Vang mãi những bản hùng ca chiến thắng
(NB&CL) Những ngày này 50 năm trước, cả dân tộc ta nức lòng đón nhận một tin vui: Bộ Chính trị hạ quyết tâm chỉ đạo toàn quân ta tổng tiến công vào dinh lũy cuối cùng của bè lũ Mỹ - Ngụy, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Liền sau đó, chúng ta đồng loạt nổ súng, mở đầu chiến dịch tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968) trên toàn miền Nam. Phối hợp với quân sự, văn nghệ cũng song hành phát huy tác dụng như một vũ khí thứ hai lợi hại để tuyên truyền, khích lệ quân dân cả nước xốc tới.
Mặc dù không khí lúc này hết sức khẩn trương, các nhạc sĩ cũng đồng thời hoặc là những người lính, hoặc là làm mọi công tác ở hậu phương để phục vụ cho tiền tuyến lớn nhưng đã dốc tâm sức viết nên những tác phẩm hừng hực không khí chiến đấu và chiến thắng. Âm nhạc tỏ ra rất đắc hiệu trong sự phối hợp “tác chiến” này. Hầu hết các nhạc sĩ tên tuổi như Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Nguyên Nhung, Doãn Nho, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Lê Lôi, Trọng Loan, Trọng Bằng… đều cất lên những tiếng ca hào sảng nhất, đã đóng góp vào bản hợp xướng vĩ đại của dân tộc đang viết nên chiến thắng. Nhiều ca khúc có chất lượng đã ra đời lúc này. Nhưng nổi tiếng nhất và có sức sống lâu bền đến tận hôm nay thì phải kể đến 3 bài hát: Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân), Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng) và Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc).
Tôi không sao quên cái đêm giao thừa bước sang năm mới 1968, trong cái rét buốt căm căm, sau khi nghe Bác Hồ chúc Tết và đọc thơ mừng xuân theo thông lệ hàng năm: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên toàn thắng ắt về ta” thì một bài hát vang lên: “Trông lên Trường Sơn kìa gió đã nổi/ Trông ra biển Đông kìa sóng đang gầm/ Đồng bằng sông Cửu Long ào ào như nước cuốn/ Khắp Tây Nguyên sấm dậy toàn dân ta thừa thắng/ Một lòng cùng xốc tới ào ào như thác đổ…
Bài hát của Hoàng Vân được bắt đầu từ những nốt nhạc ở âm khu cao là một sáng tạo thú vị, đã vượt khỏi thông lệ là mới vào bài, thường người sáng tác để ở âm khu thấp rồi trong quá trình tiến hành giai điệu, mạch âm nhạc mới phát triển dần lên âm khu cao hơn dẫn đến cao trào khi cần thiết. Xử lý này của tác giả là để biểu hiện cái tầm cao, bề rộng về không gian ứng với ca từ: “Trông lên Trường Sơn kìa gió đã nổi. Trông ra biển đông kìa sóng đang gầm”. Gió nổi và sóng gầm là sự biểu hiện những âm thanh mạnh như không khí sục sôi khi ấy và cũng là thể hiện cái thế trận chiến thắng của quân, dân ta. Hai câu nhạc trên mới chỉ dựng nên tầm cao, chiều rộng là cái xuất phát điểm của chúng ta khi bước vào cuộc chiến sinh tử có thể là cuối cùng trong trận quyết thắng. Tiếp theo, nhạc sĩ cho xuất hiện hàng loạt tiết nhạc ngắn được hát rất dồn dập để biểu hiện khí thế cực kỳ sôi động, khẩn trương của các chiến trường, cũng là bước chân của các cánh quân giải phóng tiến vào những dinh dũy của địch ở khắp miền Nam: “Đồng bằng sông Cửu Long ào ào như nước cuốn. Khắp Tây Nguyên sấm dậy toàn dân ta thừa thắng”.
Đúng là trên toàn cõi miền Nam, khắp nơi khi ấy đang “Một lòng cùng xốc tới ào ào như thác đổ”. Ta thấy giữa nhạc và lời có sự gắn bó, hòa quyện rất hợp lý, hài hòa, không thể tách rời. Trong một lần nói chuyện với sinh viên ở một trường đại học, Đại tướng Văn Tiến Dũng nói ông rất thích nghe bài hát này. Đến lúc đã già yếu, mỗi khi có dịp nghe ở đâu, ông đều bồi hồi, thấy nao nao như được sống lại thời quá khứ binh lửa oanh liệt của mình với những hồi ức không thể nào quên. Nhiều cựu chiến binh cũng cho biết lúc bài hát này ra đời – xuân 1968 – là chiến sĩ giải phóng đang chiến đấu ở mặt trận, mỗi khi nghe bài hát vang lên trên làn sóng là chỉ muốn xông lên phía trước với tâm trạng rất phấn chấn, tràn đầy niềm tin vào chiến thắng. Mặc dù đang giữa làn bom đạn nhưng họ không mảy may nghĩ đến cái chết mà thấy như mình đang đứng trên đầu thù. Và họ rất tự hào, kiêu hãnh khi nghe đoạn kết của bài hát: “Con chim sơn ca trên đồng khi xuân sang tung tăng bay lượn cất tiếng hát vang. Chào bình minh đang rạng. Chào mùa xuân đại thắng. Chào anh giải phóng quân!”.
Sau 50 năm, nay nghe lại những bài hát ra đời trong cuộc tổng tiến công năm xưa, ta vẫn thấy còn nguyên vẹn, nóng hổi không khí chiến đấu và chiến thắng ngày ấy. Tất cả các bài đều dồn dập, khẩn trương, hào hùng nhưng không bài nào giống bài nào. Mỗi bài mỗi vẻ, có bản sắc, màu sắc và tiết tấu riêng rất thú vị. Đó là những ca khúc có giá trị trường tồn mặc dù gắn với bối cảnh lịch sử cụ thể. Nhắc đến ca khúc cách nạng Việt Nam, ca khúc giai đoạn chống Mỹ cứu nước, không thể không nhắc đến những tác phẩm trên. Đó là tài sản vô giá của lịch sử dân tộc như mọi báu vật khác. Các thế hệ tiếp nối không thể lãng quên.❏
Nhạc sĩ Nguyễn Đình San