Tước danh hiệu của hoa hậu, người đẹp nếu có sai phạm
(CLO) Tại hội nghị phổ biến Nghị định 144/2020/NĐ-CP ngày 9/4, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nghị định mới liên quan đến vấn đề thu hồi danh hiệu, giải thưởng ở các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước.
Cụ thể, trước đây, cơ quan quản lý chỉ nhắc nhở, đề nghị đơn vị tổ chức thu hồi danh hiệu nếu người thi sai phạm, chứ không có quyền hủy kết quả.
Theo ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, việc thu hồi danh hiệu cần được các đơn vị, cơ quan chức năng áp dụng đúng nội dung, điều khoản. Nếu không xác định rõ sai phạm thuộc về thí sinh hay ban tổ chức, quá trình thực hiện sẽ dễ dẫn đến sai sót.
Ngoài ra, nghị định 144 nêu rõ, các trường hợp bị xem là sai phạm như: kích động bạo lực, sử dụng trang phục, từ ngữ trái thuần phong mỹ tục... hoặc danh hiệu được trao trái với nội dung thông báo.

Năm 2018, Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu hủy kết quả Hoa hậu Đại dương 2017 của thí sinh Lê Âu Ngân Anh do cô từng phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng đơn vị tổ chức sau đó vẫn không thu hồi.
Trong trường hợp người sai phạm không bị đơn vị tổ chức thu hồi danh hiệu, cơ quan quản lý sẽ hủy kết quả cuộc thi sau 5 ngày, từ ngày có văn bản yêu cầu.
Trước đó, nhiều trường hợp người đẹp bị đề nghị thu hồi danh hiệu nhan sắc. Cụ thể, năm 2017, ban tổ chức Hoa khôi Du lịch tịch thu danh hiệu Á khôi của Nguyễn Thị Thành, sau khi cô bị phát hiện đã làm răng - trái với tiêu chí, thể lệ cuộc thi. Cô cũng mất quyền thi sắc đẹp tại Ai Cập. Năm 2018, Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu hủy kết quả Hoa hậu Đại dương 2017 của thí sinh Lê Âu Ngân Anh do cô từng phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng đơn vị tổ chức sau đó vẫn không thu hồi.
Trong hội nghị sáng 9/4, đại diện Cục cũng nhắc lại một số điều mới trong nghị định. Các ca khúc, tác phẩm sân khấu trước năm 1975, hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, được bỏ quy định cấp phép, tự do biểu diễn nếu không vi phạm pháp luật.
Nếu như trước đây, để đủ điều kiện được cấp phép đi thi quốc tế, thí sinh cần phải đạt thành thích top 3 (có danh hiệu) của một cuộc thi trong nước. Theo nghị định mới, người đẹp ra nước ngoài dự thi nhan sắc không phải xin phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đồng thời không cần có danh hiệu trong nước, chỉ cần đề nghị cơ quan nơi cư trú cấp văn bản xác nhận đi thi...
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết nghị định 144 ra đời nhằm giải quyết các vấn đề mà nghị định 79 chưa bao quát. Đồng thời, đây là bước đệm để hai, ba năm tới sẽ tổng kết và ra Luật biểu diễn nghệ thuật bao hàm diện rộng với các vấn đề chuyên sâu hơn.
PV