Festival “Về miền Quan họ - 2023” kết nối tinh hoa các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, được tổ chức tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao du lịch quy mô lớn với hơn 30 hoạt động tôn vinh, quảng bá văn hóa, đặc biệt là quảng bá Dân ca quan họ Bắc Ninh.
X
Vùng quan họ quê tôi
Bắc Ninh là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và cách mạng, nơi phát tích của Vương triều Lý - triều đại khai mở, phát triển nền văn minh Đại Việt. Vốn là tổ đình của Phật giáo đồng thời là trung tâm Nho học đầu tiên của cả nước, trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã hun đúc, kết tinh và hiện hữu trên vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc một hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Bắc Ninh cũng được mệnh danh là xứ sở của các lễ hội dân gian truyền thống, cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp. Các hình thức diễn xướng dân gian mang sắc thái riêng, độc đáo, tiêu biểu là Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một lối hát giao duyên dân dã, thể hiện mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những liền anh, liền chị. Hát quan họ là nét văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân tộc Kinh của vùng Kinh Bắc. Những lời ca, giai điệu uyển chuyển mềm mại, diễn tả tâm trạng yêu thương, nhớ nhung làm da diết lòng người. Dù hát không có nhạc đệm, nhưng những âm điệu i, ơ, rồi những âm nhấn, âm lặp và sự luyến láy tạo cho người nghe có cảm giác như có nhạc đệm gắn vào trong lời quan họ.
Cái hay, cái đẹp và độc đáo của quan họ nằm ở sự phong phú về giai điệu. Mỗi một bài quan họ đều có giai điệu riêng. Vì lẽ đó, Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Cho đến nay, có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm. Các bài quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá.
Ngoài lời ca tiếng hát, các liền anh diện áo dài 5 thân, quần trắng, khăn xếp đen, ô Lục Soạn... và các liền chị với áo mớ ba mớ bảy, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao... làm sống lại những ký ức văn hóa đẹp đẽ của vùng Kinh Bắc, trong đó nổi bật là 49 làng quan họ gốc (được UNESCO công nhận đợt đầu) và một số làng lân cận tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trước kia, quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 67 làng quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú "chơi Quan họ", không phải là "hát Quan họ". Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ.
Ngày nay, chúng ta được biết đến nhiều qua "Quan họ mới". Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ lời mới", là hình thức biểu diễn (hát) quan họ chủ yếu trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch, nhà hàng... Quan họ mới được trình diễn vào bất kỳ ngày nào trong năm.
Quan họ ngày nay là hình thức quan họ biểu diễn trên sân khấu, tức những bài quan họ lời cổ được cải biên lời. Quan họ mới luôn có khán thính giả, người hát trao đổi tình cảm với khán thính giả không còn là tình cảm giữa bạn hát với nhau. Quan họ mới không còn nằm ở không gian làng xã mà đã vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.
Quan họ mới có hình thức biểu diễn phong phú hơn quan họ truyền thống, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa... Hát quan họ với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức tưởng nhầm là quan họ truyền thống, ví như bài "Sông Cầu nước chảy lơ thơ" do Mai Khanh soạn lời mới từ làn điệu truyền thống "Nhất quế nhị lan".
Dù là quan họ cổ hay quan họ lời mới, bất cứ ai đến đất quan họ, nghe người quan họ hát đều mê, đều say đắm bởi làn điệu da diết, đằm thắm. Thế nên, mỗi dịp lễ hội, tết đến xuân về, người dân Bắc Ninh và du khách thập phương luôn háo hức, ngóng đợi được nghe, được hòa mình vào không gian văn hóa đậm đặc của hội Lim.
Festival "Về miền Quan họ -2023": Bảo tồn, kết nối và quảng bá
Nhiều năm qua, dân ca Quan họ Bắc Ninh - nằm trong hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quốc gia - được đầu tư, bảo tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong nước và quốc tế. Để Quan họ có được sức sống và sự phát triển thăng hoa, Bắc Ninh bền bỉ với nhiều chính sách, kế hoạch cũng như các chương trình hành động thiết thực, quan tâm đầu tư toàn diện và đúng hướng.
Đặc biệt, tỉnh sớm có chính sách đãi ngộ cho những nghệ nhân quan họ. Họ là những báu vật đang hằng ngày thực hành và trao truyền những di sản mà cha ông đã dày công tạo dựng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ trong xã hội đương đại, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch.
Tại Festival “Về miền Quan họ - 2023”, các liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, đầu đội nón quai thao, cùng nhau hát đối những câu ca mộc mạc, đằm thắm làm mê đắm lòng du khách thập phương. Cách hát theo lối truyền thống không cần nhạc đệm mà vẫn đầy chất nhạc, thể hiện nét văn hóa tinh tế của người hát Quan họ.
Vốn là người dân gốc Bắc Ninh, cũng thường xuyên nghe những bài hát quan họ nhưng trong đêm Festival 2023, chị Nguyễn Thị Thu Hằng cũng không khỏi xúc động mà thốt lên một câu rằng, "Dân ca quan họ quê mình hay quá".
Cùng cảm xúc, anh Nguyễn Văn Đông, du khách từ Phú Thọ, về dự Festival “Về miền Quan họ - 2023” chia sẻ: "Tôi đã nghe quan họ rất nhiều qua các video, qua MP3 và qua vài lần đi dự lễ hội, nhưng lần này tôi mới thấu được dân ca quan họ nó hay như thế nào. Mọi biểu cảm và trang phục mà các liền anh, liền chị có trên sân khấu Festival này đã thuyết phục tôi hoàn toàn. Qua đây, tôi cũng hiểu hơn quan họ Bắc Ninh và yêu hơn những con người đã giữ gìn được nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như thế".
Phải nói rằng, đêm khai mạc Festival "Về miền quan họ - 2023" thực sự đốn tim tất cả khán giả có mặt, bởi những diễn viên suất sắc, những màn biểu diễn ấn tượng cộng với sự bố trí khung cảnh của Ban tổ chức rất chuyên nghiệp và chu đáo.
Lễ khai mạc Festival kết thúc mà khán giả, người dân và du khách thập phương cứ lưu luyến mãi không muốn ra về. Dường như ai cũng mang trong lòng những cảm xúc nuối tiếc vì không thể nghe thêm nhiều những bài hát quan họ hơn nữa. Sự nuối tiếc của mỗi người khi chương trình khép lại như lời khẳng định sự thành công của chương trình.
Hy vọng Bắc Ninh sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa để bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa phi vật thể độc đáo - Dân ca quan họ - để quảng bá không chỉ người dân trong nước mà còn bạn bè nhiều nước trên trên thế giới, biết đến một loại di sản mê đắm lòng người này.
Những hình ảnh đầy ấn tượng về đêm khai mạc "Festival - Về miền Quan họ 2023"
Bài và ảnh: Thanh Hoài