Tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn có thể lên đến gần 5% vào cuối năm

22/07/2021 05:59

(CLO) Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực nợ xấu tiềm ẩn gia tăng đè nặng lên vai ngành Ngân hàng. Trong trường hợp kinh tế năm 2021 chậm phục hồi do tác động của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu được dự báo có thể lên đến gần 5% vào cuối năm.

noxau

Báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 mới đây của Chính phủ cho biết, với việc thực hiện Basel II, nợ xấu các ngân hàng tiếp tục được xử lý và kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức dưới 3%.

Tuy nhiên, trong năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ.

Đến cuối năm 2020, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD chiếm 3,81% so với tổng dư nợ cho vay và đầu tư, giảm so với mức 4,43% năm 2019 và 10,08% năm 2016.

Trong những tháng đầu năm 2021, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng tuy nhiên vẫn trong phạm vi mục tiêu đề ra. Ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78%-2% với mục tiêu đề ra là dưới 3%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) khoảng 2,91% - 3,15%, mục tiêu đề ra là dưới 5%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dự báo, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ước tính ở mức tương ứng là 1,54-1,91% và 3,43 - 3,84%.

Đáng chú ý, nếu tính thêm các khoản nợ không chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD dự báo ở mức 4,56% - 4,98%.

Báo cáo nhận định trong trường hợp kinh tế năm 2021 chậm phục hồi do tác động của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn theo dự báo ở mức khá cao, có thể lên đến gần 5% (trường hợp tính thêm các khoản nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01).

Cần “Luật hóa” nghị quyết 42 để tạo hành lang pháp lý xử lý nợ xấu

Với dự báo diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp trong năm 2021, thì áp lực nợ xấu tiềm ẩn gia tăng sẽ đè nặng lên vai các Ngân hàng. Trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia khuyến nghị các ngân hàng đặc biệt lưu tâm đến các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu khi được cơ cấu lại theo Thông tư 01.

Bên cạnh đó các chuyên gia của SSI cũng cho rằng nên cho phép các TCTD kéo dài việc thực hiện Thông tư 01 đến đầu năm 2022.

Theo các chuyên gia, để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu, ngoài việc theo dõi chặt diễn biến các khoản nợ, ngân hàng cũng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Đồng thời, các ngân hàng cũng nên xem xét lập một quỹ dự phòng rủi ro đủ lớn để xử lý các khoản nợ xấu trong tương lai.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, giới chuyên môn cũng khuyến nghị nên có những điều chỉnh về mặt hành lang pháp lý, cụ thể là có văn bản thay thế Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Bởi lẽ, Nghị quyết 42 đã triển khai được hơn 3 năm, tạo ra những dấu ấn rõ nét trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, đến nay toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong số đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, chiếm 66% tổng số nợ, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng.

Tuy nhiên, Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm (có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017), nên cần có văn bản thay thế khi hết hiệu lực.

Để đạt hiệu quả cao nhất, giới chuyên môn cho rằng, cần sớm luật hóa Nghị quyết 42 để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất trên cơ sở kế thừa những quy định tại Nghị quyết này, giúp tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ xấu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn có thể lên đến gần 5% vào cuối năm
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO