Biển Đông - Khát vọng hòa bình!

UNCLOS 1982 - “Hiến pháp của biển”

Thứ năm, 25/07/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Đó cũng là quan điểm lập trường của Việt Nam.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông từ lâu đã là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Với Việt Nam, là quan điểm nhất quán của việc tuân thủ chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế. Từ số báo này, Trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận sẽ có loạt bài viết về những nỗ lực, quan điểm của Việt Nam, các nước trong và ngoài khu vực cũng như những cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới ủng hộ. Đó cũng là quan điểm lập trường của Việt Nam. Và trong nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn ở Biển Đông, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là UNCLOS 1982) được xem là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất.

9 năm cho một bản Công ước

Trên tiến trình phát triển của loài người, biển và đại dương luôn đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, con người ngày càng vươn rộng, vươn xa hơn tới các vùng biển và thềm lục địa để khai thác tài nguyên. Để phù hợp với xu hướng phát triển chung ấy, đồng thời duy trì an ninh, trật tự trên biển, bảo vệ lợi ích lâu dài của cộng đồng quốc tế, tránh  nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường biển, thế giới rất cần một cơ sở pháp lý đủ mạnh để “điều phối”  mọi hoạt động liên quan tới biển và đại dương.

Nhận thức rất rõ đòi hỏi bức thiết ấy, từ rất sớm, đã xuất hiện các quy ước có tính quốc tế liên quan đến biển. Đến thế kỷ XIII, một số nguyên tắc về Luật Biển đã xuất hiện và phổ biến ở Bắc Âu, Địa Trung Hải. Vào thế kỷ XVII, Luật Biển bắt đầu được khái quát, tổng kết một cách có hệ thống.

Một trong những khóa họp bàn về ký kết Công ước Luật Biển tại LHQ.

Một trong những khóa họp bàn về ký kết Công ước Luật Biển tại LHQ.

Tới thế kỷ XX, Hội nghị quốc tế đầu tiên về Luật Biển được Hội Quốc liên triệu tập năm 1930 tại La Hay (Hà Lan) để bàn luận, xây dựng các quy định quốc tế về quy chế lãnh hải, chống cướp biển và các nguyên tắc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của biển. Do có nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia tham gia hội nghị về chiều rộng lãnh hải nên Hội nghị La Hay 1930 chưa đạt được kết quả cụ thể nào.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), Liên Hợp quốc được thành lập để giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và giải quyết các vấn đề quốc tế. Năm 1958, Liên Hợp quốc triệu tập Hội nghị lần thứ nhất về Luật Biển tại Genève (Thụy Sĩ).

Ngày 15/3/1960, Liên Hợp quốc tiếp tục triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ II tại Genève (Thụy Sĩ). Nhưng do có nhiều bất đồng nên hội nghị này đã không đạt được kết quả nào đáng kể. Cũng thời gian đó, Malta, một quốc gia ven biển nhỏ bé ở châu Âu, cụ thể là Đại sứ- Luật gia Arvid Pardo, đã khởi xướng đề nghị Liên Hợp quốc bảo trợ một Hội nghị quốc tế soạn thảo Công ước Luật Biển. Đề nghị này ngay lập tức nhận được nhiều sự hưởng ứng, tuy nhiên, để hàng trăm quốc gia với quá nhiều lợi ích riêng đạt được chung một thỏa thuận là điều không hề đơn giản. Năm 1973, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã được chính thức triệu tập. Tuy nhiên, trên thực tế, phải mất tới 9 năm đàm phán, với 11 khóa họp với sự tham gia của hàng trăm quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức phi chính phủ, tới tận ngày 30/4/1982, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 mới thông qua được Công ước mới về Luật Biển với 130 phiếu thuận, 04 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 02 nước không tham gia bỏ phiếu. Đến ngày 10/12/1982, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982), tên tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea, hay thường được gọi tắt là UNCLOS 1982, được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Montego Bay, Jamaica. Ngày 16/11/1994, 12 tháng kể từ ngày Guyana, quốc gia thứ 60 phê chuẩn công ước, Công ước Luật Biển 1982 chính thức có hiệu lực.

Cũng phải nói thêm rằng, quá trình soạn thảo Luật Biển cũng công phu không kém với 2 giai đoạn cơ bản là giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đàm phán trong hội nghị, xây dựng liên tục nhiều bản dự thảo Công ước, cho đến lễ ký kết Công ước diễn ra từ ngày 07/12/1982 đến ngày 10/12/1982 tại Montego Bay (Jamaica).

51708-istock

Văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ và quan trọng bậc nhất của LHQ

Sau Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển 1982 - UNCLOS 1982 - được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế đa phương đồ sộ và quan trọng bậc nhất (chỉ sau Hiến chương Liên Hiệp quốc)  kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều quốc gia ký kết và tham gia. UNCLOS 1982 bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật, trù định toàn bộ vấn đề liên quan đến các vùng biển của các quốc gia ven biển cũng như những vấn đề liên quan đến việc sử dụng, khai thác vùng biển quốc tế và đáy đại dương như: Quy chế pháp lý của tất cả các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; Chế độ pháp lý đối với biển cả và Vùng - di sản chung của loài người; các quy định hàng hải và hàng không; việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; Vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; việc giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; Quy chế hoạt động của cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Uỷ ban ranh giới ngoài thềm lục địa, tòa án Luật Biển quốc tế, hội nghị các quốc gia thành viên Công ước …

UNCLOS 1982 được xây dựng theo nguyên tắc “cả gói”, bao gồm tất cả mọi khía cạnh liên quan đến Luật Biển và được các quốc gia chấp nhận theo nguyên tắc “nhất trí” (consensus), không được phản đối, bảo lưu.

Hơn tất thảy, UNCLOS 1982 được ví như hiến pháp về biển của cộng đồng quốc tế bởi Công ước không chỉ bao gồm các điều khoản mang tính điều ước mà còn là văn bản pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán. UNCLOS 1982 bao hàm tất cả những nội dung quan trọng nhất trong luật pháp và thực tiễn quốc tế về biển và đại dương thế giới; trong đó quan trọng nhất là thống nhất phương pháp xác định phạm vi và chế độ pháp lý của các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước ven biển, quy định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của mọi quốc gia, có biển và không có biển, phát triển hay đang phát triển, trên nhiều lĩnh vực như an ninh, bảo vệ môi trường, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia.Công ước cũng định ra trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình...

Từ sự xuất hiện của UNCLOS 1982,  Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương đã được thành lập năm 1994, thực hiện chức năng tổ chức và kiểm soát các hoạt động dưới biển sâu ngoài vùng thuộc quyền tài phán quốc gia, nhằm điều hành việc khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên của biển. Tòa án Luật Biển quốc tế cũng đã được thành lập năm 1996 và có quyền lực để giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển phát sinh từ việc giải thích và áp dụng Công ước.

Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên cơ sở các quy định của công ước và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam. Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngày 21/6/2012, Việt Nam đã ban hành Luật Biển nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác, bảo quản các vùng biển, thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam với các nước láng giềng tại một văn bản có giá trị hiệu lực cao.

Hà Anh

Tin khác

Zimbabwe đói kém vì mùa màng khô héo do El Nino

Zimbabwe đói kém vì mùa màng khô héo do El Nino

(CLO) Zimbabwe chìm trong khủng hoảng kể từ năm 2000 khi cựu Tổng thống Robert Mugabe tịch thu các trang trại thuộc sở hữu của người da trắng, làm gián đoạn sản xuất và dẫn đến sản lượng giảm mạnh, khiến nhiều người dân Zimbabwe phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực để sinh tồn.

Thế giới 24h
Các tay súng lại bắt cóc 87 dân làng ở phía bắc Nigeria

Các tay súng lại bắt cóc 87 dân làng ở phía bắc Nigeria

(CLO) Cảnh sát cho biết hôm thứ Hai (18/3) rằng một băng đảng có vũ trang đã bắt cóc ít nhất 87 người từ một ngôi làng ở bang Kaduna của Nigeria.

Thế giới 24h
Ông Vladimir Putin được chào đón và chúc mừng sau khi tái đắc cử Tổng thống Nga

Ông Vladimir Putin được chào đón và chúc mừng sau khi tái đắc cử Tổng thống Nga

(CLO) Tổng thống Vladimir Putin đã được chào đón trong một sự kiện tại Quảng trường Đỏ ở Moscow một ngày sau khi thắng bầu cử Nga, qua đó sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa.

Thế giới 24h
Ông Kim Jong Un giám sát cuộc tập trận với bệ phóng tên lửa 'siêu lớn' của Triều Tiên

Ông Kim Jong Un giám sát cuộc tập trận với bệ phóng tên lửa 'siêu lớn' của Triều Tiên

(CLO) Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát cuộc tập trận của các đơn vị pháo binh ở phía tây nước này liên quan đến nhiều bệ phóng tên lửa "siêu lớn", theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết vào thứ Ba (19/3).

Thế giới 24h
Hết tiền viện trợ, Lầu Năm Góc muốn các đồng minh cam kết với Ukraine

Hết tiền viện trợ, Lầu Năm Góc muốn các đồng minh cam kết với Ukraine

(CLO) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm thứ Ba (19/3) sẽ cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine, ngay cả khi chính quyền Mỹ về cơ bản đã hết tiền để tiếp tục vũ trang cho Kiev.

Thế giới 24h