Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ về giải pháp quản lý xã hội

08/05/2019 18:21

(CLO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ hơn những mặt trái của đời sống xã hội hiện nay; làm rõ công tác quản lý xã hội hiện nay như thế nào, giải pháp tới đây ra sao…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Sáng ngày 8/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội kết quả năm 2018 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tiếp tục khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm tồn tại, hạn chế chủ yếu như công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Nguyên nhân do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc….

Thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng, nguyên nhân chủ quan của nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu của nền kinh tế, nhất là vấn đề mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế theo Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, còn yếu tố thiếu bền vững; cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công chậm; số lượng, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện, không đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018 và dự toán năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng, việc giảm bội chi ngân sách Nhà nước trong điều kiện nhu cầu chi còn lớn, nhiều nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước quan trọng, cấp bách phát sinh thì việc kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn so với dự toán đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước.

Về chi ngân sách địa phương, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ việc chấp hành giao dự toán các khoản chi được Trung ương giao cụ thể đối với một số lĩnh vực: giáo dục, khoa học công nghệ, sự nghiệp môi trường. Đây là những lĩnh vực chi đã được chú trọng ưu tiên bố trí theo các Nghị quyết của Trung ương và được cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Quốc hội hàng năm về dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương. Vì vậy, cần phải thực hiện ít nhất bằng mức chi đã được Quốc hội quyết định.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và nhấn mạnh, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và có giải pháp kịp thời đối với những vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm. Kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh đối ngoại. Hoạt động phòng, chống tham nhũng được tiến hành bài bản, chặt chẽ...

Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ hơn những mặt trái của đời sống xã hội hiện nay. Đó là tình trạng buôn bán, vận chuyển và sử dụng ma túy ngày càng có quy mô lớn hơn; công tác quản lý người nghiện ma túy. Tai nạn giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, nổi bật là tình trạng sử dụng ma túy, rượu, bia khi tham gia giao thông. Các vụ án giết người xảy ra cực kỳ nghiêm trọng; tình trạng xâm hại trẻ em… Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ công tác quản lý xã hội hiện nay như thế nào, giải pháp tới đây ra sao.

Liên quan đến giá điện, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động của việc tăng giá này đối với CPI, cũng như với kinh tế - xã hội. Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần giải thích giá các mặt hàng này vì sao tăng, lý giải về phương pháp tính giá điện theo bậc thang, vốn đang có nhiều bất cập. Việc chọn thời điểm tăng giá điện trong lúc nắng, nóng nhất, người dân dùng điện nhiều nhất đã hợp lý hay chưa…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khung và lộ trình tăng giá điện do Thủ tướng quyết định, đồng thời, giá điện cũng phải tuân theo cơ chế tính toán đã có. Do đó, cần xem lại điều hành giá điện có đúng như các quyết định này không và Chính phủ phải lên tiếng giải thích chứ không phải chỉ công bố lập đoàn thanh tra.

PV

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ về giải pháp quản lý xã hội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO