực địa đã biến mất hoặc bị hư hỏng, nhưng bản in rập của chúng vẫn được lưu trữ, đã được công bố, có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, quảng bá giới thiệu, hoặc sử dụng như một căn cứ để phục dựng hiện vật.

Thực tế như tấm bia chùa Thổ Hà, hiện tại chúng ta vẫn có hy vọng phục dựng lại một bản giống như nguyên bản vì bản in rập chính xác với tỷ lệ 1-1 hiện tại vẫn được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Một số phương thức hiện đại khác

Cùng với sự phát triển của khoa học, ngày nay chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều dạng sống khác nhau của tư liệu.

Trên phạm vi toàn cầu, người ta đã bắt đầu áp dụng rộng rãi các công nghệ chụp ảnh, số hóa 3D, công nghệ VR, công nghệ AR vào công việc tạo ra và lưu giữ bản sao của hiện vật, phục vụ nghiệp vụ bảo tàng. Một ví dụ ấn tượng cho sự  áp dụng công nghệ này là việc tái dựng hình ảnh bức tượng Phật cổ tại thung lũng Bamiyan (Afghanistan) bằng công nghệ 3D.

tu vu viec tam bia co chua tho ha bi vo khi trung tu can tao them dang song khac cho tu lieu goc hinh 2

Bia đá chùa Thổ Hà bị phá hỏng. Ảnh: Diễn đàn Chùa Việt.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, bên  cạnh các bản microfilm chụp tài liệu từ giữa thế kỷ 20, các thư viện đã chụp ảnh hoặc scan lại tài liệu với khối lượng lớn. Nhiều nhóm công nghệ đã thực hiện những dự án số hóa 3D lại các công trình kiến trúc tiêu biểu, tượng thờ, hiện vật khảo cổ, phục dựng và trải nghiệm các công trình kiến trúc tiêu biểu bằng công nghệ VR…

Nếu như trước đây bằng các công nghệ truyền thống, người ta chủ yếu chỉ lưu giữ được nội dung văn tự của một hiện vật, thì ngày nay người ta có thể lưu giữ và tái tạo cả hình ảnh, hình khối của hiện vật nhờ vào công nghệ, giúp con người có thể tiếp cận di sản trong cả môi trường ảo và thật. Những việc làm đó đã tạo ra những dạng sống khác nhau của cùng một tư liệu, giúp cho chúng có cơ hội tồn tại lâu dài hơn trước sự phá hủy tự nhiên.

Trong quá khứ và cả hiện tại, nhiều hiện vật như tấm bia chùa Thổ Hà đã và đang hư hỏng. Bên cạnh công tác bảo tồn để giữ gìn nguyên trạng tư liệu, xuất phát từ kinh nghiệm sao chép trong quá khứ và áp dụng công nghệ hiện đại, một công việc khác cần làm là tạo nhiều dạng sống khác cho cùng một tư liệu, để nó không rơi vào tình trạng biến mất hoàn toàn, dẫn tới không thể phục dựng, hoặc phục dựng bừa bãi khi tư liệu gốc không còn nữa.

 

Nguyễn Đình Hưng

Tin khác

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

Khảo cứu về lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam

(CLO) Chặng đường lịch sử 220 năm Quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập, thống nhất.

Đời sống văn hóa
Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

Khai hội truyền thống Đền Đô năm 2024

(CLO) Phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vừa mới tổ chức khai hội Đền Đô truyền thống Xuân Giáp Thìn - 2024, kỷ niệm 1014 năm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Giang: Trưng bày tư liệu, hiện vật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang vừa mới tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng tỉnh.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

Ninh Bình: Sẵn sàng cho triển lãm nhiếp ảnh về Di sản Tràng An

(CLO) Triển lãm nhiếp ảnh Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024) sẽ được tổ chức vào ngày mai (24/4). Hiện, các công việc chuẩn bị cho Triển lãm đã cơ bản hoàn tất.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình: Nhiều điểm mới trong Lễ hội Tràng An 2024

Ninh Bình: Nhiều điểm mới trong Lễ hội Tràng An 2024

(CLO) Ngày 23/4, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Ban Quản lý danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã tổ chức tổng duyệt chương trình khai mạc lễ hội Tràng An "Về miền di sản Tràng An 2024".

Đời sống văn hóa