(CLO) Chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam “nóng” tới mức Chính phủ phải vào cuộc. Một trong những bức xúc của nghệ sĩ tại hãng phim này là giá trị thương hiệu của đơn vị chỉ được định giá 0 đồng. Vậy việc này có đúng không? >>
Tổng công ty Vận tải thủy cam kết gì khi đầu tư vào Hàng phim truyện Việt Nam? [caption id="attachment_184769" align="aligncenter" width="710"]
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói việc định giá thương hiệu VFS bằng "không" là "một sự ngu dốt và xúc phạm". Ảnh: V.H[/caption] Trong thư ngỏ đọc tại hội họp báo tại Hội Điện ảnh Việt Nam ngày 21/9/2017, Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói: Công ty TNHH Kiểm toán Quốc gia VIA và Công ty chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0, với sự đồng ý của Ban cổ phần hóa, Bộ VHTT&DL là “một sự ngu dốt và xúc phạm”. Nếu những gì ông Vân nói là đúng, thì quả thật, toàn bộ nghệ sĩ của VFS và cả Nhà nước đã bị ê kíp này qua mặt một cách khủng khiếp để một doanh nghiệp tư nhân nhảy vào thôn tính tài sản nhà nước một cách công khai. Tuy vậy, việc định giá thương hiệu (nói thẳng ra) không phải là chuyên môn của các nghệ sĩ hay là bộc lộ các cảm xúc cá nhân. Nó thuần túy là việc liên quan tới các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và hệ thống pháp lý liên quan tới lĩnh vực này. Theo ông Tommy Nguyen, Giảng viên Chiến lược kinh doanh, Trường Kinh doanh Tivazo: “Trong giá trị của một doanh nghiệp thì thương hiệu là giá trị vô hình, thế nên các quy định về khấu hao như với tài sản hữu hình không thể áp dụng. Nói ngắn gọn và dễ hiểu thì cách phổ biến là đưa các giá trị về hiện tại dựa trên các dữ liệu của quá khứ và doanh thu kỳ vọng trong tương lai”. Theo thông lệ quốc tế, hiện tại có nhiều cách đánh giá – định giá thương hiệu, phổ biến là ước lượng tài sản thương hiệu hoặc căn cứ vào các báo cáo, chỉ số tài chính. Thương hiệu được định giá bằng cách xác định thu nhập trong tương lai có thể kiếm được nhờ thương hiệu, sau đó qui số tiền này về giá trị hiện tại bằng cách sử dụng lãi suất chiết khấu. [caption id="attachment_184716" align="aligncenter" width="800"]
Nhiều nghệ sĩ ước tính giá trị đất của VFS là khoảng 2000 tỉ đồng. Ảnh: V.H[/caption] Trong hệ thống các văn bản pháp quy của Nhà nước hiện nay, việc định giá thương hiệu được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, ngày 18/7/2011, về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; và tại Thông tư 127/2014/TT-BTC, ngày 5/9/2014, Hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 32, Nghị định 59 về Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp nói: “Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển”. Còn tại Thông tư 127, tại mục a, khoản 7, Điều 18 về xác định giá trị thực tế các loại tài sản của doanh nghiệp nêu: Giá trị thương hiệu được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm, bao gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công ty; xây dựng trang web... Theo đại diện Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTT&DL) thì tổng giá trị thực tế của Hãng phim truyện Việt Nam là 91,7 tỉ đồng (tại thời điểm 30/09/2014). Căn cứ quy định tại Nghị định số 59 và Thông tư 127 về cách tính giá trị lợi thế kinh doanh của công ty thì giá trị lợi thế kinh doanh của Công ty là 0 đồng do trong vòng năm 5 tính đến thời điểm cổ phần hoá Công ty không có đầu tư cho hoạt động quảng cáo, đào tào… và Công ty không có tỷ suất lợi nhuận trong vòng 3 năm trước thời điểm cổ phần hoá. Liên quan tới giá trị các khu đất VFS đang sử dụng, nhiều ý kiến cho rằng, giá trị các mảnh đất này theo thị trường hiện nay là 2000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cả Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định: Hiện đất của hãng phim đều là đất thuê của Hà Nội. Theo nghị định của Chính phủ thì đất đi thuê không được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Dư luận nói Bộ VHTT&DL “bán nguyên đất” cho doanh nghiệp là sai. Ngày 21/7 vừa qua, Sau khi nghe ý kiến của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và một số bộ ngành liên quan, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay sẽ báo cáo Thủ tướng để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu tính lại giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ theo giá trị truyền thống, lịch sử của hãng phim.
Hoàng Lan