Vai trò của cộng đồng hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định thành công Chương trình 1719

22/12/2023 09:33

(CLO) Cộng đồng là đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình, cũng là đối tượng thụ hưởng. Do vậy, vai trò của cộng đồng hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định thành công của Chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được đi vào thực thi tại Thanh Sơn và bước đầu thu được những kết quả nhất định, thể hiện ở những mục tiêu, chỉ tiêu đạt kế hoạch đến 2025.

Cụ thể, tỷ lệ số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100% (hoàn thành so với kế hoạch giai đoạn);  Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường 100% (hoàn thành kế hoạch giai đoạn); Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường 100% (kế hoạch giai đoạn 99,2%) ; Tỷ lệ học sinh học trung học cơ sở trên 99% (kế hoạch 98,5); Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 96,5% (kế hoạch trên 96%); Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng 100% (đạt so với kế hoạch).

Các nguồn lực được tập trung để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được nâng lên;

Các phong tục, tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc được bảo tồn, phát huy; công tác quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN được nâng lên.

vai tro cua cong dong het suc quan trong la nhan to quyet dinh thanh cong chuong trinh 1719 hinh 1

PCT UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng kiểm tra kết quả thực hiện CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN tại huyện Thanh Sơn

Để hiểu hơn về sự nỗ lực của huyện Thanh Sơn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Phương Hoa - Trưởng phòng Dân tộc huyện Thanh Sơn.

+ Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình tại địa phương những năm qua?

-  Đỗ Thị Phương Hoa: Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền; sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động người dân trong thực hiện Chương trình; Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn được giao thực hiện dự án, tiểu dự án với chính quyền địa phương.

Vai trò của đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình các cấp. Đây là khâu then chốt, đảm bảo Chương trình được triển khai đúng, trúng địa bàn, đối tượng và mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Để làm tốt được điều đó, đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình các cấp cần nắm chắc chủ trương, quan điểm, đặc biệt là cơ chế hướng dẫn; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công tác để có thể áp dụng vào thực tiễn triển khai. Đồng thời, cán bộ cũng phải là người nắm địa bàn, hiểu phong tục tập quán, nếp nghĩ, cách làm việc của người dân để có cách thức triển khai Chương trình hiệu quả.

Vai trò giám sát của cộng đồng: Cộng đồng là đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình, cũng là đối tượng thụ hưởng. Do vậy, vai trò của cộng đồng hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định thành công của Chương trình.

+ Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xoá đói giảm nghèo, từ thực tiễn tại địa phương, đâu là điểm mấu chốt cần tập trung, thưa Bà?

- Bà Đỗ Thị Phương Hoa: Chúng tôi nhận thấy bên cạnh các nội dung hỗ trợ trực tiếp, đảm bảo cho bà con an cư, thì vấn đề tạo sinh kế ổn định lâu dài hết sức quan trọng. Do vậy, đối với đồng bào, cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, đó là hỗ trợ từ nhu cầu căn cơ đến các hình thức hỗ trợ để người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

+ Một trong những vướng mắc lớn cũng là hiện tượng đáng lo ngại mà nhiều địa phương cũng đang gặp phải là tư tưởng còn ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo của người dân một số vùng, thậm chí còn có hiện tượng không muốn thoát nghèo để được tiếp tục hưởng trợ cấp. Theo Bà, nguyên nhân của những tư tưởng này là do đâu? Địa phương đã có những chủ trương, giải pháp như thế nào để thay đổi nhận thức của người dân?

- Bà Đỗ Thị Phương Hoa: Nguyên nhân của tư tưởng ỷ lại, chưa muốn thoát nghèo chính là do nhận thức còn hạn chế và do thực tế cuộc sống dù có thoát nghèo thì cũng vẫn còn rất khó khăn. Vấn đề thoát nghèo bền vững là rất quan trọng.

Địa phương đã thực hiện giải pháp tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời chủ trương phát triển KTXH theo hướng tạo điều kiện tốt nhất cho người dân phát triển sản xuất theo hướng đi lâu dài, ổn định.

+ Trong câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, vai trò của truyền thông báo chí cũng rất quan trọng. Bà đánh giá như thế nào về công tác truyền thông chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương thời gian qua cũng như có những góp ý gì để công tác truyền thông báo chí ngày càng hiệu quả hơn?

- Bà Đỗ Thị Phương Hoa: Thực tế trong thời gian qua các cơ quan truyền thông đã vào cuộc mạnh mẽ, cùng với công tác tuyên truyền về nội dung chương trình, thì việc tuyên truyền nêu gương điển hình tiên tiến, những mô hình phát triển kinh tế được đẩy mạnh. Qua đó người dân nhận thấy trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình.

+ Xin cảm ơn bà!

Minh Thiên (Thực hiện)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vai trò của cộng đồng hết sức quan trọng, là nhân tố quyết định thành công Chương trình 1719
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO