Ứng dụng căn cước công dân trong đào tạo, sát hạch lái xe toàn trình
(CLO) Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị để triển khai giải pháp ứng dụng căn cước công dân trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe toàn trình từ đăng ký học, theo dõi quá trình học đến lúc thi cấp bằng.
Liên quan đến kiến nghị khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến và tại cơ sở cấp đổi GPLX trực tiếp, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường bộ khẩn trương rà soát, khắc phục các vướng mắc.

Ứng dụng căn cước công dân trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe toàn trình từ đăng ký học, theo dõi quá trình học đến lúc thi cấp bằng. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, hỗ trợ, giải đáp kịp thời các vướng mắc, phục vụ người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX.
Cục Đường bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ cho các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022 và đã tiếp thu ý kiến của các Sở GTVT để điều chỉnh phần mềm theo quy định mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký sử dụng dịch vụ từ ngày 18/10/2023.
Hiện nay đã tiếp nhận thành công gần 140.000 hồ sơ, trung bình ngày nhận 1.000 hồ sơ. Đặc biệt có ngày đã tiếp nhận thành công 1.500 hồ sơ.
Về giải quyết thủ tục cấp đổi GPLX trực tiếp, thời gian qua để giảm bớt việc công dân phải xếp hàng hoặc chờ đợi làm thủ tục đổi GPLX, một số Sở GTVT đã chủ động mở thêm điểm tiếp nhận giải quyết thủ tục cấp đổi GPLX tại địa phương.
Đồng thời cử các cán bộ tại điểm cấp đổi để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục và hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục đổi GPLX trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, đến nay đã kết nối được hơn 33/34 triệu GPLX với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tính trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa có khoảng cách đến trung tâm thành phố khoảng 300km, mỗi hồ sơ cấp đổi GPLX thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700 nghìn đồng.
Trong năm qua, nhờ đổi GPLX trực tuyến đã tiết kiệm cho người dân và xã hội hơn 70 tỷ đồng. Năm 2024, Cục Đường bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu gấp đôi con số đã tiết kiệm được cho người dân trong năm qua với mục tiêu phấn đấu khoảng 140 tỷ đồng.
Thời gian tới, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai việc nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên ứng dụng VneID.
Cùng với đó phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ xác thực, cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch triển khai giải pháp ứng dụng căn cước công dân trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe toàn trình từ đăng ký học, theo dõi quá trình học đến lúc thi cấp bằng.