Tuyên Quang và Hà Giang, Bình Định và Gia Lai thống nhất đề án sáp nhập đơn vị hành chính
(CLO) Chiều 26/4, các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bình Định và Gia Lai đồng loạt tổ chức hội nghị bàn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Các đề án được thông qua nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, hình thành không gian phát triển mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các địa phương sau sáp nhập.

Tại Tuyên Quang, Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị thông qua Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và triển khai kế hoạch Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thống nhất thông qua nhiều đề án quan trọng, trong đó có Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Đề án hợp nhất đơn vị hành chính hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, Đề án sắp xếp cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng, Đề án hợp nhất Báo Tuyên Quang và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, cùng kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp.
Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp, Tuyên Quang còn 51 đơn vị hành chính (gồm 46 xã và 5 phường), giảm 86 đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng tỷ lệ giảm 62,77%. Các phương án cụ thể về tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, xử lý trụ sở và giải quyết chế độ, chính sách cũng được nêu rõ nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực.
Đặc biệt, dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang xác định việc nhập nguyên trạng diện tích và dân số hai tỉnh để thành lập tỉnh Tuyên Quang mới. Tỉnh này có diện tích tự nhiên 13.795,51 km², dân số hơn 1,86 triệu người, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Tuyên Quang hiện nay. Việc hợp nhất nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch tổ chức Đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định, phát huy dân chủ, đổi mới phương thức lãnh đạo, kiên quyết chống lãng phí, phô trương, hình thức.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga nhấn mạnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị khẩn trương quán triệt, triển khai sâu rộng các đề án, kế hoạch; bảo đảm sau sắp xếp, bộ máy chính quyền phải tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân.

Cùng ngày 26/4, tại Bình Định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Bình Định và Gia Lai cũng tổ chức Hội nghị triển khai chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo thống nhất, tỉnh Gia Lai mới sẽ có diện tích 21.576,53 km² (đạt 431,5% tiêu chuẩn), dân số hơn 3,5 triệu người (đạt 256% tiêu chuẩn) và 135 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 110 xã và 25 phường). Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Phương án tổ chức bộ máy xác định hợp nhất các cơ quan tham mưu, giúp việc có cùng chức năng, nhiệm vụ, giữ nguyên trạng một số đơn vị đặc thù; Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo địa phương của hai tỉnh sẽ được hợp nhất thành một cơ quan báo chí. Đối với UBND tỉnh Gia Lai mới, sẽ có 14 cơ quan chuyên môn, trong đó có Sở Ngoại vụ mới được tổ chức lại từ chức năng của hai tỉnh.
Hiện hai tỉnh có tổng số 17.228 cán bộ, công chức, viên chức sẽ tiếp tục làm việc. Sau khi sắp xếp, sẽ tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại bộ máy, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm theo yêu cầu của Trung ương. Trong đợt này, khoảng 1.276 người sẽ nghỉ theo chế độ, chính sách.
Đối với việc xử lý tài sản công, trụ sở làm việc dôi dư, lãnh đạo hai tỉnh cam kết quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực, đồng thời cân đối nguồn lực để đầu tư nâng cấp, phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính mới.
Việc sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính quy mô lớn lần này kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh của các địa phương.