Dân Venezuela hỏa táng cũng phải tranh nhau vì thiếu khí đốt trầm trọng. Ảnh: Reuters
Cô Angelica Vera, sống tại bang Zulia, Venezuela, đã lên kế hoạch hỏa táng cha mình sau khi ông qua đời vì bệnh ung thư. Nhưng kế hoạch không thể thực hiện vì siêu lạm phát đã đẩy chi phí dịch vụ chôn cất vượt quá khả năng tài chính của cô.
Tuy nhiên, đến cả dịch vụ hỏa táng, nghĩa trang cũng không cung cấp được vì thiếu khí đốt. Đáng nói, nguồn cung ngày càng khí đốt thiếu hụt mặc dù Venezuela nắm giữ một số mỏ khí lớn nhất thế giới.
Vì chi phí phát sinh mỗi ngày để gửi cha mình trong nhà xác trong thời gian chờ đợi nghĩa trang nhập thêm khí đốt còn nhiều hơn một tháng tiền lương tối thiểu của một lao động tại Venezuela, cô Angelica Vera đã phải an táng cha mình trong một ngôi mộ chung không tên ở rìa nghĩa trang, khu vực dành riêng cho các thi thể không có người nhận.
“Bố tôi đã mất và tôi thậm chí không thể tổ chức tang lễ cho ông vì tôi không có tiền. Người dân Venezuela đang sống trong bất mãn như vậy đó”, cô Vera, 27 tuổi, nhân viên thu ngân chia sẻ.
Sự suy tàn của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela đã tạo ra gánh nặng cho người dân nước này trong nhiều tháng qua với những hàng dài đang đợi để mua xăng và gas để nấu ăn. Và giờ đây, tình trạng thiếu khí đốt đã nguy cấp đến nỗi những người đã khuất cũng không được hỏa thiêu.
Người Venezuela đã chuyển sang hỏa táng khi chi phí của nó chỉ bằng 1/3 so với chôn cất truyền thống, nhưng nhu cầu hỏa táng tăng mạnh khiến khí gas ngày càng khan hiếm.
Hàng chục hộ gia đình cho biết họ đã phải chờ 10 ngày để hỏa táng một người thân.
Một nghĩa trang tại thành phố Maracaibo, Venezuela. Ảnh: Reuters
Không chỉ như vậy, Venezuela đang lâm vào tình cảnh thiếu gỗ và kim loại để làm quan tài và thiếu xi măng để xây mộ truyền thống. Một số gia đình đã chọn cách chờ đợi để được hỏa táng người thân đã qua đời, nhưng chờ đợi cũng khiến chi phí tăng thêm khi lạm phát hàng năm của Venezuela đã đạt gần 1.000.000%.
Theo ông Ana Hernandez, 36 tuổi, người đang cố thu xếp để hỏa táng em gái mình tại một nghĩa trang ở thành phố Barquisimeto, chi phí hỏa táng đã tăng 108% chỉ trong một tuần.
Hơn thế nữa, tình trạng thiếu thuốc men, thực phẩm và hàng hóa cơ bản vẫn “dậm chân tại chỗ” kể từ khi giá dầu tuột dốc không phanh hồi năm 2014, vùi dập nền kinh tế Venezuela. Khoảng 3 triệu người dân Venezuela đã di cư kể từ năm 2015, theo con số thống kê từ Liên Hợp Quốc.
Quan chức của Venezuela đã không bình luận gì về tình trạng thiếu khí đốt để hỏa táng này.
Luật sư Gladys Gonzalez, 52 tuổi, đến từ thành phố Maracaibo, đã phải chờ 4 ngày để được hỏa táng người mẹ đã qua đời ở tuổi 72 vì nhiễm trùng dạ dày sau khi vật lộn tìm thuốc kháng sinh.
“Không ai đáng phải chịu những đau khổ này”, bà Gladys Gonzalez ngậm ngùi tại nghĩa trang thành phố Maracaibo.
Kim Nai (Theo Reuters)