Đời sống văn hóa

UNESCO xem xét hồ sơ Di sản thế giới đối với Quần thể di tích Yên Tử

Thế Vũ 12/07/2025 10:33

(CLO) Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đang xem xét hồ sơ Di sản thế giới Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam.

Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO) đang diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp).

Kỳ họp lần này sẽ tập trung vào việc đánh giá các hồ sơ đề cử di sản thế giới năm 2025, trong đó có hồ sơ liên tỉnh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử) của Việt Nam.

1chadong2.jpg
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử nằm trong vùng địa lý của dãy núi Yên Tử ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Ảnh: TL

Việc khởi động đề cử Yên Tử trở thành Di sản Thế giới đã được bắt đầu từ năm 2013. Các cơ quan và địa phương liên quan đã liên tục phối hợp với ICOMOS (tổ chức tư vấn cho UNESCO về Di sản Thế giới) để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ suốt nhiều năm qua. Tháng 1/2024, hồ sơ chính thức đã được gửi đến Trung tâm Di sản UNESCO.

Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử lựa chọn 20 cụm/điểm di tích trong tổng số hơn 200 di tích trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (cũ), Hải Dương (cũ) đưa vào Di sản đề cử.

Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử nằm trong vùng địa lý của dãy núi Yên Tử ở khu vực Đông Bắc, là vùng danh sơn linh kiệt trong tâm thức của người Việt.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử gồm 5 khu di tích: Di tích danh thắng Yên Tử, di tích nhà Trần Đông Triều, Côn Sơn Kiếp Bạc, di tích chiến thắng Bạch Đằng, quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, 3 di tích khác cũng nằm trong danh sách đề cử là chùa Bồ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Thanh Mai.

Nhìn tổng thể, khu di sản đề cử nằm trong vùng cánh cung Đông Triều với độ cao trung bình trên 600m, đỉnh cao nhất là ngọn núi Yên Tử có độ cao 1.068m so với mực nước biển. Cánh cung Đông Triều được xem là "phên dậu" phía Đông Bắc của Việt Nam. Vùng núi này không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên mà còn là quê hương của Vương triều nhà Trần trong lịch sử, là "Đất tổ Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam".

Năm 1299, Trần Nhân Tông đã chính thức thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn đạo với đời. Ông được coi là vị Sư tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng.

Kế tục sự nghiệp của ông là Sư tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn giả. Cả ba vị được gọi là Trúc Lâm Tam tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong các thế kỷ XIII và XIV.

Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng. Quần thể kiến trúc này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, trải dài hàng chục km tạo thành Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

1chadong1.jpg
Chùa Đồng Yên Tử được đặt ở vị trí cao nhất với 1068m so với mực nước biển. Ảnh: TP

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là nơi hình thành, ra đời và phát triển của Trung tâm Phật giáo Thiền Tông thuần Việt, do người Việt trực tiếp sáng lập ra. Là nơi hội tụ của các công trình kiến trúc cổ kính do các tăng, ni, Phật tử và triều đình phong kiến của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn kế tiếp nhau xây dựng, tu bổ và tôn tạo.

Những công trình này đã phản ánh khá rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        UNESCO xem xét hồ sơ Di sản thế giới đối với Quần thể di tích Yên Tử
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO