Nhà báo Lục Hương Thu – Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Lào Cai:

“Vị ngọt” của nghề là được cống hiến cho vùng đất mình đang sống

Thứ năm, 26/12/2019 10:29 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) "Thực tế cuộc sống và tác nghiệp tại các tỉnh trung du, miền núi, vùng sâu vùng xa mà tôi từng gặp lại khá xa với lý thuyết và những gì được học, đòi hỏi phải ứng phó linh hoạt mới hoàn thành được tác phẩm, bảo vệ an toàn cho tính mạng và trang thiết bị của mình"- NB Hương Thu chia sẻ.

Nhà báo Lục Hương Thu.

Nhà báo Lục Hương Thu.

+ Những ngày cuối năm tôi lại nghĩ đến những người làm báo ở khu vực biên giới bởi một phần ở thời tiết khắc nghiệt, phần nữa là bởi những bận rộn của họ gắn với những hối hả của nhịp giao thương khu vực đặc thù... Chị có thể chia sẻ về những công việc của những phóng viên thường trú như chị trong ngày này không? 

- Áp Tết, vùng núi biên giới rét đậm rét hại tấn công với mật độ dày, gia súc, cây trồng, kể cả sức khỏe con người cũng là mối quan tâm cần chăm sóc bảo vệ. Bên cạnh đó, áp tết cũng là dịp mua bán giao thương ở các chợ đầu mối, chợ vùng cao, vùng giáp ranh biên giới có thể nói cứ “nóng” lên từng ngày, nhất là tình trạng mua bán vận chuyển pháo nổ, hàng lậu, hàng cấm qua các lối mở trên dọc chiều dài biên giới gần 200km… Đó là chưa kể những cuộc thăm thân chúc tết của các cơ quan, chính khách dịp trước, trong và sau Tết. Việc gì cũng quan trọng, cũng cần đưa tin, mà số lượng các phóng viên thường trú thì ít. Mặc dù cơ quan thường trú đã chủ động trù tính được khối lượng công việc lên lịch phân công công tác cho từng cá nhân theo dõi sát từng mảng công việc, nhưng cái “đột xuất” bất ngờ vẫn cứ khiến các phóng viên thường trú địa bàn phải căng ra mà làm việc. Đó là chưa kể việc gia đình dịp này ai cũng bận rộn lo cho cái tết bằng với bạn bè hàng xóm.

Ở đâu đó còn mơ hồ về khái niệm “biến đổi khí hậu”, nhưng ở vùng núi nơi tôi thường trú hằng năm vẫn xảy ra những khô hạn, cháy rừng, lũ ống, lũ quét sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Để tiếp cận hiện trường và có được bức ảnh chân thực, dòng tin nóng hổi, bản thân đã phải nhiều lần đi bộ hoặc thuê xe ôm dẫn đường… Nhiều khi có được tác phẩm thì điều kiện truyền tin lại không có, bởi vùng sâu, vùng lõm đâu có kết nối được mạng. Vậy là đành phải mất thêm một “cuốc” xe ôm từ trong rừng về thị trấn mới có tín hiệu đường truyền. Mất thêm thời gian, công sức và… tiền xe ôm. Nhưng điều đó không quan trọng. Xong việc, được việc là vui rồi.

Nhà báo Hương Thu tác nghiệp tại thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, Lào Cai.

Nhà báo Hương Thu tác nghiệp tại thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, Lào Cai.

+ Được biết, chị đã thường trú hơn 10 năm ở các tỉnh trung du và miền núi, với một nữ nhà báo, chắc hẳn là những trải nghiệm đã cho chị rất nhiều những “ngọt - đắng” với nghề?

- Trong một chuyến công tác, tình cờ tôi đọc được dòng tâm sự ghi ở cuốn nhật ký của một đồng nghiệp nam khiến tôi quan tâm: “Làm phóng viên vốn vất vả, làm phóng viên thường trú còn cực nhọc hơn rất nhiều”. Sau gần 5 năm thường trú tại Phân xã Phú Thọ (nay gọi là cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Phú Thọ), năm 2010 tôi được điều chuyển lên thường trú tại tỉnh miền núi biên giới Lào Cai. 13 năm gắn bó với nghề làm báo cho đến nay tôi đều làm ở các cơ quan thường trú từ trung du đến miền núi biên giới. Thực tế cuộc sống và tác nghiệp tại các tỉnh trung du, miền núi, vùng sâu vùng xa mà tôi từng gặp lại khá xa với lý thuyết và những điều tôi học ở trường đòi hỏi mình phải ứng phó linh hoạt mới hoàn thành được tác phẩm và thậm chí mới bảo vệ được an toàn cho tính mạng và trang thiết bị mình mang theo. Phóng viên thường trú phải tác nghiệp độc lập. Để phục vụ tốt cho vai trò phóng viên đa năng, “ba trong một”, mỗi chuyến đi tôi mang theo không dưới 10kg các trang thiết bị như máy ảnh, máy quay phim, máy tính xách tay và các tư trang cần thiết khác.

Tôi thực sự không thể quên được, các trận lũ quét lịch sử ở Phìn Ngan (Bát Xát) và Bản Khoang (Sa Pa). Nhận tin từ cơ sở báo vào đêm muộn, tờ mờ sáng anh em báo chí các cơ quan thường trú lên chung một chuyến xe ô tô vào hiện trường. Chưa biết cụ thể điểm xảy ra thiên tai, chỉ biết nó nằm ở thôn Z, xã Y của huyện B. Vừa đi vừa hỏi, cuối cùng cũng đến được nơi mình cần đến, nhưng ngặt một nỗi càng gần đến nơi mưa lũ càng chia cắt đường mạnh, khiến một số phương tiện như xe con không thể cơ động vượt qua để tiếp cận hiện trường. Trong hoàn cảnh đó, để có thông tin nhanh và chính xác, anh em phóng viên phải vác máy, lội bộ. Ghi được hình ảnh và lấy được những thông tin cần thiết, rồi lộn trở ra xe làm tin, dựng ảnh, dựng hình với mong muốn đưa tin sớm nhất về trung tâm, nhưng sóng yếu, không điện, mất đường truyền lại phải đi hàng chục km mới truyền được tin và hình ảnh về Hà Nội. Sau khi thông tin được phát đi, người dân vùng ảnh hưởng của thiên tai đã nhận được sự thăm hỏi rất kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức cá nhân trong, ngoài nước. Những lúc ấy bản thân thấy quên hết sự mệt mỏi, thậm chí còn cảm thấy “vị ngọt” của nghề bởi mình đã cống hiến cho đồng bào và chính quyền nơi mình đang sống những việc làm có ích.

Nhà báo Lục Hương Thu dừng chân nghỉ bên suối trên đường tác nghiệp tại vùng lũ Phìn Ngan, xã Quang Kim, huyện Bát Xát.

Nhà báo Lục Hương Thu dừng chân nghỉ bên suối trên đường tác nghiệp tại vùng lũ Phìn Ngan, xã Quang Kim, huyện Bát Xát.

+ Phóng viên thường trú tại địa bàn miền núi đa dân tộc, kinh tế, giao thông còn nhiều khó khăn như Lào Cai, rồi lại muôn kiểu văn hóa vùng miền chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn. Tôi rất muốn nghe cảm nhận của chị về những người chị từng gặp, những nơi chị từng đến. Tình cảm ấy, sự gắn bó ấy có phải là một phần để chị yêu nghề hơn không?

- Dấn thân trong những vụ cháy rừng, lũ ống, lũ quét hay đột kích vào khu vực hoạt động của bọn buôn lậu sẽ đem lại cho bạn rất nhiều trải nghiệm, giúp các bạn rút ra những kinh nghiệm quý và càng cảm thấy yêu nghề báo hơn. Phóng viên, nhất là thường trú phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều người. Anh em cơ quan thường trú thường đùa vui: phóng viên thường trú ở các tỉnh miền núi lâu năm không khác gì người bản địa. Bạn sẽ hiểu những phong tục, tập quán của từng dân tộc trên địa bàn. Thường trú tại địa bàn vùng núi, bạn phải đi rất nhiều. Đường đi tuy vất vả khó khăn nhưng bù lại, được vi vu trên những cung đường đèo núi, ngắm nhìn những mảnh ruộng bậc thang chín vàng cũng là những trải nghiệm thú vị. Ba lần đi cơ sở vào ba bản Hà Nhì (Bát Xát), Mông (Bắc Hà) và Tày (Nghĩa Đô Bảo Yên)… người dân quý mến khách theo cách riêng của họ. Nhưng có một điểm chung đó là không vồn vã xã giao mà trọng thị mời khách uống nước, cạn với nhau vài chén rượu thơm đã cất giữ lâu ngày, bởi theo quan niệm của đồng bào: “Khách đến còn là dấu hiệu mang lại sự may mắn cho gia đình”. Khách vào thăm nhà là phải uống đủ ba chén rượu. “Uống xong mới nói chuyện sâu và mới hiểu cái bụng thật của nhau được”, anh Ma Seo Sùng ở thôn Cán Cấu I, huyện Si Ma Cai nói như thế. Khách càng quý thì càng phải uống nhiều rượu, bởi đồng bào dân tộc quan niệm uống rượu phải thật say mới thật lòng, mới dễ nói chuyện. Qua được cửa này coi như chuyến đi của phóng viên đã hoàn thành một nửa công việc.  

Nhà báo Hương Thu tác nghiệp.

Nhà báo Hương Thu tác nghiệp.

+ Vâng, xin cảm ơn chị!

Vân Hà (Thực hiện)

Tin khác

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo
65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo
Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

(CLO) Ngày 23/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo.

Nghề báo