Ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trong xử lý các dự án tồn đọng kéo dài

08/04/2025 20:11

(CLO) Về xử lý các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở thỏa thuận, phân tích, đánh giá đảm bảo lợi ích các bên liên quan, hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trật tự xã hội. Ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng.

Kiện toàn tích hợp các Ban chỉ đạo có tính tương đồng

Theo Thông báo số 165/TB-VPCP ngày 8/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án (Ban Chỉ đạo 1568), Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 1568 phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Quyết định kiện toàn tích hợp các Ban chỉ đạo có tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thành một Ban chỉ đạo thống nhất do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban.

Trên cơ sở đó kiện toàn các thành viên Ban chỉ đạo gồm Bộ trưởng, Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Công Thương, và Lãnh đạo các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Lãnh đạo các cơ quan Trung ương: Quốc phòng, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao; khẩn trương hoàn thành và xây dựng quy chế làm việc của Ban chỉ đạo (sau khi kiện toàn).

uu tien ap dung cac bien phap ve kinh te dan su hanh chinh trong xu ly cac du an ton dong keo dai hinh 1

Ảnh minh họa

Về kế hoạch, phương hướng hoạt động của Ban chỉ đạo 1568 trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát, phân loại các nhóm vấn đề và dự kiến phân công các thành viên Ban chỉ đạo theo lĩnh vực quản lý nhà nước để nghiên cứu, đề xuất phương án, tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ đối với các dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/4/2025.

Xây dựng báo cáo của Đảng ủy Chính phủ về kết quả thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án để báo cáo Bộ Chính trị (thời hạn trước 15/6/2025 theo kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực).

Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ (nếu có) theo quan điểm, nguyên tắc nêu trên, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài

Cũng tại Thông báo kết luận, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn tại kéo dài tương tự như hệ thống đầu tư công để phân loại vướng mắc, nguyên nhân từ đó đưa ra giải pháp khả thi hiệu quả; cập nhật chia sẻ thông tin đến các Bộ ngành theo chức năng quản lý nhà nước để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, giải quyết. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương tổng hợp, phân loại các dự án do các bộ, ngành, cơ quan và địa phương báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025 về việc rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về việc không báo cáo, đề xuất đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu lựa chọn phương án xử lý tối ưu trên cơ sở thỏa thuận, phân tích, đánh giá đảm bảo lợi ích các bên liên quan, hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trật tự xã hội. Ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trước, xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng.

Đối với nhóm dự án đất đai, có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ vào chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 170/QH15/2025 ngày 1/4/2025 và số 171/QH15/2025 ngày 1/4/2025, tổng hợp, đề xuất danh mục các dự án có khó khăn vướng mắc tương tự, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đối với các dự án có khó khăn, vướng mắc còn lại chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và không áp dụng được cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án vướng mắc, khó khăn tương tự tại các Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 và số 171/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội thì nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội tháo gỡ vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu đối với nhóm các dự án có sai phạm trong quá trình triển khai khó thu hồi cần nghiên cứu giải pháp tháo gỡ xuất phát từ tình hình thực tế hiện trạng, không che dấu, bỏ sót, vụ lợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp; có thời hạn khắc phục khó khăn vướng mắc.

Đối với các dự án thuộc diện đang điều tra hoặc đã bị khởi tố, tiếp tục nghiên cứu xử lý, khắc phục trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bên liên quan, bảo đảm không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, khởi tố vụ án.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ưu tiên áp dụng các biện pháp về kinh tế, dân sự, hành chính trong xử lý các dự án tồn đọng kéo dài
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO