Văn học thời kháng chiến chống Mỹ là ngọn lửa truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai
(CLO) Ngày 9/4, tại Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức hội thảo "Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước".
Hội thảo tổ chức nhằm tạo diễn đàn văn học, phân tích, đánh giá những giá trị, những thành tựu đã đạt được của văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tổng kết những bài học kinh nghiệm, đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập của mảng văn học về đề tài này trong hơn 50 năm qua, và đưa ra những định hướng, khích lệ, cổ vũ các nhà văn tiếp tục viết về đề tài này trong những năm tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt, và văn học theo sự kế thừa từ ngàn xưa của người Việt đã tham gia tích cực vào cuộc chiến này.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Bình Phương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mai Lữ
"Mổ xẻ một chủ đề văn học về đề tài chiến tranh không có nghĩa dừng lại ở phạm vi phân tích những câu chuyện cụ thể hay phân tích sự chuyển động của thể loại, mà từ những hiện thực được chưng cất qua tác phẩm văn học, chúng ta có cơ hội nhìn thấy tình thế của dân tộc mình trong những thời điểm ấy, nhìn thấy cách ứng xử với tình thế ấy của người Việt, của từng cá nhân cho đến cả cộng đồng, trong những thời khắc cam go, ác liệt nhất. Nhìn như thế chúng ta mới thấy cái khát vọng của người Việt mình đối với thống nhất và hòa bình ra sao, để hiểu được giá trị của ngày hôm nay" - Đại tá Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh.
Theo nhà văn Phạm Duy Nghĩa, văn học là một “binh chủng” đặc biệt, đã tiên phong đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ xung phong vào chiến trường, vừa cầm súng vừa cầm bút cống hiến tuổi xuân và tài năng văn chương cho Tổ quốc. Không khí hừng hực “lên đường” ngoài cuộc sống phả vào văn chương, kết lại và tỏa sáng thành những hình tượng sử thi mang tính biểu tượng của lòng yêu nước ở những tác phẩm trong vắt một lý tưởng cách mạng. Văn học đã xây dựng những nhân vật như những vầng hào quang trên bầu trời sử thi tỏa chiếu ánh sáng lý tưởng soi rọi, hướng bạn đọc đi về phía cái cao cả, anh hùng.
Trong chiến tranh, những tác phẩm văn học đã kịp thời ra đời để có mặt, cổ vũ, động viên, khích lệ lòng quả cảm cho những người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau khi đất nước thống nhất hòa bình, văn học với thiên lương của mình vẫn tiếp tục phản ánh, khắc họa những nét đẹp của người Việt trong chiến tranh, đồng thời tìm cách khâu vá lại những vết thương, những rách nát của tinh thần con người do chiến tranh để lại; và phân tích, đánh giá, tìm ra những bài học để giáo dục truyền thống cho tương lai.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: V.H
Hội thảo đã thu hút khoảng 50 tham luận, bài viết công phu, chất lượng gửi đến, trong đó có những kiến giải, khảo cứu mới. Điều ấy cho thấy văn học về đề tài kháng chiến chống Mỹ vẫn tiếp tục tạo được sự thu hút, quan tâm rất lớn.
Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa cho rằng, các tham luận được trình bày tại hội thảo thêm lần nữa xác tín rằng, những tác phẩm văn học cách mạng không hề khoa trương, khuếch đại khi phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà đã phản ánh một cách chân thực, sinh động như nó vốn có, cho thấy rõ dân tộc Việt Nam là dân tộc vĩ đại, con người Việt Nam là những con người anh hùng, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến thần thánh.
"Văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ ngay trong lòng cuộc kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến tranh và cổ vũ chiến đấu, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước” - nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nói.
Trong khuôn khổ một diễn đàn khoa học, hội thảo cũng đã đưa ra những đề xuất quan trọng về việc phát triển văn học trong bối cảnh hiện nay, đồng thời khẳng định giá trị và sức sống mãnh liệt của văn học chiến tranh trong việc giáo dục và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới.
PV