Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông tại Quảng Ninh

25/07/2024 06:30

(CLO) Ngày 24/7, tại TP Hạ Long, Hội Nhà báo tỉnh và Học viện báo chí và tuyên truyền tổ chức Tọa đàm khoa học “Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí – truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới”. Nhà báo Nguyễn Thế Lãm – Giám đốc – Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có bài tham luận rất sâu sắc xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và Người cũng là một nhà báo cách mạng xuất sắc, người thầy vĩ đại của nền báo chí ấy. Tại Quảng Ninh, trong suốt chiều dài lịch sử đã chứng kiến nhiều dấu ấn đổi mới của báo chí vùng mỏ nhằm tìm tòi những hướng đi, những giải pháp để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh. Vận dụng và phát triển sáng tạo những quan điểm, tư tưởng của Người trong xây dựng nền báo chí cách mạng là vô cùng ý nghĩa nhằm không ngừng xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

van dung va phat trien sang tao tu tuong ho chi minh trong phat trien bao chi  truyen thong tai quang ninh hinh 1

Nhà báo Nguyễn Thế Lãm – Giám đốc – Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: báo Quảng Ninh

Vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí trong thực tiễn Quảng Ninh

Trong nhiều tác phẩm và nhiều lần phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm, nhận thức sâu sắc về vai trò to lớn của báo chí cách mạng. Người không chỉ trực tiếp viết báo, dùng báo chí làm diễn đàn tố cáo và tiến công địch, tuyên truyền cho cách mạng mà còn tự mình tổ chức ra những tờ báo cách mạng như: Người cùng khổ, báo Thanh niên, Công Nông… Sau này, trong thời kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi báo chí là một mặt trận và cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Bác luôn coi báo chí là phương tiện hiệu quả để vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả.

Ở vùng Mỏ được coi là “cái nôi của giai cấp công nhân”, nơi có phong trào công nhân phát triển mạnh. Từ rất sớm trong lịch sử cách mạng ở vùng than, những tiền bối cách mạng trong phong trào “vô sản hóa” đã đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí trong tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Cuối năm 1928, ngay trong ngày thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, những người cộng sản đầu tiên ở Vùng Mỏ đã quyết định xuất bản một tờ báo lấy tên là Báo Than, viết trên nửa trang giấy thếp học trò khổ nhỏ, phát hành trong công nhân mỏ để tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng. Với sự kiện xuất bản Báo Than, Quảng Ninh là một trong những địa phương sớm nhất có báo chí cách mạng, chỉ 3 năm sau khi Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta ra đời. Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng Báo Than thực sự là nguồn lửa cách mạng được những chiến sĩ yêu nước nhóm lên, tỏa sáng và trao truyền cho thế hệ sau. Sau báo Than, hàng loạt các tờ báo cách mạng, kháng chiến ở Khu Mỏ - Quảng Ninh ra đời.

Trong suốt các giai đoạn cách mạng, báo chí ở Quảng Ninh luôn được đảng bộ tỉnh chăm lo, để báo chí phát huy tốt nhất vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng. Và vì thế, báo chí Quảng Ninh cũng thường xuyên có những bước đi đổi mới, thể hiện sự tìm tòi, những cách làm mới nhằm thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Năm 1983, truyền hình Quảng Ninh cũng chính thức được phát sóng và Quảng Ninh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đầu tư xây dựng truyền hình.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt coi trọng vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh. Từ thực tiễn cùng với những trăn trở đổi mới, ngày 18/12/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1276-QĐ/TU, thực hiện hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử tổng hợp tỉnh Quảng Ninh (thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND - UBND tỉnh Quảng Ninh), Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh) thành cơ quan báo chí mới lấy tên là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh là một quyết sách chính trị mang tính đột phá của Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho ra đời mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, thực hiện hiệu quả mô hình “toà soạn hội tụ”, khai thác được sức mạnh của các loại hình báo chí; tiếp tục khẳng định tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, tiên phong của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời thể hiện rõ việc vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí tại địa phương.

Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết hiệu quả các vấn đề sau sáp nhập, hợp nhất (tổ chức bộ máy - con người - hoạt động chuyên môn…) và có những bước phát triển quan trọng, vượt bậc; đã và đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về phương thức vận hành, quản lý, quản trị, áp dụng tối đa công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung qua đó khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm tới hoạt động của các cơ quan báo chí trên địa bàn thể hiện rõ qua việc tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thường trú hoạt động tại địa phương. Hàng tháng, tỉnh đều tổ chức hội nghị giao ban báo chí và hàng tuần tổ chức hội nghị thông tin báo chí thường kỳ nhằm cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí…Nhờ vậy, báo chí Quảng Ninh đã ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo, tinh thần đổi mới của tỉnh Quảng Ninh.

Vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ của báo chí tại Quảng Ninh

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”.

van dung va phat trien sang tao tu tuong ho chi minh trong phat trien bao chi  truyen thong tai quang ninh hinh 2

Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tác nghiệp tại bão Yagi. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo Người, tuyên truyền, cổ động chính là chức năng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của báo chí, từ đó giúp “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua, báo chí Quảng Ninh đã trở thành một “binh chủng” quan trọng trên mặt trận tư tưởng, gắn mình vào thực tiễn sôi động của cuộc sống, thông tin, tuyên truyền đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn, sinh động quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh; công cuộc đổi mới diễn ra một cách mạnh mẽ trên vùng đất Quảng Ninh - một cực tăng trưởng mạnh ở khu vực phía Bắc của đất nước; cổ vũ tinh thần thi đua lao động sáng tạo, xây dựng và bảo vệ quê hương, phát huy sức mạnh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Đặc biệt, với Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, 5 năm qua, Trung tâm đã đã tập trung xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông có trọng tâm, trọng điểm cho nhiều sự kiện lớn của tỉnh và các sự kiện của quốc gia, khu vực, quốc tế được tổ chức tại Quảng Ninh. Những người làm báo xông pha trên mọi mặt trận, có mặt ở những điểm nóng, kịp thời phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Các thông tin được đăng tải phát sóng với tần suất cao, đồng bộ, thống nhất trên tất cả các nền tảng truyền thông đã nâng cao nhận thức cho người dân, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, quyết sách, các chỉ đạo của tỉnh và Trung ương. Đặc biệt là các chiến dịch truyền thông phòng chống dịch Covid 19, thích ứng an toàn, khôi phục phát triển sau đại dịch...

Đặc biệt, trong chiến dịch truyền thông đặc biệt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh từ tháng 5 đến hết tháng 12/2023 đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, nhân lên niềm tự hào, tin tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Trung tâm đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch truyền thông từ năm 2022 với nội dung tuyên truyền tập trung vào việc giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, thành tựu đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những thành tựu và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong công cuộc đổi mới đất nước; về văn hoá, vùng đất, con người và hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh trong 60 năm xây dựng và phát triển. Nhiều sản phẩm truyền thông mới ra đời như sản xuất phim tài liệu dài kỳ “Quảng Ninh biên niên sử truyền hình”, phim truyện truyền hình về văn hóa, vùng đất, con người Quảng Ninh “Bình minh đang lên”, 3 ấn phẩm báo chí đặc biệt “Quảng Ninh – Khát vọng hùng cường”, cuốn sách ảnh “Thiên nhiên – Con người – Văn hoá tỉnh Quảng Ninh”, cuốn sách “Quảng Ninh - Dấu ấn dưới góc nhìn báo chí” và sản xuất 60 MV ca nhạc...sản xuất hàng ngàn tin bài trên các loại hình báo chí, truyền hình trực tiếp Lễ mit tinh kỷ niệm 60, đêm công diễn những bài hát nổi tiếng về tỉnh Quảng Ninh, triển khai cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 60 năm thành lập tỉnh trên báo Quảng Ninh điện tử...

 Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí như một diễn đàn để giáo dục, tổ chức hướng dẫn, cổ vũ những nhân tố mới, nêu gương người tốt, việc tốt. Vận dụng quan điểm của người, báo chí Quảng Ninh trong những năm qua đã để lại dấu ấn về tổ chức phát động những lời kêu gọi thi đua, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, những tấm gương điển hình, truyền cảm hứng, cổ vũ các phong trào thi đua của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đem lại hiệu quả truyền thông lớn. Điển hình như trong Chiến dịch “30 ngày đêm” giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do tỉnh phát động, Trung tâm đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền cao điểm về chiến dịch, bám sát thực tiễn, đồng thời chỉ đạo các phòng nội dung đồng loạt triển khai thực hiện tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng hình thức như: tin, bài, phóng sự, chuyên đề, E-magazine… trên tất cả hạ tầng của Trung tâm. Chỉ trong thời gian 16 ngày từ ngày 15-31/7/2020, Trung tâm đã đăng tải, phát sóng trên 170 tin, bài, phóng sự, phỏng vấn, chuyên đề về Chiến dịch trên tất cả các hạ tầng tuyên truyền.

Những bài báo, những phóng sự phát thanh, truyền hình được đẩy mạnh đăng tải và phát sóng khi ấy đã giúp các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ chủ trương, đường lối của tỉnh, tầm quan trọng của dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đối với sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh; những phóng sự về nhiều người dân, những địa phương tiêu biểu đi đầu trong giải phóng mặt bằng… đã tạo sự cổ vũ to lớn, mang tới khí thế tất cả vì nhiệm vụ hoàn thành tuyến cao tốc quan trọng của tỉnh trong nhân dân; từ đó triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng, bàn giao mặt bằng kịp thời, tạo điều kiện cho công trình đảm bảo hoàn thành vượt tiến độ, giúp tỉnh Quảng Ninh đưa cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vào thông xe và hoạt động sớm, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc của báo chí cách mạng

Nêu cao tính đảng, tính chiến đấu của báo chí là nguyên tắc hàng đầu, quan trọng của báo chí cách mạng. Vấn đề Đảng lãnh đạo báo chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra như vấn đề cốt tử và hiện nay cũng là vấn đề quan trọng nhất của sự nghiệp đổi mới báo chí.

Người cũng từng khẳng định báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí. Để bảo đảm tính tư tưởng, tính đảng của báo chí thì trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí. Người nói: “Đối với bản thân báo chí, bản thân người làm báo cũng phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được”.

Tại Quảng Ninh, trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, báo chí Quảng Ninh không ngừng phát triển và ngày càng khẳng định vị thế, vai trò trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; thể hiện rõ chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Các tác phẩm báo chí không ngừng sáng tạo theo hướng chú trọng chất lượng, đổi mới, nhưng luôn giữ vững quan điểm, đường lối chính trị của Đảng; tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh để phản ánh sinh động về công cuộc đổi mới, những chủ trương, chính sách, cách làm hiệu quả… Tập trung xây dựng các tác phẩm chất lượng cao, nhiều tác phẩm có tính tư tưởng cao, tổng kết thực tiễn về những nội dung lớn của tỉnh và được trao giải cao nhất tại giải báo chí Quốc gia, tiêu biểu như tác phẩm: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng – Nhìn từ tinh giải bộ máy, biên chế ở Quảng Ninh (giải A giải báo chí Quốc gia năm 2014); tác phẩm Kiểm soát quyền lực của cán bộ - thực tiến tại địa phương (Giải A giải báo chí Quốc gia năm 2022)

Tính chiến đấu rõ nét của báo chí Quảng Ninh được bắt nguồn từ “lửa” báo Than cho đến các tờ báo sau này trên địa bàn tỉnh. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí Quảng Ninh đã làm tốt nhiệm vụ nhận diện, đấu tranh kiên quyết, trực diện chống lại các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng từ các thế lực thù địch.  

Cùng với đó, báo chí tỉnh đã tập trung vào nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; phê phán các thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội… góp phần làm lành mạnh xã hội, củng cố niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng nói chung và Đảng bộ tỉnh nói riêng.

Xây dựng đội ngũ người làm báo tại Quảng Ninh trong tình hình hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng. Với quan niệm báo chí cách mạng là mặt trận chiến đấu của cách mạng, Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, tỉnh Quảng Ninh quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao và có đạo đức nghề nghiệp.

Cụ thể, với Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm đã hết sức coi trọng việc xây dựng, đào tạo đội ngũ thông qua việc thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ; cử cán bộ đi học các lớp lý luận chính trị và nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí lớn, coi trọng việc đào tạo chéo. Trung tâm có nhiều đột phá khi là đơn vị cấp tỉnh đi tiên phong trong việc hợp tác với các cơ quan báo chí truyền thông nước ngoài, hằng năm đều cử các đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên đi học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ tại các cơ quan báo chí nước bạn. Trong đó hợp tác và cùng với Đài Phát thanh truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc) xuất bản Đặc san “Hoa Sen” song ngữ Việt – Trung phát hành tại Trung Quốc và Việt Nam; tổ chức Cuộc thi tiếng hát hữu nghị Việt – Trung. Hàng năm đều cử đoàn phóng viên sang tác nghiệp tại Hàn Quốc trong chương trình hợp tác trao đổi với Đài PTTH Gang Won.  Hàng chục cán bộ phóng viên đã được đào tạo, bồi dưỡng theo các dự án tại Đại học tổng hợp Viên (Áo), Đài phát thanh Làn sóng Đức.

Đến nay, Trung tâm đã có một đội ngũ cán bộ, nhà báo với trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ cao gồm: 1 tiến sĩ, 38 thạc sĩ báo chí, 19 thạc sĩ các ngành khác, 177 người có trình độ đại học, cao đẳng; về trình độ lý luận có 45 người trình độ cao cấp và đại học lý luận chính trị, 56 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị…

Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, Trung tâm đã đoạt 3 giải A giải báo chí Quốc gia; nhiều giải cao tại các giải thưởng Búa Liềm vàng, giải báo chí Diên Hồng; nhiều giải vàng tại Liên hoan phát thanh, liên hoan truyền hình toàn quốc.

Sau 5 năm thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh, các nhóm phóng viên, biên tập viên, quay phim đã gắn kết và thực hiện tốt hơn kỹ năng làm việc nhóm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào các khâu sản xuất nội dung.

Trong quá trình tác nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên được trang bị máy móc, thiết bị tác nghiệp; có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng, bộ phận liên quan. Năng lực, sở trường, khả năng của mỗi phóng viên, biên tập viên trong xu hướng làm báo hiện đại ngày càng nâng lên. Khoảng 70% phóng viên, biên tập viên có thể sản xuất tin bài đa phương tiện cho nhiều loại hình báo chí.

Học tập cách viết của Bác, các nhà báo, phóng viên ngày càng quan tâm để tìm hiểu, nắm được đối tượng độc giả cả về trình độ, tâm tư, nguyện vọng, để mỗi bài viết đảm bảo ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng có tính thuyết phục và sức lan tỏa rộng sâu.

Các thế hệ nhà báo của Trung tâm nói riêng và Quảng Ninh nói chung ngày càng ý thức được trách nhiệm của bản thân, rèn luyện bản lĩnh chính trị đi liền với rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và là diễn đàn của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông có nhiều thay đổi, Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nhà báo tinh thông nghiệp vụ, có kĩ năng công nghệ, có trình độ ngoại ngữ nhằm tạo ra các tác phẩm báo chí – truyền thông phù hợp với xu thế thời đại, được công chúng tiếp nhận và yêu mến; từ đó có hiệu ứng xã hội tốt, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển của tỉnh và đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng luôn là những giá trị trường tồn cho các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nghiên cứu và vận dụng. Bối cảnh truyền thông trong thời đại số hiện nay càng đòi hỏi sự nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những quan điểm, tư tưởng đó để báo chí thực sự ngày càng đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc.

Đỗ Hà - Sông Mây 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông tại Quảng Ninh
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO