Quyết định ghi tên một người, cưỡng chế tài sản của người khác
Đó là trường hợp của ông Vũ Văn Cường, ở 126/4 khu phố Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ.
Vào 14/7/2015, Chủ tịch UBND quận 9 đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-UBND nhằm cưỡng chế thu hồi 5.227m2 đất (thuộc thửa 149, tờ bản đồ số 07, tài liệu 2003) của hộ bà Nguyễn Thị Lịch (ngụ 126/4 khu phố Giãn Dân) để giao cho Công ty A Sung làm dự án.
Thế nhưng, qua hai lần UBND quận 9 tổ chức thi hành cưỡng chế theo Quyết định 198, người bị cưỡng chế lại không phải bà Nguyễn Thị Lịch mà là Chi nhánh Công ty Tứ Cường (trên cùng thửa đất, cùng địa chỉ với hộ bà Lịch) do ông Vũ Văn Cường làm chủ.
Cụ thể, ngày 19/12/2016, UBND quận 9 tiến hành cưỡng chế phá dỡ 2 nhà xưởng của Chi nhánh Công ty Tứ Cường. Tiếp đó, ngày 13/11/2018, UBND quận 9 tiếp tục cưỡng chế phần nhà đất còn lại của ông Cường. UBND quận 9 không thể không biết rằng, ông Vũ Văn Cường mới là người chủ sử dụng hợp lệ 3.000/5.227m2 đất mà họ đã dùng Quyết định 198 để cưỡng chế.
Bởi, tại biên bản kiểm kê ngày 5/10/2005, Ban BTGPMB quận 9 đã xác định phần đất thuộc dự án của hộ ông Phan Như Hải (chồng bà Nguyễn Thị Lịch) phải giải tỏa có diện tích 5.227m2 (thuộc thửa số 149 tờ bản đồ số 07, tài liệu 2003) tại phường Long Thạnh Mỹ, trong đó có phần diện tích đất đã chuyển nhượng giấy tay cho ông Vũ Văn Cường.
Trước đó, vào 29/12/2000, ông Phan Như Hải đã chuyển nhượng 3.000m2 trong phần đất 5.227m2 cho ông Cường. Sau đó, ông Cường đã đăng ký và đã được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký số 4112007595 ngày 16/4/2002 cho xưởng mộc 2 của Chi nhánh Công ty Tứ Cường, tại địa chỉ 126/4, ấp Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9.
Tuy nhiên, khi UBND quận 9 ban hành quyết định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thu hồi phần đất 5.227m2 thì ông Vũ Văn Cường lại không được nhận, nên ông đã khiếu nại, yêu cầu UBND quận 9 bổ sung tên mình trong các quyết định về bồi thường, cưỡng chế và giải quyết khiếu nại. Ngày 26/7/2016, UBND quận 9 ra thông báo 1920/UBND-BBT bác yêu cầu của ông Cường. Vì vậy, ông Cường đã khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy văn bản số 1920 nói trên. Bản án hành chính sơ thẩm số 1201/2018/HC-ST ngày 31/8/2018 của TAND TP.HCM đã tuyên hủy Văn bản số 1920 của UBND quận 9. Sau phiên tòa sơ thẩm, cả ông Cường và UBND quận 9 cùng kháng cáo bản án và hiện TAND cấp cao tại TP.HCM đang thụ lý.
Động thái sau đó, UBND quận 9 đã “tạo điều kiện” để đại diện Công ty TNHH A Sung thương lượng cùng ông Cường về việc hỗ trợ tiền để ông tự nguyện giao 3.000m2 đất vào chiều tối 12/11/2018. Thương lượng bất thành, ngày 13/11/2018, UBND quận 9 tiếp tục thực hiện cưỡng chế nhà đất của ông Cường như nêu trên.
UBND quận 9 cưỡng chế nhầm đối với hộ ông Vũ Văn Cường
Cưỡng chế một người, đập nhà ba người?
Không chỉ trường hợp ông Vũ Văn Cường, mà tại dự án khu dân cư 7/5 còn ít nhất 03 hộ dân đã bị cưỡng chế nhà/vật kiến trúc có dấu hiệu cố ý làm trái, cần được làm rõ. Đó là trường hợp của các ông Nguyễn Văn Oai (126A khu phố Giãn Dân), Nguyễn Minh Dũng (126B khu phố Giãn Dân) và Nguyễn Văn Anh (53 đường số 5, khu phố Giãn Dân).
Theo đó, phần đất ông Nguyễn Văn Oai khiếu nại có nguồn gốc khai hoang từ 1976 bởi ông Nguyễn Bát. Năm 1980, ông Oai mua khoảng 5.000m2 đất từ ông Nguyễn Bát. Trong quá trình sử dụng, ông Oai đã khai phá thêm, nâng tổng diện tích sử dụng khoảng 10.400m2. Bên cạnh đó, ông Oai còn cho hai ông Nguyễn Minh Dũng và Nguyễn Văn Anh 1.983,7m2 để xây nhà, sinh sống ổn định, được cấp số nhà, có đồng hồ điện riêng,… Trên toàn bộ khu đất 10.400m2 có 5 căn nhà, 15 căn nhà trọ, 2 nhà xưởng kiên cố, gần 100 gốc mít, xoài đang cho trái.
Tuy nhiên, năm 2004, UBND TP.HCM “tạm giao” 32,4ha đất cho Công ty 7/5 (BCHQS tỉnh Lâm Đồng) để xây dựng khu dân cư, đã không xác định cụ thể số thửa, tờ bản đồ, ranh đất ngoài thực địa... Sau đó, khi Công ty 7/5 bị giải thể ngày 27/12/2014, bất ngờ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký Quyết định 2313/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 để giao 32,1ha đất trên cho Công ty TNHH A Sung không qua đấu giá.
Tiếp đó, ngày 14/7/2015, UBND quận 9 ra Quyết định 199/QĐ-UB để cưỡng chế 6.963,4m2 đối với ông Nguyễn Văn Oai. Nhưng đã cưỡng chế toàn bộ diện tích gia đình ông Oai đang cư trú (theo kê khai là 8.430,4m2) và cả diện tích 1.983,7m2 do ông Nguyễn Minh Dũng và ông Nguyễn Văn Anh sử dụng.
Theo ông Nguyễn Văn Oai, ngoài việc cưỡng chế 6.963,4m2 chưa xác định rõ mốc giới trên thực địa, UBND quận 9 còn cưỡng chế “lố” của ông hơn 1.400m2 đất, cưỡng chế ngoài phạm vi Quyết định 199 đối với hai hộ Nguyễn Minh Dũng và Nguyễn Văn Anh diện tích 1.983,7m2.
Cũng theo ông Oai, cơ quan chức năng cần xem xét dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái trong thực hiện cưỡng chế lấy đất cho doanh nghiệp đối với diện tích 10.400m2 do các hộ Nguyễn Thanh Oai, Nguyễn Minh Dũng và Nguyễn Văn Anh quản lý sử dụng. Bên cạnh đó, việc UBND quận 9 áp đặt giá bồi thường, hỗ trợ 105.000 đồng/m2, mỗi hộ tối đa chỉ được bồi thường 2.000m2, diện tích vượt không xem xét,… đề nghị cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra xác định mốc giới ngoài thực địa, trả lại đất cho dân và để người dân được thỏa thuận với chủ đầu tư nếu hai bên mong muốn.
Liên quan tới khu đất 32,1ha nói trên, ngày 16/11/2018, ông Vũ Văn Cường đã có đơn tố cáo hành vi cố ý làm trái của UBND quận 9 và khởi kiện UBND quận 9 ra tòa án, yêu cầu đòi bồi thường 2.850.000.000 đồng vì cưỡng chế nhà xưởng, tường rào,… của ông trái pháp luật.
Về các nội dung tố cáo, khởi kiện của ông Cường, Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: Người bị thiệt hại cần tố cáo hành vi của cán bộ không thực hiện đúng thủ tục pháp luật về đất và tài sản trên thực tế. Nếu sai phạm nghiêm trọng, có thể yêu cầu khởi tố hình sự hành vi sai phạm theo Điều 230 BLHS năm 2015 về “Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Kiên Giang