Vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí – truyền thông thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh

25/07/2024 16:26

(CLO) Nhà báo Bùi Tiến Cường - Trưởng phòng Phóng viên CQTT Đài TNVN, khu vực Đông Bắc chia sẻ về những vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí – truyền thông thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh tại Tọa đàm khoa học với chủ đề “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới”, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 24/7, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nguyên tắc “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Trong bối cảnh hiện nay, giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng tiếp tục là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của báo chí truyền thông nước nhà. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cần phải có cách làm sáng tạo, phù hợp.

van de dat ra trong thuc tien phat trien bao chi truyen thong thoi ky doi moi theo tu tuong ho chi minh hinh 1

Các phóng viên trên địa bàn Quảng Ninh tác nghiệp. Ảnh: báo Quảng Ninh

Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí – truyền thông, những người làm công tác báo chí càng phải thay đổi để bắt nhịp với xu thế mới. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển với nhiều phương tiện truyền thông xã hội, mạng xã hội càng khiến cho đội ngũ làm công tác lĩnh vực này càng phải nâng cao chất lượng từ nội dung, hình thức cho tới công nghệ tiếp cận khán, thính, đọc giả.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao quan điểm: Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hòa bình thế giới. Có nghĩa: người dân luôn là chủ thể, là trung tâm, là đối tượng tiếp cận, thụ hưởng thông tin từ báo chí – truyền thông. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chí phải có tính chất quần chúng.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để người dân có thể tiếp cận được nhiều thông tin, trong đó lan tỏa được những điều tốt đẹp, phản ánh được “hơi thở cuộc sống” là nhiệm vụ của người cầm bút. Bởi, mỗi sáng thức dậy, khi cầm vào điện thoại, máy tính có hàng trăm nghìn các dòng tin xấu độc, u ám hiện ra…

Điều đó không thể giúp một xã hội tươi đẹp hơn mà chỉ làm mất đi năng lượng tích cực khi bắt đầu một ngày mới. Người cầm bút cũng phải có trách nhiệm của một công dân, nếu là Đảng viên thì còn là trách nhiệm của Đảng viên, cần phải dùng những bài viết của mình để đấu tranh với những luận điệu sai trái, có những phản biện xác đáng, minh chứng rõ ràng với những quan điểm đi ngược lại với lợi ích của dân tộc ta.

Vấn đề chắt lọc thông tin, lượng tin, loại bỏ thông tin “xấu, độc, tiêu cực” các nhà báo cũng cần phải cân nhắc khi đặt bút. Một số cơ quan báo chí coi việc thông tin nóng, “đặt title, câu like” là tiêu chí hàng đầu cho 1 sản phẩm báo chí. Thế nên, vô hình trung chúng ta đã đào tạo ra một số nhà báo, phóng viên “đếm tầng”, những phóng viên này nhìn đâu cũng thấy sai phạm, tiêu cực, đó dường như đã ăn sâu vào hệ tư tưởng nên rất gây phiền nhiễu cho cơ sở, địa phương. 

Trong khi đó, chúng ta đang dần thiếu những nhà báo, phóng viên lăn xả, say nghề, hướng tới “chân, thiện, mỹ”. Tại sao những gương điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo không được coi là nhiệm vụ “nóng” phải làm ngay tức khắc, phải đưa lên mặt báo, trang tin để kịp thời khích lệ, lan tỏa. Nếu người làm báo vẫn giữ tư duy như vậy, liệu báo chí đã thực sự phục vụ quần chúng.

Một vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí – truyền thông mà những người làm báo cũng cần phải suy ngẫm trong bối cảnh nước ta hòa nhập với thế giới. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế.

Điều đó cũng có nghĩa, càng hội nhập sâu, rộng thì báo chí càng mở ra với thế giới khi có nhiều tổ chức, hãng truyền thông tới Việt Nam. Bởi thế, báo chí cần phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đúng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh cách mạng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; giá trị nhận thức đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam luôn bị các thế lực bên ngoài nhòm ngó, chống phá…Vì thế, Báo chí – truyền thông, đặc biệt là những người làm báo trong nước phải thực sự tỉnh táo khi tiếp nhận những nguồn tin bên ngoài. Tuyệt đối không được để các thế lực bên ngoài lợi dụng rồi thực hiện các hành vi “bơm tin”; “tuồn tin” ra ngoài gây hỗn loạn thông tin trong nước; dùng các thông tin xấu độc để đăng tải tràn lan gây ảnh hưởng tới tâm lý, tư tưởng của nhân dân.

Bài học về sự sụp đổ của Liên Xô vẫn còn nguyên vẹn khi phương Tây sử dụng vũ khí tư tưởng để để kích động tâm lý bất mãn vào Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thời điểm đó, Gorbachev với tư cách Tổng bí thư đã mở toang cánh cửa để phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô là sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để thẩm thấu ý thức hệ. Đài BBC phát bằng 40 thứ tiếng, đài Sóng điện Đức bằng 35 thứ tiếng, các đài phát thanh này hằng ngày chĩa vào Liên Xô và các nước Đông Âu; tuyên truyền các thành tựu, giá trị của xã hội phương Tây.

Ngoài ra, việc “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ. Ngay sau khi Mikhail Gorbachov trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1985, Alexander Yakovlev – “điệp viên có ảnh hưởng” của Mỹ đã nhanh chóng được đề bạt làm Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương. Dưới sự tác động của ông ta, nhiều tờ báo có sức ảnh hưởng của Liên Xô đã tiến hành cải tổ, thay thế lãnh đạo. Từ lúc này đã tạo điều kiện cho truyền thông “trở mặt” và thao túng dư luận, nhằm thay đổi nhận thức, tư tưởng của mỗi người dân khiến tư tưởng, nhận thức của người dân bị lung lay.

Từ câu chuyện này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đúc kết: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay rằng: "Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết, có việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi nhưng chỉ cần 10 sứ giả là có thể hoàn thành; một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước; ngày nay làn sóng điện thay thế các thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người; 1 USD chi cho tuyên truyền thì có tác dụng ngang với 5 USD chi cho quốc phòng; kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là 4 đòn đột phá, 4 mũi xung kích chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”.

Bởi thế, tư tưởng đóng giữ vai trò quan trọng trong hành động, suy nghĩ, cách thể hiện tác phẩm trên các nền tảng của người làm báo. Nó còn thể hiện đạo đức của người làm báo, bản lĩnh kiên định, lập trường chính trị vững chắc, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; tư tưởng chính trị phải làm chủ trong cách nghĩ, cách làm. Có như vậy, nhà báo mới phản ánh đúng được bản chất của sự việc, ghi nhận lại được “hơi thở cuộc sống”.

Không chỉ riêng đội ngũ làm báo chí – truyền thông, các cơ quan chủ quản, đơn vị báo chí cũng phải có đường lối chính trị đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng đề cập đến vấn đề này khi nói Nhà báo chính là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng, cho nên phải không ngừng “trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đọc, nghe, xem của người dân ngày càng cao, có sự chọn lọc. Vì thế chất lượng của sản phẩm báo chí luôn được các tòa soạn đề cao cả ở mặt nội dung lẫn hình thức. Với xu hướng truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, các cơ quan báo chí luôn phải làm mới mình qua các sản phẩm để hướng tới công chúng.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng không nằm ngoài xu thế chung trong việc phát triển báo chí đa nền tảng. Hiện VOV có 8 kênh phát thanh, 2 tờ báo điện tử, 1 tờ báo giấy, 16 kênh truyền hình, 6 cơ quan thường trú trong nước, 13 cơ quan thường trú nước ngoài. Hiện VOV thông tin các sản phẩm báo chí trên các ứng dụng hiện đại như VOV Media, VOVlive và VTC Now. Các trang web, fanpage và các nền tảng số như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok cũng được các đơn vị trong Đài triển khai.

Với lịch sử 79 năm hình thành, phát triển, VOV là cơ quan báo chí tiên phong trong đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng trong thời đại bùng nổ các loại hình truyền thông mới. Các kênh phát thanh của Đài luôn chú trọng đổi mới các chương trình trên sóng; đầu tư xây dựng nhiều chương trình có tính tương tác với phương châm để phát thanh thực sự trở thành người bạn đồng hành của công chúng trong mọi hoàn cảnh. Ở các nền tảng báo điện tử, báo giấy, truyền hình…VOV cũng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, nội dung thể hiện, xây dựng các chương trình trên nền tảng trên mạng xã hội để tiếp cận gần hơn với công chúng.

Phát biểu tại Lễ khai mạc ngày Phát thanh thế giới 2023, Ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhấn mạnh về vai trò của phát thanh, đó là loại hình và là lực lượng truyền thông tiện lợi, đại chúng, thông tin về các sự kiện, vấn đề của xã hội quan tâm, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển xã hội. Trong những năm qua, Đài phát thanh Quốc gia luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Tiếng nói Việt Nam luôn tự hào là tiếng nói của lương tri đấu tranh cho khát vọng tự do, độc lập, chung tay xây dựng thế giới hòa bình. Những người làm báo phát thanh càng phải tự hào và nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong lan tỏa những giá trị nhân văn của loại hình báo chí có bề dày truyền thống này; qua đó thúc đẩy sự gắn kết, chia sẻ và đấu tranh chống lại bất công xã hội, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hướng tới một xã hội hòa bình và nhân ái.

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh là “kim chỉ nam” để những người làm báo cách mạng hướng tới. Đó là làm báo có trách nhiệm, vì công chúng, vì xã hội tốt đẹp, vì lương tri, lòng nhân ái và hướng tới một thế giới hòa bình, tươi đẹp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, báo chí cũng đứng trước những thách thức khi xuất hiện những nền tảng công nghệ xuyên biên giới. Không một loại hình báo chí nào có thể khẳng định tính ưu việt số 1, chi phối được công chúng, trong đó có cả phát thanh. Trước bối cảnh đó, VOV coi đó là cơ hội thay đổi để chinh phục công chúng bằng việc nắm bắt lợi thế của các loại truyền thông mới, nền tảng số, nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra, một yếu tố quyết định cho sự thành bại đó là việc đổi mới “Nội dung” của các chương trình. Nội dung chương trình đã nắm bắt được công chúng, tiếng nói của công chúng và nói được điều công chúng quan tâm.

Một trong các thế mạnh của VOV đó là các chương trình phát thanh tiếng dân tộc. Hiện VOV trực tiếp sản xuất, biên dịch, phát sóng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Trong đó, VOV Tây Bắc (tiếng H’mông, Dao, Thái…); VOV Tây Nguyên (Ê đê, Bana, Jarai, K’Ho, Xơ Đăng, M’Nông); VOV Miền Trung (Cơ tu); VOV TP Hồ Chí Minh (Chăm); VOV Đồng bằng sông Cửu Long (Khơ me) và VOV Đông Bắc (Tày – Nùng). Các chương trình phát thanh tiếng dân tộc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.

Ngoài ra, việc lan tỏa những nét đẹp văn hóa, sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào cũng được VOV quan tâm tuyên truyền nhằm khơi gợi những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào ta. Là chương trình phát thanh tiếng dân tộc được sản xuất, phát sóng 5 năm trở lại đây, chương trình tiếng phát thanh tiếng Tày – Nùng của VOV Đông Bắc được đồng bào đón nhận, các chuyên gia đánh giá cao về phương ngữ lựa chọn, nội dung thể hiện, giọng đọc gần gũi với thính giả. Nội dung của chương trình gần gũi với đồng bào, ngoài các phóng sự về văn hóa, đời sống, giới thiệu các mô hình kinh tế, gương điển hình…các phóng viên, biên tập viên còn lồng ghép các chương trình ca nhạc mang âm điệu “then, đàn tính, sli” phù hợp với văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày – Nùng.

Các chương trình đều mang tính chất khơi dậy, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào. Việc ứng dụng nền tảng số đối với chương trình phát thanh tiếng Tày – Nùng cũng được triển khai từ rất sớm, nhận được nhiều tương tác của thính giả trong cả nước.

Trong công tác tuyên tuyền tới đồng bào dân tộc miền núi, những giá trị lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên vẹn và trở thành nền tảng lý luận cho công tác tuyên truyền của Đảng, Nhà nước ta tới đồng bào miền núi.

Bác nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”.

Bác còn căn dặn: “tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi cho thích hợp. Bởi vì đời sống, trình độ của đồng bào Mèo và Thái khác nhau, cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác”. Với trách nhiệm của một cơ quan truyền thông, VOV là cánh tay nối dài thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc nâng cao nhận thức của đồng bào ở khu vực miền núi; lan tỏa những giá trị tốt đẹp, văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em; đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Sông Mây (Ghi)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí – truyền thông thời kỳ đổi mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO