Ứng dụng công nghệ thông tin giảm chi phí vận tải
(CLO) Ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu, hiện đại là những giải pháp để giảm thiểu chi phí vận tải, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.

Phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu, hiện đại; áp dụng công nghệ thông tin để giải pháp để giảm thiểu chi phí vận tải (Ảnh minh họa)
UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 250/KH-UBND về việc triển khai Đề án “Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp”.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án gồm quán triệt tới toàn thể các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với việc thực hiện Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ .
Đặc biệt, tập trung đầu tư các dự án, công trình về giao thông vận tải của thành phố đã được xác định trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại” giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch số 162/KH-UBND của UBND Thành phố.
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình đầu tư, nâng cấp cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc - Nam đoạn quan Hà Nội; rà soát quy hoạch và đầu tư hệ thống giao thông kết nối các tuyến đường bộ với các nhà ga đường sắt, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tham gia góp ý khi có yêu cầu đối với các quy định liên quan đến tạo thuận lợi vận tải và thương mại qua biên giới.
Các hiệp định song phương, đa phương về hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và vận tải đa phương thức trong khuôn khổ ASEAN, GMS; các quy định của pháp luật, các điều kiện về kinh doanh vận tải có yếu tố nước ngoài theo các hiệp định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Đồng thời nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức nhằm giảm giá thành vận chuyển, xây dựng, khuyến khích sản xuất, lưu thông hàng hóa và nâng cao công tác quản lý nhà nước.
Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; phát huy vai trò và hiệu quả của các hiệp hội chuyên ngành; tăng cường hợp tác quốc tế về giao thông vận tải; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Đề án sẽ chú trọng tuyên truyền tới các doanh nghiệp về chủ trương xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh để doanh nghiệp chủ động có phương án kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và chuỗi dịch vụ logistics.
Phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thế Anh