Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến.
Do vậy, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Hội nhập
Thực tế, hiện nay, DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể. Chính vì thế việc ứng dụng KHCN 4.0 trong lĩnh vực này sẽ giúp các DN, nhất là các DN xuất khẩu đáp ứng những yêu cầu về nguồn gốc được ký kết trong các hiệp định thương mại. Các chuyên gia cho rằng đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành yếu tố quan trọng trong quy trình sản xuất và phân phối thực phẩm trên thế giới. EU đã đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với thành viên của EU từ ngày 1/1/2015. Mỹ cũng đã ban hành Đạo luật hiện đại hóa An toàn thực phẩm, yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết thực phẩm và lưu trữ hồ sơ đối với nhóm thực phẩm gây ảnh hưởng cao đến sức khỏe người sử dụng...
Dễ dàng nhận thấy, trong cuộc chơi toàn cầu hóa, Việt Nam phải chấp nhận các quy tắc chung, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Hiện nhiều DN Việt Nam đã ứng dụng công nghệ vào việc truy xuất hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã ban hành một số chính sách về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ngày 18/5/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hợp nhất 01/VBHN – BNNPTNT 2018 truy xuất nguồn gốc thực phẩm bẩn trong đó định nghĩa “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh” và quy định rõ truy xuất nguồn gốc phải tuân thủ “Nguyên tắc truy xuất một bước trước - một bước sau”.
Khó khăn và thách thức
Truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới tại Việt Nam. Các DN sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù vậy, đối với các DNNVV thì việc thực hiện truy xuất nguồn gốc vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nhiều DN vẫn thực hiện việc ghi chép nguồn gốc hàng hóa bằng thủ công theo sổ sách.
Theo các chuyên gia, trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển thì việc ứng dụng công nghệ vào thực hiện truy xuất hàng hóa là xu hướng và các DN cần nắm bắt và ứng dụng. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp các DN nhanh chóng nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao niềm tin đối với sản phẩm của người tiêu dùng. Đồng thời, hàng hóa Việt Nam sẽ tạo được uy tín, niềm tin trên cả thị trường trong và ngoài nước.
Tổng Giám đốc COFIDEC - bà Đặng Thị Phương Ninh cho biết, là DN xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính đòi hỏi bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc hàng hóa như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Hiện công ty đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với 100% khách hàng nhập khẩu với sản lượng hơn 5.000 tấn các loại sản phẩm nông, thủy sản chế biến trong năm 2018.
Bà Đặng Thị Phương Ninh nhấn mạnh thêm: “Nếu trước đây DN áp dụng theo phương pháp thủ công hoặc những công nghệ cũ thì hiện nay DN đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến được nhiều nước phát triển áp dụng như công nghệ đám mây, blockchain kết hợp với các thiết bị phần cứng và chíp điều khiển. Việc ứng dụng các thành quả cách mạng 4.0 vào vấn đề truy xuất nguồn gốc nói riêng và mọi mặt của đời sống nói chung sẽ trở thành xu thế của thời đại”.
“Sự phát triển của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0) đã giúp cho việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa được cải cách mạnh mẽ. Bằng thuật toán và công nghệ thông tin, thế giới đã bắt đầu truy xuất nguồn gốc điện tử từ nhiều năm trước”, theo bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển.
Năm 2014 và 2015 tại Việt Nam, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đã phát minh sáng chế thành công “Quy trình xác thực chống hàng giả” trong đó vận dụng các thành tựu khoa học của QR–code và sự bùng nổ của các thiết bị Smartphone để trở thành giải pháp minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng hàng, marketing bán hàng và bảo vệ người tiêu dùng.
Từ phát minh này IDE đã tạo ra một công nghệ số 4.0 của người Việt Nam để thiết lập, lưu giữ, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa trên mạng internet. Kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QR-code và phần mềm ứng dụng trên smartpone.
Công nghệ của IDE không chỉ cho phép kết nối trực tiếp nhà quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng mà còn cho phép hiển thị thông tin truy xuất sản phẩm cả về chiều sâu và chiều rộng, đặc biệt còn cho phép xác thực lại thông tin truy xuất có chính xác hay không bằng cơ chế khóa linh hoạt cộng với các thuật toán bảo mật đã được bảo hộ độc quyền về sở hữu trí tuệ. Thiết lập một phương thức quản trị sản xuất 4.0 bằng việc số hóa tới từng sản phẩm hàng hóa, cập nhật nhật ký sản xuất, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam.
Có thể khẳng định, truy xuất nguồn gốc có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
P.V