Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp: Tinh gọn bộ máy, củng cố đại đoàn kết
(CLO) Chiều 15/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 60-NQ/TW, thống nhất định hướng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và việc sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào hệ thống MTTQ Việt Nam. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là hết sức cấp thiết, nhằm tạo cơ sở Hiến định cho quá trình cải cách mạnh mẽ bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Dự thảo sửa đổi tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp 2013, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc hoàn thiện tổ chức MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng; đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: "Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; đa dạng hóa các hình thức để nhân dân đóng góp ý kiến, không hạn chế bất cứ hình thức nào; đảm bảo phát huy dân chủ, thực chất trong việc lấy ý kiến".
Theo ông Hoàng Công Thủy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng của toàn hệ thống chính trị, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học và hiệu quả. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây là dịp sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện trách nhiệm của toàn dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngay sau khi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ban hành Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 5/5/2025 về việc lấy ý kiến nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai Kế hoạch số 60/KH-MTTW-BTT và các hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống Mặt trận. Tính đến nay, các tổ chức thành viên và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã ban hành kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền và bắt đầu triển khai việc lấy ý kiến một cách phong phú, sáng tạo và thực chất.
Nội dung sửa đổi tập trung vào hai nhóm chính. Thứ nhất là các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84. Việc sửa Điều 9 nhằm khẳng định rõ vai trò trung tâm của MTTQ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức thành viên một cách tinh gọn, thống nhất với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình mới. Nguyên tắc hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên được làm rõ là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.

Điều 10 được sửa đổi, bổ sung để khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và người lao động, trực thuộc MTTQ Việt Nam, đồng thời là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quốc tế.
Khoản 1 Điều 84 được sửa theo hướng chỉ còn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các tổ chức thành viên không còn quyền này, nhằm đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với cơ cấu tổ chức sau sắp xếp.
Thứ hai là sửa đổi, bổ sung 5 điều trong Chương IX của Hiến pháp, liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương. Mục tiêu là từng bước thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện. Dự thảo cũng quy định cơ chế chuyển tiếp nhằm đảm bảo chính quyền địa phương vận hành ổn định, thông suốt trong giai đoạn thực hiện lộ trình sắp xếp hành chính.
Ông Hoàng Công Thủy cho biết, trong gần một tháng triển khai lấy ý kiến trong hệ thống, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ, trung thực, khách quan tất cả các góp ý để gửi Chính phủ làm căn cứ tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với nội dung dự thảo, đặc biệt là các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận và tổ chức thành viên tại Điều 9, Điều 10 và khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp hiện hành.