Về Xuân Liên, đắm mình trong “văn hóa dòng họ”

Thứ năm, 06/02/2020 10:16 AM - 0 Trả lời

(CLO) Văn hóa dòng họ đã tham gia vào quá trình phát triển của văn hóa cổ truyền đậm đặc và trở thành nhân tố không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam. Đầu xuân này, chúng tôi ghé thăm xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để cùng khám phá một làng quê giàu tính biểu tượng văn hóa dòng họ.

Sắc xuân tươi mới đang len lỏi trên từng tuyến đường, ngóc ngách, gõ cửa từng ngôi nhà nơi đây. Mạng nhện ăn sương âm ẩm hẵng còn vương khắp cây cỏ, mặt trời buông thả những tia nắng dịu dàng sưởi ấm cái không khí se se lạnh khiến người ta rạo rực, xốn xang. Phiên chợ quê trở nên nhộn nhịp bởi dòng người hối hả sắm tết ngày một đông đúc, các chị, các cô ai nấy đều xinh tươi, phấn khởi. Những con đường rực rỡ cờ hoa, khung cảnh rộn rã ngược xuôi tạo nên một bức tranh làng quê đầy sinh động. Sắc mai vàng tươi, sắc đào đỏ thắm nhuốm màu cả một khoảng không gian làm không khí đã xuân lại càng xuân.

Lễ đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà nhờ Trần Quang Mỹ ở thôn Lâm Hải, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Lễ đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà nhờ Trần Quang Mỹ ở thôn Lâm Hải, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Trong cái tưng bừng, náo nhiệt ấy, người ta vẫn không quên lắng lòng mình lại để hướng về nguồn cội, tổ tiên. Hòa mình trong hơi thở mùa xuân, Xuân Liên vừa bừng lên sức sống mới bởi những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, đường xá bê tông vững chãi, vừa toát lên nét thiêng liêng, cổ truyền của hơn 30 nhà thờ họ được xây dựng khang trang, kiên cố. Người dân nơi đây luôn khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Với họ, Tổ tiên - dòng họ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho con cháu. Dẫu có tha hương kiếm sống nơi xứ người, học hành, công tác ở những thành phố lớn hay ở lại quê hương gây dựng sự nghiệp thì mỗi dịp Tết đến, xuân về, con cháu của mảnh đất Xuân Liên đoàn kết, hiếu kính đều trở về nhà thờ ông bà tổ tiên để thắp nén nhang thơm tỏ lòng thành kính.

Cứ đến ngày 30 Tết, mọi người ăn vận gọn gàng, sạch sẽ quy tụ về nhà thờ họ. Những chiếc xe của con cháu dựng chật chỗ cửa sau nhà thờ, thường trực tiếng “chúc mừng năm mới” sớm, tiếng hỏi han nhau thấm đượm nghĩa tình. Rồi sau đó, ai nấy lại bắt tay vào công việc của mình. Người lau chùi bàn thờ, chuẩn bị nhang đèn, người quét nép sân trước, sân sau. Họ sửa soạn bàn thờ lại cho ngăn nắp, đánh bóng những chiếc lư đồng đến khi cho sắc vàng óng ánh, tinh tươm. Xong xuôi, con cháu sẽ thành tâm sắp xếp đồ lễ, bánh trái để cúng bái. Bánh kẹo và những cành mai, cành đào, những bông cúc vạn thọ khoe sắc được trưng ngay ngắn trên bàn thờ tổ tiên; đặc biệt nổi bật là mâm ngũ quả với những trái cây to, ngon nhất vừa hái trong vườn nhà như bưởi, đu đủ, chuối, na, ổi... được trình bày thật bắt mắt với đủ loại màu sắc. Vào thời khắc giao thừa, mỗi nhà đội những mâm cỗ thật ngon với một con gà béo và đẹp nhất, một đĩa xôi trắng dẻo và một cút rượu nồng ngon tới đây để cúng bái. Có nhiều nhà còn tự làm heo lấy thịt cúng tế, làm xong dành nguyên bộ đồ lòng, cuống họng nấu nồi cháo để mời anh em trong họ cùng nhau ăn uống, sum họp rồi kéo nhau đi chúc tết từ nhà này sang nhà khác. Tuy vất vả nhưng rất đỗi ngọt ngào, ấm áp.

Xã Xuân Liên có 12 CLB con dâu dòng họ với hơn 1.000 hội viên tổ chức tốt các hoạt động CLB thể dục, thể thao, Hội khuyến học khuyến tài…

Xã Xuân Liên có 12 CLB con dâu dòng họ với hơn 1.000 hội viên tổ chức tốt các hoạt động CLB thể dục, thể thao, Hội khuyến học khuyến tài…

Vui vẻ trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiền - Công chức Văn hóa xã Xuân Liên cho biết, hiện nay toàn xã có hơn 30 dòng họ lớn nhỏ và có đến 14 đền, thờ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong đó có nhiều nhà thờ của các dòng họ như: nhà thờ Trần Quang Mỹ, nhà thờ Lê Khắc Mầu (thôn Lâm Hải), nhà thờ Lê Đình Tương, nhà thờ họ Hồ, nhà thờ họ Trần (thôn Linh Trù), nhà thờ họ Hoàng Văn, phần mộ và Nhà thờ Tô Khôi (thôn Cường Thịnh). Đặc biệt, ngày 29/1 vừa qua, nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Bật Lãng (thôn Lâm Hải) đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong hương thơm phảng phất của nén nhang trầm khi ghé thăm mấy nhà thờ họ, chúng tôi cũng bắt gặp những nhóm nhỏ chị em đang cùng nhau sửa soạn, tỉ mẩn lau chùi từng bát hương, bộ chén rượu cúng bái. Hỏi ra mới biết, đó là chị em trong các CLB con dâu dòng họ. Bởi xã có hơn 1.600 người đi xuất khẩu lao động với 70% hộ gia đình có chồng xuất ngoại nên mọi lo toan, gánh nặng tại quê nhà đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ. Từ đó, các CLB con dâu dòng họ ra đời góp phần giúp các chị em giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, chăm lo cuộc sống. Họ quan niệm “mỗi nàng dâu phải là tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo”. Hiện toàn xã Xuân Liên có 12 CLB con dâu dòng họ với hơn 1.000 hội viên. Từ khi thành lập, các CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt để chị em nàng dâu gặp gỡ, hiểu biết lẫn nhau; từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm của con dâu với trách nhiệm trong việc xây dựng dòng họ. Nhắc đến văn hóa dòng tộc ở Xuân Liên thì không thể không nhắc đến các CLB con dâu dòng họ. Rồi tết đến, xuân về, nơi đây còn rầm rộ hoạt động nhóm, hội của các dòng tộc như: CLB thể dục, thể thao, Hội Dâu hiền - rể thảo, Hội khuyến học khuyến tài, CLB không sinh con thứ ba…

Chị em con dâu dòng họ đang cùng nhau sửa soạn, tỉ mẩn lau chùi từng bát hương, bộ chén rượu cúng bái dịp Tết đến Xuân về.

Chị em con dâu dòng họ đang cùng nhau sửa soạn, tỉ mẩn lau chùi từng bát hương, bộ chén rượu cúng bái dịp Tết đến Xuân về.

Đến thăm nhà chị Phan Thị Tửu - một hội viên của CLB con dâu dòng họ Hoàng Văn, chị đang bận rộn trang hoàng nhà cửa và tất bật chuẩn bị mứt dừa, mứt gừng, muối củ kiệu. Chị niềm nở mời chúng tôi vào tham quan vườn chuối, ổi trĩu quả cùng chuồng lợn nái, ao cá và đàn gà hơn 300 con. Ít ai biết được, 5 năm trước nhà chị có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phải dè sẻn miếng cơm manh áo sống qua ngày. Từ khi vay được số vốn 30 triệu đồng từ CLB con dâu dòng họ Hoàng Văn, chị đã mạnh dạn đầu tư, chăm chỉ làm ăn và có được thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm. Từ đó, xuân nào nhà chị cũng được vui vẻ, ấm no.

Chị hào hứng mời chúng tôi: “Mồng 4, mồng 5 này, các chú qua Xuân Liên cổ vũ giải bóng đá CLB con dâu dòng họ cho bọn chị với nhé, rồi tối anh chị dẫn đi xem chị em biểu diễn văn nghệ, vui lắm. Năm vừa rồi họ Trần Quý vô địch giải bóng đá, năm nay họ Hoàng Văn của chị phải cố gắng mới được” - chị nói một cách thật quyết tâm, niềm tự hào ánh lên từ đáy mắt.

Dạo bước trên con đường rạo rực sắc xuân, chúng tôi cũng được trông thấy những người con Xuân Liên đang vội vã trở về quê hương. Người đi bộ mang ba lô nặng trĩu, kẻ lái ô tô đời mới. Dù họ đã thành công hay vẫn còn chông chênh trong sự nghiệp thì ai nấy cũng đều muốn trở về từ đường dòng họ để được sum vầy với người thân, tận hưởng niềm hạnh phúc thật trọn vẹn. Dòng tộc, họ hàng luôn là nguồn động lực giúp con cháu Xuân Liên vững tin để yên tâm làm ăn, công tác. Sự gắn kết đó đã trở thành liều thuốc tinh thần kích thích và động viên họ vượt qua được khó khăn. Có lẽ với họ, không còn gì đẹp hơn khi sang ngày mùng 1, sắc xuân tràn khắp quê hương, đào mai hé nở, được sống trong tình thương yêu của cha mẹ, ông bà, anh chị em dòng tộc, được hàn huyên, chia sẻ những tình cảm chân thành.

Có thể thấy, “văn hóa dòng họ” ở Xuân Liên nói riêng và trên đất nước ta nói chung đã trở thành mạch nước ngầm góp phần tưới mát, nuôi dưỡng nền văn hóa cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Trở về từ mảnh đất Xuân Liên hiếu nghĩa, bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng nhịp gõ vang rền của những chiếc trống họ cùng dư âm của những vần thơ mà các bậc trưởng bối nơi đây vẫn thường ngâm cho con cháu nghe:

“Trùng tu công đức tâm con cháu

Lan tỏa đức ân phúc tổ tiên

Nguồn cội xuân về thơm lộc Tổ

Sum vầy dòng họ hội đoàn viên”.

Trần Phong

Tin khác

Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

Liên hoan Múa rối quốc tế 2024 diễn ra tại Hà Nội

(CLO) Theo dự kiến, Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2024 sẽ diễn vào tháng 10 tại Hà Nội. Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.

Đời sống văn hóa
Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

Ngỡ ngàng với không gian nghệ thuật đặc sắc trên cầu đi bộ ở Hà Nội

(CLO) Những ngày gần đây, người dân Thủ đô Hà Nội đi trên cầu đi bộ bắc qua phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật được nên ý tưởng từ "hầm thủy cung" đẹp lung linh, qua nghệ thuật sắp đặt ánh sáng.

Đời sống văn hóa
Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

Lễ hội Sen Đồng Tháp năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động nhất từ trước đến nay

(CLO) Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ khai mạc ngày 16/5, tại Quảng trường Văn Miếu, tại TP Cao Lãnh.

Đời sống văn hóa
Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

Tàu du lịch không được đón khách xem Carnaval Hạ Long 2024 trên biển

(CLO) Sở GTVT Quảng Ninh đề nghị không cấp phép cho các tàu du lịch trên biển đón khách du lịch xem chương trình Carnaval Hạ Long 2024, để bảo đảm an toàn.

Đời sống văn hóa
Phát hành bộ tem 'Hà Nội 12 mùa hoa'

Phát hành bộ tem 'Hà Nội 12 mùa hoa'

(CLO) Bộ tem “Hà Nội 12 mùa hoa” ứng với 12 tháng trong năm với các loài hoa được phỏng theo lời bài hát "Hà Nội 12 mùa hoa" của nhạc sĩ Giáng Son.

Đời sống văn hóa