Tuyển sinh Đại học 2021: Phân biệt ngành, chuyên ngành để tránh “bẫy” tuyển sinh

Thứ năm, 04/03/2021 09:43 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các chuyên gia khuyên thí sinh và phụ huynh nên tỉnh táo khi chọn ngành nghề theo học, đặc biệt cẩn thận tìm hiểu kỹ những tên ngành, chuyên ngành mới, lạ, “hot” đánh vào thị hiếu.

Khi các ngành học được marketing bằng những tên gọi mỹ miều

Để thu hút tuyển sinh nhiều trường đại học đã sử dụng các chiêu thức “bán hàng”, marketing bằng cách đặt những tên gọi mỹ miều, thời thượng tạo điểm nhấn cho các ngành nghề đào tạo trong khi bản chất các ngành học không thay đổi. Đơn cử như nhiều trường hay nhấn mạnh trong tuyển sinh như đào tạo quản trị khởi nghiệp; quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo; trí tuệ nhân tạo; thẩm định giá và quản lý tài sản; quản trị rủi ro tài chính...

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, em Nguyễn Thu Thủy (học sinh lớp 12 ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, khi đọc thông tin tuyển sinh của các trường đại học bản thân em không phân biệt được ngành, chuyên ngành. Nhiều khi em bị rối, mình không biết chọn ngành nghề nào phù hợp bởi những tên gọi rất lạ và mới. Bạn Trần Anh Tuấn ở Đống Đa, Hà Nội thì cho rằng, em thực sự ám ảnh bởi những chuyên ngành các trường mới mở như trí tuệ nhân tạo, quản trị bất động sản…

ảnh minh họa

Nói về việc nhiều trường đặt tên cho ngành cũ bằng mỹ từ đẹp để thu hút thí sinh, nhiều chuyên gia cho rằng thực chất  đó là câu chuyện “bình mới, rượu cũ” nhưng phụ huynh, thí sinh số đông không phân biệt được. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có trao đổi với thầy Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Theo ông Tùng: “Tuyển sinh như việc đi bán hàng, nhiều khi từ ngữ không thể hiện một cách đầy đủ những nội dung, ngành nghề các em sẽ học”.

Phân tích sâu thêm, thầy Lê Trường Tùng cho rằng, học sinh, phụ huynh cần phải hiểu rõ thế nào gọi là ngành, chuyên ngành. Ngành tức là sau này tốt nghiệp sẽ ghi trong văn bằng. Còn chuyên ngành chỉ học một vài tín chỉ. Ngành không phải các trường tự quyết được mà nằm trong danh mục mã ngành của quốc gia (cái này để giám sát và phục vụ cho công tác thống kê). Nếu không nắm được bản chất sẽ chọn sai.

Hiện nay, hằng năm các trường muốn tuyển sinh viên phải đáp ứng được các điều kiện của Nhà nước về trình độ, số lượng giảng viên, cơ sở vật chất. “Chuyện mở ngành không thể nói đùa. Ngành quản trị kinh doanh là có nhưng lý thuyết sẽ không có ngành quản trị kinh doanh bất động sản. Quản trị kinh doanh bất động sản chỉ là chuyên ngành. Do đó, trong bằng tốt nghiệp chỉ ghi cử nhân quản trị kinh doanh. Tên gọi bất động sản rất “hot” nên các trường thường nhấn mạnh trong khâu thông tin tuyển sinh để lôi kéo người học. Hiện phụ huynh, học sinh thường không phân biệt được thế nào là ngành, chuyên ngành. Nếu không cẩn thận sẽ tạo ra sự ngộ nhận tưởng một ngành mới” -  thầy Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Vị này lấy ví dụ: “Giống như ngành Tiếng Anh người ta nghĩ ra chuyên ngành Tiếng Anh báo chí. Nghe có từ báo chí nó oai nhưng cho đến khi cấp bằng thì lại là bằng cử nhân Tiếng Anh. Để tránh bị nhầm lẫn, phụ huynh, thí sinh hết sức tỉnh táo, cần tìm hiểu kỹ, nên tham vấn nhiều kênh để biết chính xác ngành mình sẽ theo học có đúng như quảng cáo hay không.

Thông thường chuyên ngành hẹp chỉ học vào các năm cuối và chỉ có một số môn khác biệt. Trong khi tuyển sinh nhiều trường lại nhấn mạnh chuyên ngành hẹp, gia cố ngành học bằng nhiều tên gọi rất kêu,“hot” nên người học không cẩn thận khi tốt nghiệp lại nhận cái bằng không giống mình tưởng tượng ban đầu. Nhiều người tưởng “trí tuệ nhân tạo” là một ngành mới nhưng thực tế đây là chuyên ngành của ngành công nghệ thông tin. Tức khi theo học sẽ được học công nghệ thông tin nhưng có đi sâu vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Bằng đại học không ghi kỹ sư trí tuệ nhân tạo mà ghi kỹ sư công nghệ thông tin. Phụ huynh, thí sinh phải hiểu chính xác như vậy”.

Do đó, theo ông Lê Trường Tùng, để tránh hiểu nhầm thí sinh, phụ huynh nên tra mã ngành trong tuyển sinh. Khi tra mã ngành tuyển sinh sẽ biết được đích xác mình theo học ngành nào. Thí sinh, phụ huynh phải tỉnh táo kiểm tra, tránh hiểu sai. “Mã ngành là mã quốc gia, các trường không phải muốn nghĩ ra cái nào thì nghĩ. Tra trên internet là biết tên gọi và mã ngành có đúng trùng khớp hay không” – thầy Lê Trường Tùng chia sẻ.

Nên chọn ngành nghề theo mục tiêu học tập

Trước khi bước vào đại học, nhiều bạn trẻ thường hay chọn ngành nghề theo thị hiếu, trào lưu. Đến khi nhận ra lựa chọn của mình sai lầm thì nhiều người phải bỏ học giữa chừng. Từng có nhiều bạn trẻ chọn nghề y đơn giản vì nghề đó điểm tuyển sinh đầu vào cao, đậu vào trường y sẽ oai hơn. Do đó, chọn nghề luôn đòi hỏi một sự tính toán không ngoan.

Thầy Lê Trường Tùng khuyên các thí sinh chọn ngành trước hết phải biết mục tiêu học tập của bản thân. Học để trở thành người nghiên cứu khoa học hay chỉ học để làm việc trong các ngành nghề nhất định. Các trường đại học cũng thường có định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Khi xác định được mục tiêu học tập lúc đó sẽ chọn trường, chọn ngành.

daihoc1

Cũng theo thầy Lê Trường Tùng, giá trị trường đại học mang lại ngoài đào tạo phải tạo môi trường để sinh viên được trải nghiệm cuộc sống. Một ngành học có nhiều trường đào tạo nhưng trường nào sinh viên được trải nghiệm nhiều nhất để có cơ hội rèn luyện, trải nghiệm cá nhân thì nên chọn. Cũng liên quan đến câu chuyện chọn nghề, thầy Chử Lương Luân - Khoa Công nghệ Sinh học, Hóa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Phenikaa cho rằng, các ngành nghề liên quan đến sức khỏe, nhu yếu phẩm, phát triển bền vững, môi trường… thì thời kỳ nào cũng quan trọng. Ngoài ra, trong thời kỳ cách mạng 4.0 nền tảng sẽ là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật số vì thế thí sinh nên lựa chọn. Hay các ngành nghề liên quan đến sản xuất vắc-xin, y dược, điều trị ung thư, truyền nhiễm… cũng sẽ là lựa chọn tốt.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy chọn ngành học không nên dựa theo cảm tính, thời thượng mà nên căn cứ vào hiểu biết về các ngành nghề mình muốn theo học. Tìm hiểu và tham vấn những người có kinh nghiệm để có được lựa chọn khôn ngoan.

Trinh Phúc

Tin khác

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục
Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh có 5 ngày để thử nghiệm đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

(CLO) Từ ngày 24 đến 28/4, học sinh lớp 12 trên cả nước thực hành thử nghiệm đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên hệ thống quản lý thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục
Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục
Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

(CLO) Theo lãnh đạo trường THCS Lạc Nghiệp (Lâm Đồng), nguyên nhân ban đầu dẫn tới việc nữ sinh bị bạn đánh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Giáo dục