Chiều 10/3, một cuộc gọi đến cho tôi từ Đà Nẵng. Trong điện thoại, giọng một phụ nữ rưng rưng: “Chị ơi, bạn ấy đang stress rất nặng vì tâm lý do bệnh rồi lại phải hứng chịu búa rìu dư luận, mà vấn đề là thông tin này không chính xác chị ạ!” Đó là chuyện của cô gái V.T.B.Tr, được thông tin dày đặc trên mạng rằng cô gái này “trốn cách ly” tại Đà Nẵng, trên đường về Đắk Lắk đã xuống xe ở Quảng Nam. Nhưng, như khẳng định của ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, “hoàn toàn không có chuyện chị Tr. bỏ trốn khỏi khu cách ly và bất hợp tác...”. Theo ông Hồng: “Xác định trường hợp của chị Tr. cần cách ly tập trung, nên chị Tr. được đưa đến theo dõi sức khỏe ở khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, và chị Tr. rất hợp tác. Còn thông tin “trốn khỏi khu cách ly” thì chúng tôi không hiểu tại sao lại có như vậy”.

Sáng ngày 9/3, cư dân mạng lan truyền thông tin: “GS. Bách - thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết: Chúng ta chỉ có tầm 4 - 6 ngày để dịch chuyển giai đoạn từ 30 ca lên mức 100-500 ca! Và khoảng 8 - 12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1.000-5.000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 1 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại!!! Rất ngắn ở mức này”.  Dư luận xôn xao. Tuy nhiên, bản thân GS.TS. Trần Xuân Bách - Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế (Trường Đại học Y Hà Nội) xác nhận ông không phải là thành viên của Ban Chỉ đạo nào và cũng không có phát ngôn “gây sốt” như trên mạng facebook lan truyền. Còn ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) khẳng định trong thành phần của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 hoàn toàn không có ai tên là Bách.

Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad từng thốt lên rằng: Có những “vấn đề nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh” đó là tin giả - tin sai sự thật - tin không được kiểm chứng, và có những thứ đáng sợ hơn cả Covid-19 đó là sự kém ý thức, lối ứng xử thiếu tử  tế, thiếu văn minh nếu không muốn nói là xấu xí, giữa người với người, giữa công dân với cộng đồng, với đất nước. Thông tin sai sự thật đã khiến cô gái V.T.B.Tr rơi vào trầm cảm; thông tin hỗn loạn đã khiến những phụ nữ trùng tên với bệnh nhân số 17 vô hình chung phải chịu đựng những lời thóa mạ, chửi bới, lăng nhục; việc danh sách của hàng trăm con người thuộc đối tượng F1, F2 bị ồ ạt tung lên, soi mói bình phẩm, đã khiến quyền riêng tư, thậm chí sự an nguy của họ bị đe dọa. “Cơn bão” thông tin đêm 6/3 chính là nguồn cơn tạo nên “cơn sốt” mua sắm đồ tích trữ đầy nhốn nháo, hỗn loạn, cơn “bão giá”, sự khan hiếm hàng hóa giả tạo ngày hôm sau…

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ sự hoành hành của tin giả - tin sai sự thật - tin không được kiểm chứng. Liệu cộng đồng có thấy rõ những hệ lụy, sự tồi tệ của tin giả hay không? Ai cũng có mắt nhìn, tai nghe và tri thức nhất định, dù ít, dù nhiều, thế nên không thể nói không ý thức được về hệ lụy ấy, dù chỉ là đôi chút. Nhất là khi ngay sau đó, báo chí chính thống, dẫn lời những người có chức trách, có chuyên môn, đã lên tiếng, nói cho rõ, kiểu như: “không có chuyện ăn trứng chữa corona”, không có chuyện “Trung Quốc cho thả virus Corona xuống Việt Nam vào chiều tối”… Vậy tại sao, người ta vẫn không ngừng tung tin giả và vẫn có rất nhiều người vẫn bị hấp lực bởi tin giả?

Tìm lời giải cho câu hỏi vẫn có người, dù nhiều lần biết sau đó ồ à, hóa ra đó là tin giả nhưng sau đó, gặp một tin giả khác, vẫn tin, vẫn “like”, vẫn “comment”, vẫn bị hấp lực bởi tin giả. Thạc sĩ Ngô Hữu Thống (Chánh văn phòng Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ĐHQG TP.HCM), cho rằng: “Tò mò là “điểm trừ” khó bỏ ở một số người Việt cho dù sự hiếu kỳ, tò mò ấy xét trong một chừng mực nào đó, không phải là xấu và cũng không phải là đặc tính riêng gì của người Việt. Cũng chính bởi sự tò mò, hiếu kỳ, thích sự giật gân ấy, độc giả dễ dàng bị cuốn hút bởi những dòng thông tin chưa hề được kiểm chứng trên mạng xã hội, trong khi đó lại không hề tìm đọc, nếu không muốn nói là thờ ơ, bỏ qua những thông tin đã được kiểm chứng từ những nguồn tin chính thống. Mà nên nhớ, những thông tin về dịch bệnh trên các nguồn tin chính thống không hề thiếu, không hề chậm. Đến thời điểm này, khi cuộc chiến chống dịch bệnh của chúng ta bước sang giai đoạn 2, thì Cơ quan truyền thông Bộ Y tế vẫn được đánh giá là nơi cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, toàn diện về tình hình dịch bệnh Covid-19”.

Một băn khoăn rất “nóng” nữa là cho dù hình phạt xử lý hành vi tung tin giả không hề nhẹ nhưng số vụ tung tin giả vẫn không ngừng tăng lên. Ngày 3/2/2020, Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP trong đó quy định rõ mức xử phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội. Lý giải cho điều này nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nhẹ dạ, cả tin, thì không thể chối bỏ ý đồ của những kẻ tung tin giả rằng muốn tỏ ra mình là “người nguy hiểm”, là kẻ thạo tin, bám tin, và cả những âm mưu xấu xí, muốn trục lợi hay bôi nhọ người khác.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhiều tháng qua, vẫn đang là cuộc chiến đầy gian nan. Nhưng hẳn là cuộc chiến diệt trừ virus SARS-Cov-2 sẽ bớt phần nan giải nếu việc tạo dựng, sử dụng, lan truyền tin giả ít đi, bớt gieo rắc sợ hãi, hoang mang cho cộng đồng.  Mỗi người trong chúng ta cùng đồng tâm, đồng lòng trong việc diệt trừ con “virus” hoài nghi, đầy tò mò, đầy hiếu kỳ, ích kỷ, thiếu sự văn minh, tử tế trong mỗi cá nhân mình. Hãy tự tạo dựng cho mình một “bộ lọc” tiếp nhận thông tin. Và, thay vì đặt niềm tin vào những tin đồn vô căn cứ, tại sao chúng ta không đặt niềm tin vào khả năng kiểm soát, phòng chống dịch bệnh của chính quyền, rằng “mọi việc rồi sẽ ổn thôi”. Niềm tin của chúng ta vào công cuộc chống dịch, lương tâm, trách nhiệm, ý thức của chúng ta trong việc lựa chọn thông tin để chia sẻ, bình luận, cũng là một cách hữu ích góp phần đưa cuộc chiến chống dịch đến thành công.

Khi bạn lên án sự thiếu ý thức của những con người trốn cách ly, tráo người cách ly, khai báo y tế không trung thực… và xem đó là tội ác thì hãy nhớ rằng nếu bạn tạo dựng và lan truyền tin giả - tác động tiêu cực tới sự an toàn của gia đình bạn, sự an nguy của cộng đồng, cho dù vì một lý do gì, để trục lợi hay để tỏ ra mình là người nguy hiểm thì chính bạn cũng đã phạm một tội ác tương tự. Đừng biến mình thành tội đồ!

Có ai đó đã nói: “Tử tế không phải là bản năng mà là sự lựa chọn. Lựa chọn là người tử tế trong thời loạn không phải là việc đơn giản”. Cũng có người đã nói: “Dịch bệnh là phép thử của lòng nhân”. Càng trong hoạn nạn, con người càng phải nuôi dưỡng sự tử tế, đánh thức sự tử tế trong nhau, cần dành cho nhau sự tử tế. Không đơn giản, nhưng một khi đó là việc chính ta có thể lựa chọn để góp phần cho sự thắng lợi của cuộc chiến chống Covid-19, vì sự an lành cho cộng đồng, trong đó có gia đình ta, cho chính ta, thì đó là sự tử tế chúng ta nên lựa chọn. Và một trong những lựa chọn ấy, phải là việc nói không với việc tạo dựng, lan truyền, chia sẻ tin giả.

Hồng Hà

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...