Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

04/10/2019 19:15

(CLO) Chiều nay (4/10), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp BCĐ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Khoá IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tổ chức.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, trên cơ sở báo cáo tổng kết của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, kết quả nắm bắt thực tiễn qua các cuộc kiểm tra, tọa đàm, hội thảo cũng như tham vấn ý kiến trực tiếp của các chuyên gia, nhà khoa học, Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo đã xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. Dự thảo Báo cáo đã phản ánh toàn diện, chi tiết trên các khía cạnh cụ thể kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị trên thực tế từ công tác phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, chỉ đạo đến tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị tại các bộ, ngành, địa phương.

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận về tình hình triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tại các bộ, ngành, địa phương; cho ý kiến về dự thảo Báo cáo và dự thảo Kế hoạch tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW. 

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao Bộ Tư pháp trong công tác chuẩn bị, tham mưu và tổ chức triển khai các hoạt động phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW bám sát theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 98-KH/BCĐCT32 ngày 16/5/2019 của Ban Chỉ đạo.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại cuộc họp này. Cùng với đó, Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai các hoạt động theo Kế hoạch số 98 bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. 

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, muốn có Chỉ thị mới về công tác này phải phân tích, xem xét kỹ bối cảnh tình hình và yêu cầu mới của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay như thế nào khi tình hình KT-XH đất nước phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, ngày càng có nhiều hình thức truyền thông đa phương tiện mới đang được áp dụng, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại hỗ trợ cho truyền thông cũng như mặt trái của vấn đề này…

“Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật không phải là công việc riêng của ngành tư pháp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để công tác này ngày càng phát huy cao hơn nữa đến các tầng lớp nhân dân. Vì thế, việc tuyên truyền cần sử dụng các công cụ phương tiện của Nhà nước và xã hội, với lực lượng nòng cốt là ngành tư pháp, từ đó có các biện pháp tuyên truyền và phổ biến thực sự hiệu quả, phong phú, hiện đại sao cho đúng trọng tâm, trọng điểm, địa bàn, đối tượng gắn với giáo dục đào tạo cùng sự tham gia của thành phần với kế hoạch cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực như Toà án, Kiểm sát, Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư, các đoàn thể chính trị-xã hội để nhân dân nhận thức rõ hơn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền, bác bỏ các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phù hợp với lòng dân để ban hành chính sách, pháp luật”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

PV

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO