“Về Hà Nam anh nhé” - Bài ca về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc

Chủ nhật, 31/01/2021 16:46 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trước thềm Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng đã sáng tác một ca khúc về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc. Ca khúc có tựa đề “Về Hà Nam anh nhé!”.

Đó là quê hương của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến, ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1901 tại xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên (nay là phường Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Bài hát đã được lựa chọn phát sóng trong chương trình ca nhạc đặc biệt Chào mừng khai mạc Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên có cuộc trò chuyện với nhà báo Tào Khánh Hưng để hiểu thêm về nội dung ca khúc.

Nhà báo Tào Khánh Hưng- Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng tác giả ca khúc Về Hà Nam anh nhé.

Nhà báo Tào Khánh Hưng- Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng tác giả ca khúc Về Hà Nam anh nhé.

+ PV: Thưa nhà báo Tào Khánh Hưng, cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực mới mẻ sáng tác ca khúc?

- Tôi biết ơn nghề báo đã cho tôi đi nhiều nơi, đến mọi miền đất nước, được trải nghiệm cuộc sống, hiểu thêm về nét độc đáo văn hóa vùng miền của bà con các dân tộc. Những hình ảnh, tin tức sự kiện  được tôi chuyển tải một cách nhanh nhất bằng tin, bài báo trên báo giấy và báo điện tử. Nhưng để lan tỏa hơn, dễ đi vào lòng người bằng ca từ thông qua giai điệu, với sự thể hiện truyền cảm của ca sĩ thì nội dung mình định nói nhanh đi vào cuộc sống hơn, diễn tả được ý đồ của tác giả. Chính hiểu được chức năng và thế mạnh của âm nhạc, nên tôi luôn chắt chiu ghi lại những hình ảnh cuộc sống bằng những ca khúc trữ tình về con người, quê hương, đất nước. Các tác phẩm âm nhạc những đứa con tinh thần của tôi sau một thời gian thai nghén đã xuất hiện, lan tỏa được bạn nghe đài, người thân yêu thích như: “Tự hào cô giáo trẻ”, “Trường Sa yêu thương”, “Mường Tè quê em”, “Tình quê”, “Cô giáo quê hương”, “Nhà báo chúng tôi”... Trong số đó, ca khúc “Tự hào Cô giáo trẻ” đã đoạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác nhân dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cuộc thi không có giải Nhất)… Và ca khúc "Về Hà Nam anh nhé" -  bài ca về quê hương người vẽ cờ Tổ quốc tôi sáng tác đúng trong dịp cả đất nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII.

 + PV: Ý tưởng của ông về bài ca này như thế nào? Tại sao lại chọn Hà Nam để cho ra đời ca khúc mà không phải địa phương khác?

- Trước tiên giới thiệu với bạn là bà nội tôi ở huyện Bình Lục (Hà Nam), tuổi thơ tôi cũng nhiều lần được bố mẹ đưa về thăm quê bà. Hơn nữa, những tám mươi của thế kỷ trước còn là tỉnh Hà Nam Ninh tôi đã có hai năm (1983 - 1985) sống và học tập tại Hà Nam nên ký ức trong tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp về con người, cảnh đẹp vùng quê này.

Người bạn tôi quê ở Hà Nam đã nhiều lần mời về quê chơi nhưng tôi bận quá, công việc bếp núc trong tòa soạn cứ cuốn tôi theo, ra hết số báo này lại đến số báo khác. Nên ít có dịp trở lại Hà Nam, mặc dù có những chuyến công tác đi qua tỉnh, nhưng chưa dừng chân lại đúng nghĩa là về chơi. Tôi có nói với bạn là trước khi về thăm sẽ có một món quà tặng bạn, tặng bà con quê hương Hà Nam – món quà “đặc biệt” ấy có tiền cũng không mua được. Bạn tôi tò mò và háo hức, chờ đợi… Còn tôi thì đã có ý tưởng cho món quà trước rồi.

Quốc kỳ Việt Nam nguyên mẫu năm 1940.

Quốc kỳ Việt Nam nguyên mẫu năm 1940.

+ PV: Ông có thể nói rõ hơn ý tưởng nội dung của ca khúc?

- Làm báo đó là nghề làm chính trị nên tôi nghĩ phải đưa vào ca khúc cái  người ta chưa đưa, cái mới, cái riêng độc đáo: tìm hiểu tôi biết Hà Nam đang “sở hữu” rất riêng, khác biệt. Đó là quê hương của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến (quê ở làng Lũng Xuyên - Duy Tiên) người đã vẽ lá cờ tổ quốc và địa danh nổi tiếng núi Đọi Sơn  - Sông Châu với lễ hội tịch điền vào những ngày đầu xuân thì không ở địa phương nào có.

“Anh có về Lũng Xuyên quê em

Nhớ ngọn cờ thời Nam kỳ khởi nghĩa

Thành phố, miền quê cờ bay phất phới

Phủ Lý yêu thương Lam Hạ anh hùng”

Giờ đây, tại làng Lũng Xuyên ấy có một nhà truyền thống mang tên Nguyễn Hữu Tiến – người dân quê hương Hà Nam tự hào đã sinh ra ông nhà cách mạng kiên trung, tấm gương sáng ngời giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp thế hệ trẻ Lũng Xuyên nói riêng và Người Hà Nam nói chung. Câu chuyện về ông thật xúc động, đó là vào năm 1927, ông tham gia tổ chức “Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Năm 1931, ông bị bắt và bị đày ra nhà tù Côn Đảo biệt giam. Năm 1935, ông cùng một số tù chính trị khác vượt ngục, trở về đất liền, hoạt động cách mạng tại Nam bộ; sau đó được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, in ấn tài liệu cách mạng. Chính trong thời gian này, ông được được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ vẽ cờ hiệu để sử dụng trong các cuộc đấu tranh. Ông đã vẽ lá cờ nền đỏ sao vàng năm cánh, thể hiện ý tưởng máu đỏ da vàng, tượng trưng cho dân tộc và sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân bao gồm “sỹ - nông - công - thương - binh” trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Mẫu cờ đã được Xứ ủy Nam kỳ nhất trí sử dụng và đã được xuất hiện lần đầu tiên trong khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940. Ngày 30 tháng 7 năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt tra tấn dã man và bị đưa ra pháp trường xử bắn ngày 28/8/1941. Sau đó lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến đã lan rộng ra các cuộc đấu tranh và trở thành cờ hiệu của phong trào Việt Minh. Tại hội nghị Tân trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội đã nhất trí chọn lá cờ của Nguyễn Hữu Tiến làm Quốc kỳ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc kỳ của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

“Mời anh về Hà Nam quê em

Lề hội tịch điền giữa trời xuân trong mát”

“Mời anh về Núi Đọi – sông Châu

Giữa trời xuân hội cày, hội cấy”

Đây là câu chuyện lịch sử, vào mùa xuân năm Đinh Hợi – 987, có một vị vua đi theo con trâu cày ruộng đó là vua Lê Đại Hành lần đầu tiên cày tịch điền ở dưới chân núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc nhân đấy đặt tên là ruộng Kim Ngân - đó là lễ hội tịch điền đầu tiên ở Việt Nam. Sau này nghi lễ cày ruộng được tiếp tục và trở thành truyền thống khuyến khích, động viên bà con nông dân trồng trọt sản xuất ước vọng một mùa màng bội thu.

Bức tranh Nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến do Văn Cao- tác giả bài Quốc ca Việt Nam vẽ.

Bức tranh Nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến do Văn Cao- tác giả bài Quốc ca Việt Nam vẽ.

+ PV: Trong ca khúc của ông cũng nhắc đến nét văn hóa tâm linh đó là Chùa Tiên, chùa Tam Chúc và hình ảnh ba con sông là sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ; ông có thể nói rõ hơn về chi tiết này được không?  

- “Kìa Tam Chúc mờ sương cao ngọn tháp

Nô nức khách thập phương đi lễ hội xuân hồng”

“Chùa Tiên linh thiêng ấm tình làng xóm

Du khách gần xa xin cầu lộc phúc, cầu tài”

Thực ra Hà Nam có rất nhiều đền và chùa, nhưng tôi muốn nhắc đến ngôi chùa cổ nổi tiếng có hơn 350 năm tuổi là chùa Tiên và chùa Tam Chúc có một nghìn năm tuổi mới được Tập đoàn Xuân Trường xây dựng lại và giờ là ngôi chùa to lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, chùa Tiên, chùa Tam Chúc trở thành một khu du lịch tâm linh thu hút khách thập phương trong nước và quốc tế về thăm, chiêm ngưỡng tạo đà cho ngành Du lịch Hà Nam phát triển góp phần vào sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Hình ảnh ba con sông chung về một dòng ấy thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, người lương cũng như người đạo thiên chúa giáo luôn chung sức, đồng lòng vì mục tiêu xây dựng một tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh.

Về Hà Nam thành phố ngã ba sông

Tiếng máy reo cùng công trường hối hả

Sông Nhuệ, sông Châu, sông Đáy chung dòng

Như người quê em chung sức, đồng lòng”

PV: Thưa ông, ở đoạn kết của ca khúc như một lời mời gọi tình cảm rất da diết, thúc giục mong tác giả về Hà Nam? Ông có thể nói thêm về nội dung này?  

- “Anh có về Hà Nam quê em

Ở đó có em cùng nỗi nhớ

Về đi anh, em vẫn chờ, em vẫn đợi

Về đi anh, khi xuân sang mùa hoa nở

Cho duyên mình thắm mãi yêu thương…”

Đó là một lời mời rất chân thành của người bạn, thể hiện sự thân thiện mến khách mộc mạc như làn điệu dân ca mời nước mời trầu của người dân Hà Nam. Và câu hát “Anh có về Hà Nam quê em”, được lặp đi, lặp lại nhiều lần như một điệp khúc thể hiện tình cảm yêu thương, lòng mến khách của con người nơi đây. Với giai điệu trữ tình, chất dân ca sâu lắng vùng châu thổ sông Hồng; trong đó có nét chèo thanh tú, nét dân ca của người dân quan họ “Người ơi, ngưởi ở đừng về” nên khi bài hát được phát trên Đài TNVN đã nhận được sự chú ý của thính giả cả nước và được người dân Hà Nam yêu thích.

+ PV: Để diễn tả nội dung ca khúc Về Hà Nam anh nhé; ông có cân nhắc chọn ca sĩ hát không? 

- Về Hà Nam anh nhé là ca khúc mới nên cần một sự chuẩn chỉ trong thể hiện giai điệu và nốt nhạc; nên tôi đã mời ca sĩ Ths. Hoài Phương người có 10 năm học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (giờ là giảng viên Khoa Thanh nhạc - Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) thể hiện. Trước khi tập “vỡ bài” chúng tôi có gặp nhau trao đổi ý tưởng và cách thể hiện giai điệu, ca từ nên ca sĩ Hoài Phương đã thể hiện ca khúc này khá thành công.

+ PV: Trong chương trình Âm nhạc và Cuộc sống của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam số đặc biệt chào mừng Khai mạc Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII phát sóng trưa ngày 25/01/2021, ca khúc “Về Hà Nam anh nhé” đã được chọn phát sóng. Cảm giác của ông thế nào?

- Ôi! Thật bất ngờ!

Tôi rất vui và xúc động khi đứa con tinh thần của mình được lựa chọn phát sóng. “Về Hà Nam anh nhé” hát vang lên trong một chương trình đặc biệt Chào mừng Khai mạc Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII - một sự kiện chính trị lớn của đất nước; là một niềm vui, hạnh phúc đối với tôi. Đây cũng là tấm lòng của tôi cũng như của cán bộ, phóng viên Báo Xây dựng (Bộ Xây dựng) gửi tới nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Nam nói riêng và là món quà “đặc biêt” chào mừng thành công Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII.

+ PV: Xin cảm ơn nhà báo Tào Khánh Hưng, nhân dịp tết Tân Sửu sắp đến chúc ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiếp tục có những tác phẩm âm nhạc hay góp phần vào nền Âm nhạc nước nhà.

                                   Xuân Kỳ (Thực hiện)

Tin khác

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa
Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

Sơn La: Hơn 10.000 đầu sách hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 2024

(CLO) Ngày 19/4, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Triển lãm, trưng bày, giới thiệu sách hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.

Đời sống văn hóa
Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024

(CLO) Ngày 19/4, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam thông tin tới báo chí về những điểm mới tại Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Đời sống văn hóa
Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

Bắc Giang: Độc đáo lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai

(CLO) Mới đây, Ban quản lý ba thôn (Mai Trung, Mai Thượng và Thắng Lợi, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) tổ chức lễ hội bơi chải truyền thống làng Tiếu Mai. Hoạt động sẽ diễn ra trong ba ngày (18-20/4/2024).

Đời sống văn hóa