Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Bình giảm xuống còn 2,95%
(CLO) Trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Ninh Bình cũng đặc biệt quan tâm tới công tác giảm nghèo, công tác dân tộc. Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng huy động các nguồn lực để chăm lo, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tỉnh Ninh Bình có hơn 30.000 người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mường chiếm tới 96,7%) sinh sống. Nhằm tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy lợi thế, tiềm năng vươn lên hội nhập, 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển tương đối toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, trong 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều chương trình, dự án, kế hoạch như: Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025;

Đồng bào dân tộc Mường ở Nho Quan (Ninh Bình) gìn giữ và phát huy di sản cồng chiêng). Ảnh: Quỳnh Trâm.
Kế hoạch về việc phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cũng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng địa phương, từng dân tộc.
HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết quy định chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số như: Quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Hiện, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Ninh Bình có đường giao thông thuận lợi từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Với bản tính cần cù, chịu khó, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn gắn bó với quê hương, tích cực khai hoang, phục hóa những vùng đất khó, vươn lên giảm nghèo và làm giàu. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Ninh Bình đạt 63,96 triệu đồng/năm, tăng đáng kể so với những năm trước. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 60 triệu đồng/năm, cho thấy sự cải thiện rõ rệt về chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm xuống còn 2,95%, giảm đáng kể so với những năm trước đó.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, đầu tư vào hạ tầng, sản xuất, tỉnh Ninh Bình còn đặc biệt chú trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở ngày càng sôi động với nhiều câu lạc bộ, đội nhóm được thành lập và duy trì hiệu quả, như: Các câu lạc bộ múa Sạp, Cồng chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, hát giao duyên tiếng Mường… không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.
Những thành tựu đạt được trong công tác dân tộc của tỉnh Ninh Bình là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào đầu tư vào hạ tầng, sản xuất, cũng như sự nỗ lực vươn lên không ngừng của đồng bào.
Kết quả này tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Ninh Bình tiếp tục huy động các nguồn lực tập trung đầu tư, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực để đồng bào đầu tư vào hạ tầng, sản xuất phát triển, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.